NGƯỜI THẦY TRUYỀN LỬA
Thầy Từ Văn Toàn - Bí thư Đoàn trường, giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) trong giờ dạy học. Ảnh: THU OANH
“Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên hiểu rõ những khó khăn của học trò nông thôn vùng sâu, muốn được ôn luyện thi học sinh giỏi gặp rất nhiều khó khăn”, là lời tâm sự của thầy Từ Văn Toàn - Bí thư Đoàn trường, giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).
Vì thấu hiểu khó khăn của học sinh nên suốt 3 năm qua thầy Toàn không quản kỳ nghỉ hè hay các buổi trống tiết trong tuần để ôn luyện cho lớp học sinh giỏi môn hóa. Thầy Toàn cho biết: “Tôi xác định phải bồi dưỡng theo quy trình từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để học sinh bắt nhịp dần”. Quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi của thầy Toàn gặp nhiều trở ngại khi có nhiều em xa trường, có em hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Quan tâm đến học trò, thầy Toàn không chỉ ôn luyện mà còn tặng tập, viết, có khi dùng tiền của bản thân để làm phần thưởng khích lệ tinh thần các em. Thầy còn khơi gợi niềm đam mê, truyền cảm hứng để các em quyết tâm vượt khó, cố gắng thực hiện ước mơ học giỏi.
Em Lê Hoàng Xuân Vinh - học sinh lớp 11A Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Vĩnh Hòa đoạt giải nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa học năm học 2022-2023. Vinh kể hồi học lớp 10, em phân vân chọn giữa việc thi học sinh giỏi môn toán và môn hóa học. Thầy Toàn đã truyền cảm hứng giúp em biết bản thân có năng khiếu và yêu thích môn hóa học.
“Chúng em không chỉ được thầy Toàn bồi dưỡng tại trường mà còn đến nhà để thầy hướng dẫn ôn tập, hoàn toàn không lấy tiền. Chúng em đoạt được thành tích học sinh giỏi là nhờ thầy Toàn rất nhiều, em rất biết ơn thầy”, Vinh nói.
Trong 3 năm học qua, học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Vĩnh Hòa đoạt 2 giải nhì, 3 giải ba, 1 giải khuyến khích kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa học.
Thầy Nguyễn Thanh Hùng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Vĩnh Hòa nói: “Trường ở vùng sâu, vùng xa nên còn nhiều khó khăn, trước đây rất hiếm có trường hợp đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Thầy Toàn là cá nhân điển hình học tập và làm theo Bác của trường, với tấm lòng yêu thương học trò và tâm huyết giảng dạy, thầy giúp nhiều em đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Tấm lòng của thầy Toàn rất đáng trân trọng”.
NHỮNG VIỆC LÀM CỤ THỂ
Đồng chí Lâm Ngọc Xoàn (bìa phải) - Bí thư Đoàn thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) trao quà xuân tình nguyện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị trấn. Ảnh: TÚ ANH
Rửa xe gây quỹ, thu gom phế liệu từ chai nhựa… là những mô hình thiết thực từ việc học Bác do đồng chí Lâm Ngọc Xoàn - Bí thư Đoàn thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) tổ chức. Từ những việc làm thiết thực đó góp phần gây quỹ xây dựng nhà nhân ái cho thanh niên và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại địa phương.
Đồng chí Xoàn cho biết: “Để việc học Bác đi vào đời sống, tôi cụ thể hóa bằng cách xây dựng nhiều mô hình học tập và làm theo Bác, giúp đoàn viên, thanh niên có môi trường rèn luyện, học tập và làm theo. Điển hình như xây dựng mô hình hội nghị không giấy, tài liệu hội nghị được mã hóa thành QR code nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên về chuyển đổi số. Qua thực hiện mô hình, góp phần tiết kiệm giấy, văn phòng phẩm phục vụ trong các cuộc hội nghị”.
Để góp phần tạo nguồn quỹ thực hiện phong trào vì an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đồng chí Xoàn triển khai mô hình rửa xe gây quỹ và mô hình thu gom phế liệu từ lon, chai nhựa gây quỹ. Với mô hình rửa xe gây quỹ, mỗi tháng Đoàn thị trấn duy trì vào ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia trực rửa xe. Phí rửa một chiếc xe máy 25.000 đồng và được góp vào nguồn quỹ thực hiện công tác an sinh xã hội.
Với mô hình thu gom phế liệu từ lon, chai nhựa gây quỹ, đồng chí Xoàn triển khai thực hiện bằng hình thức liên hệ với các quán ăn trên địa bàn thị trấn hỗ trợ lon, chai nhựa, thùng giấy. Đoàn thị trấn thành lập đội hình thu gom 1 lần/tuần bán lấy tiền góp vào nguồn quỹ.
Chỉ với thời gian thực hiện hơn 8 tháng, hai mô hình gây quỹ được 20 triệu đồng và hỗ trợ sửa chữa nhà nhân ái cho một đoàn viên khó khăn, kinh phí 12 triệu đồng.
Năm 2023, đồng chí Xoàn vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VII toàn quốc và là một trong 420 thanh niên được Trung ương Đoàn tuyên dương.
Đồng chí Xoàn chia sẻ: “Tôi được học rất nhiều mô hình hay, ý nghĩa và thiết thực từ các đại biểu về dự đại hội. Tôi sẽ nghiên cứu vận dụng các mô hình phù hợp tại địa phương trong thời gian tới. Đồng thời, bản thân tiếp tục duy trì và vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện mô hình gây quỹ hiện có và nghiên cứu xây dựng thêm nhiều mô hình học tập và làm theo Bác; tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành”.
NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Đại diện Trung đoàn 893 thăm hỏi gia đình ông Vương Văn Sóc, ngụ ấp Xoa Ảo, xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) được hỗ trợ xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội. Ảnh: THU OANH
Từ năm 2019 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 893, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang tự nguyện dành một phần lương, phụ cấp để góp quỹ xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội. Hành động này thể hiện sự thống nhất cao trong toàn tập thể nhằm tiếp tục phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, thắt thặt tình đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Trung tá Vương Thanh Triều - Chính ủy Trung đoàn 893 cho biết: “Từ thực tế một số hạ sĩ quan, chiến sĩ đang tại ngũ gặp khó khăn về nhà ở, Đảng ủy Trung đoàn 893 thống nhất thực hiện mô hình xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội từ năm 2019. Qua 4 năm thực hiện mô hình, đơn vị đã xây dựng 10 căn nhà cho hạ sĩ quan, chiến sĩ. Trong 3 năm đầu, đơn vị hỗ trợ 35 triệu đồng/căn; những năm tiếp theo nâng lên hỗ trợ 60 triệu đồng/căn. Đơn vị còn cử cán bộ, chiến sĩ góp hàng trăm ngày công giúp đồng đội xây dựng nhà”.
Trung sĩ Vương Văn Phong là hạ sĩ quan thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 519, Trung đoàn 893 vừa được Trung đoàn 893 hỗ trợ xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội trong năm 2023. Chúng tôi đến thăm gia đình của Trung sĩ Vương Văn Phong tại ấp Xoa Ảo, xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).
Ông Vương Văn Sóc - cha của đồng chí Phong không giấu được niềm vui và sự xúc động khi nhắc đến việc được hỗ trợ xây dựng nhà. Ông chỉ vào căn nhà tường sơn màu xanh, mái lợp tole, nói: “Trước kia nhà xiêu vẹo, mái nhà thủng nhiều chỗ nên mưa là dột. Trong lúc đó, gia đình được Trung đoàn 893 hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới, tôi thật sự rất xúc động”.
Không chỉ hỗ trợ kinh phí, Trung đoàn 893 còn chỉ đạo Tiểu đoàn 519 cử cán bộ, chiến sĩ giúp gia đình ông Sóc xây dựng nhà. Ông Sóc nói: “Thương các cháu chiến sĩ dù không có nghề thợ xây nhưng làm việc rất cẩn thận, tỉ mỉ nên căn nhà được xây dựng xong trông rất chắc chắn và đẹp. Để tỏ lòng biết ơn các chú bộ đội, vợ chồng tôi dặn dò con trai cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ ở đơn vị, còn vợ chồng tôi phấn đấu làm ăn vươn lên”.
Sống gần nhà ông Sóc, ông Hứa Văn Đông, ngụ ấp Xoa Ảo, thường xuyên lui tới giúp đỡ ông Sóc xây dựng nhà. Ông Đông nói: “Nhà tôi gần đây nên biết rõ gia đình ông Sóc chịu khó làm ăn nhưng do không ruộng đất nên còn chật vật. Cháu Phong hiền lành, tình nguyện nhập ngũ nên được cả xóm khen. Khi cháu đi bộ đội còn được đơn vị hỗ trợ xây dựng nhà, ở xóm đều mừng cho gia đình cháu Phong cũng như càng thương quý các chú bộ đội. Nhiều thanh niên trong xóm bảo nhau đăng ký nhập ngũ để làm được việc có ích như các chú bộ đội”.
ĐIỂM TỰA CỦA LÒNG DÂN
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lình Huỳnh giúp dân sửa chữa nhà sau mưa bão. Ảnh: THU OANH
Trong cơn dông bão, sóng biển đánh chìm tàu của ngư dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lình Huỳnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang không ngại nguy hiểm, vất vả có mặt kịp thời giúp trục vớt tàu. Hay tin nhà dân bị dông lốc làm tốc mái, sập đổ, cán bộ, chiến sĩ của đồn đến giúp dân dựng, sửa chữa nhà.
Chị Thái Thị Tuyền, ngụ ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Nhà tôi chỉ có hai chị em sống với nhau, chị của tôi bị bệnh, tinh thần không ổn định nên muốn cất căn nhà thật sự rất khó khăn. 3 năm trước, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lình Huỳnh đã giúp ngày công cất nhà cho chị em tôi. Tôi rất cảm ơn các anh”.
Sẵn sàng giúp đỡ, chăm lo cho nhân dân là phẩm chất tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lình Huỳnh với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực học tập và làm theo Bác. Thượng úy Lương Thế Khải - Phó đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Lình Huỳnh chia sẻ: “Mỗi khi hay tin người dân gặp khó khăn, tôi và đồng đội cố gắng giúp người dân một cách nhanh nhất. Chúng tôi không ngại vất vả miễn sao giúp người dân giảm khó khăn, thiệt hại”.
Thiếu tá Phạm Văn Phú - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lình Huỳnh cho biết ngoài việc góp ngày công giúp dân, đồn còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để tổ chức trao quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật với kinh phí hàng năm khoảng 150 - 200 triệu đồng.
Vợ chồng ông Lê Công Tâm, ngụ ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh đã ngoài 70 tuổi, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Kinh tế của ông bà chủ yếu dựa vào chăn nuôi vài con gà, con vịt. Biết được hoàn cảnh của vợ chồng ông Tâm, Đồn Biên phòng Lình Huỳnh thường xuyên tặng gạo, mì, các phần quà cho gia đình. Nắm chặt tay các cán bộ, chiến sĩ biên phòng khi đến thăm hỏi, ông Tâm bộc bạch: “Tôi rất cảm động trước sự giúp đỡ của các cháu bộ đội biên phòng. Những phần quà ý nghĩa đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong lúc khó khăn”.
Là người đồng hành cùng bộ đội biên phòng thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người dân, ông Phạm Thanh Hoàng - Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp Lình Huỳnh cho biết: “Từ khi Đồn Biên phòng Lình Huỳnh đóng trên địa bàn xã Lình Huỳnh đã trở thành điểm tựa cho người dân trong xã và các xã lân cận. Những khi dân cần, dân gặp khó, bộ đội biên phòng có mặt giúp đỡ, nên bà con rất tin tưởng, yêu quý các anh”.
HẾT LÒNG GIÚP NGƯỜI NGHÈO
Chị Tào Bích Thủy (bìa phải), ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) tham gia khởi công xây dựng cầu Sáu Trạng, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng). Ảnh: DANH THÀNH
Học tập và làm theo Bác, nhiều phụ nữ Khmer nỗ lực phát triển kinh tế, chung tay sẻ chia, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Chị Thị Thu, ngụ khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương và giúp nhiều người dân cải thiện cuộc sống.
Sau khi lấy chồng, cuộc sống của chị Thị Thu rất vất vả, chị phải làm đủ nghề để mưu sinh. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, chị mở được vựa buôn bán hải sản với thu nhập ổn định, gia đình chị vươn lên trở thành hộ khá giả. Kinh tế gia đình phát triển, chị Thu giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Chị giúp 14 người có việc làm ổn định với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/tháng; hỗ trợ địa phương kinh phí lắp 20 đèn chiếu sáng; hỗ trợ sửa chữa đường...
“Chị Thu đóng góp để làm đèn đường, sửa đường, giúp người dân đi lại thuận tiện. Trước đây, gia đình tôi nghèo, tôi thất nghiệp. Nhờ chị Thu thuê làm nên tôi có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng, gia đình bớt khó khăn”, chị Chao Thị Phật, ngụ khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức nói.
Đồng chí Trần Văn Sơ - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Mỹ Đức cho biết: “Phường phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và nhận sự chung tay của người dân, trong đó có chị Thị Thu. Chị Thu thường xuyên vận động, đóng góp xây dựng cầu, đường và thực hiện công tác an sinh xã hội, giúp nhiều hộ dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo”.
Đối với chị Tào Bích Thủy, ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành), việc tham gia các hoạt động an sinh xã hội là niềm vui, hạnh phúc. Mặc dù gia đình chị không khá giả, hàng ngày chị bán nước giải khát, thu nhập không nhiều nhưng chứng kiến nhiều nơi còn khó khăn, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn chị Thủy rất thương, từ đó chị vận động nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để xây dựng cầu, đường, tặng quà, hỗ trợ áo quan cho người nghèo...
Nhờ một phần đóng góp của chị Thủy mà vùng nông thôn xã Vĩnh Hòa Phú như được khoác lên mình tấm áo mới. Những cây cầu tạm bợ, nhỏ hẹp được thay thế bằng cầu bê tông kiên cố. Anh Danh Đen, ngụ ấp Vĩnh Hòa 2, xã Vĩnh Hòa Phú cho biết: “Trước đây, người dân đi lại khó khăn lắm, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và sự hỗ trợ của vợ chồng chị Thủy xây dựng cầu, đường, người dân đi lại, giao thương thuận tiện, học sinh đến trường dễ dàng hơn”.
Bên cạnh việc hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, người lớn tuổi neo đơn, chị Thủy vận động kinh phí từ các cơ sở tôn giáo, trong đó có Tịnh xá Bồi Đức (TP. Hồ Chí Minh) để xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Vợ chồng chị Thị Nhàn, ngụ ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trong căn nhà mới.
“Trước đây, gia đình tôi khó khăn, vợ chồng tôi làm nhiều năm nhưng không đủ tiền xây nhà. Nhờ được sự giúp đỡ của chị Thủy và nhà hảo tâm, năm nay gia đình tôi được đón tết trong căn nhà mới. Vợ chồng tôi cố gắng làm ăn để lo cho con ăn học”, chị Thị Nhàn chia sẻ.
Từ năm 2021 đến nay, chị Thủy vận động nhà hảo tâm xây 4 cây cầu, xây 3 căn nhà, tặng 15 xe lăn, hàng ngàn áo quan, hàng ngàn suất quà, nhận hỗ trợ thường xuyên 4 người neo đơn... Trung bình mỗi năm chị Thủy vận động thực hiện công tác an sinh xã hội trên 1,5 tỷ đồng.
“Đối với tôi làm việc tử tế sẽ làm cuộc sống ý nghĩa hơn. Thấy quê hương ngày càng phát triển, người mình giúp đỡ vươn lên thoát nghèo là động lực để tôi gắn bó với công tác thiện nguyện”, chị Thủy chia sẻ.
Trong năm 2021-2022, các huyện ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy biểu dương trên 1.300 lượt tập thể, cá nhân, trong đó tặng giấy khen trên 100 tập thể, trên 200 cá nhân; cấp xã và tương đương biểu dương trên 4.000 lượt tập thể, cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen 6 tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thành tích tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |
THU OANH - HUỲNH TÚ - DANH THÀNH
Theo https://www.baokiengiang.vn