Món quà đặc biệt dâng Bác

 

“Nguyễn Ái Quốc là ai rứa cha?”

Trước khi vào chủ đề tại sao lại có nhạc phẩm “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, tôi xin ngược dòng lịch sử một chút. Chuyện là mùa hè năm 1943, cha tôi - ông Nguyễn Tài Độ - sau hai năm đi học ở Sài Gòn được về quê thăm gia đình. Cha tôi mời các cụ đồ, cụ tú, cụ cử là bạn thân trong vùng đến nhà đối ẩm, ngâm thơ, nói chuyện cách mạng. Ông mang ra một tờ báo khổ rộng, các cụ chụm đầu xem rồi thì thầm một cách bí mật, làm mẹ và anh em tôi tò mò.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ảnh: Nguyễn Hòa
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ảnh: Nguyễn Hòa

Buổi chiều, thấy tờ báo gấp gọn đặt ở trường kỷ, tôi và anh trai giở xem. Đầu báo có tên là L’Indochine (Đông Pháp) in tại Sài Gòn. Ngay trang đầu, tờ báo in bản đồ xứ Đông Dương có một bóng người đứng bao trùm lên toàn xứ. Dưới chạy một hàng chữ in đậm, đại ý Nguyễn Ái Quốc đã dựng cứ địa ở xứ An Nam. Đúng lúc đó thì cha tôi bắt gặp và nói: “Ai cho các con mở báo coi lung tung rứa”. Tôi chống chế:

- Cha ơi! Nguyễn Ái Quốc là ai rứa?

- Nguyễn Ái Quốc chính là chú Nguyễn Sinh Coong (Cung), con trai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người dưới Nam Đàn. Ngày trước, cụ Nguyễn Sinh Sắc thỉnh thoảng qua lại với ông nội con. Chú Nguyễn Sinh Coong đã rời quê hương đi hoạt động kín từ lâu rồi, sang tận bên Tây. Nay về nước họp hội kín ở Cao Bằng bàn chuyện đánh Tây. Hiện dừ, con người này đang bị mật thám Pháp theo dõi. Tờ báo nói năm 1941, chú ấy đã về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa. Mà các con chỉ biết rứa thôi, đừng nói lung tung với ai đó nhớ chưa! - cha tôi căn dặn.

Ngày 02/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình và đã nhanh chóng lan truyền đến mọi miền quê. Người dân quê tôi cứ thắc mắc cái tên Hồ Chí Minh là ai, người quê ở mô! Nhưng với anh em chúng tôi đã biết đó chính là chú Nguyễn Ái Quốc, là Nguyễn Sinh Coong. Rồi chúng tôi nói với mọi người, Hồ Chí Minh không phải ai xa lạ mà là một người con xứ Nghệ quê ta. Từ đó, tên Người trở nên thân thuộc và được tôn kính trong mỗi người dân. Sau này, trên các cương vị công tác, tôi vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ, đó là những kỷ niệm đặc biệt trong đời tôi.

Món quà mừng sinh nhật

Giữa năm 1959, ca sĩ Quốc Hương và tôi đang cùng công tác tại Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Anh Hương nói với tôi: “Sang năm Bác Hồ tròn 70 tuổi, anh muốn có một bài ca mới để thể hiện tấm lòng với Bác, em nghiên cứu rồi sáng tác cho anh ca khúc về Bác”. Tôi phân trần: “Sao anh không nhờ các nhạc sĩ gạo cội như Văn Cao, Lưu Hữu Phước hay Đỗ Nhuận. Em mới ngoài 20 tuổi, để viết được một ca khúc ca ngợi lãnh tụ không đơn giản đâu anh!”.

“Các vị ấy toàn là chính ca! Viết đơn ca là sở trường của em và em đã có nhiều ca khúc để đời rồi đấy thôi. Tuần sau anh em mình bắt tay vào việc này nhé!” - anh Hương động viên tôi.

Tôi nói với anh Quốc Hương chuyện được cha kể về Nguyễn Ái Quốc về nước năm 1941. Anh Quốc Hương tỏ ra thích thú và nói với tôi sẽ chọn chủ đề Bác trở về Tổ quốc xây dựng căn cứ địa cách mạng để sáng tác về Người. Nhưng căn cứ nơi Bác về thì chúng tôi chẳng biết gì cả. Tôi liền sang Ban Dân tộc Trung ương hỏi xem năm 1941, Bác về nước xây căn cứ địa cách mạng ở miền núi phía Bắc là ở vùng nào, ở đó có đặc điểm gì? Họ bảo đó là bản Pác Bó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi ấy có suối Khuổi Nặm. Chỉ chừng ấy thông tin thì không thể viết được. Tôi và anh Quốc Hương bàn nhau rồi góp tiền ra phố Hàng Ngang mua cái xe đạp Trung Quốc, mọi người hay gọi “xe trâu” vì nó kềnh càng, thô ráp, để đi lên Cao Bằng một chuyến tìm hiểu cho cặn kẽ.

Bác Hồ về nước. Tranh sơn dầu của họa sĩ Trịnh Phòng
Bác Hồ về nước. Tranh sơn dầu của họa sĩ Trịnh Phòng

Hai anh em hí hửng đèo nhau từ Hàng Ngang đi về phía bờ hồ Hoàn Kiếm. Đang tung tăng thì một bánh trước của xe bị trượt xuống khe sắt đường tàu điện. Lẽ ra xuống xe, khéo nhấc nó lên, đằng này, anh Quốc Hương lại đạp mạnh và bẻ lái làm cho bánh xe nẩy lên và rồi bánh trước méo như hình số 8. Không có phụ tùng thay thế, việc lên Cao Bằng của anh em tôi đành dừng lại.

Mấy ngày sau, anh Quốc Hương hỏi: “Tuệ đã tìm hiểu thêm được tứ gì chưa?”. Tôi trả lời: “Em đã có thời gian hơn hai năm đi hướng dẫn, giúp đỡ đội Đoàn Ca múa Lao – Hà Yên nên cũng học được nhiều thể loại dân ca bản địa. Em sẽ lấy điệu Then của dân tộc Tày đưa vào bản nhạc”. Rồi tôi hát một đoạn cho anh Hương nghe. Anh bảo tứ rất hay, viết ngay nhé!

Trong căn phòng nhỏ, tôi thả hồn và tưởng tượng về Cao Bằng, rồi đặt bút: Trông vời lưng núi/ Khuổi Nặm rì rào núi cao tầng mây/ Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo/ Kể rằng Người về đây, nhà in lưng đá/Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà... Và bảy tháng sau, bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” hoàn thành dựa trên làn điệu Then, nhưng được thoát xác trở nên mềm mại, thanh thoát, với âm hưởng đầy tự hào.

Anh Quốc Hương cầm bản nhạc hát qua một lượt rồi reo lên: “Tuyệt vời quá Tuệ ơi. Đấy, anh bảo em sẽ làm được mà!”. Thế rồi anh luyện tập hăng say để thu âm. Ngày 19/5/1960, bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài hát nhanh chóng được phổ biến rộng rãi, được nhiều ca sĩ chọn đi biểu diễn trong và ngoài nước. Nhưng chuyện chẳng lành ập đến, có một vài lá đơn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, khiếu nại Nguyễn Tài Tuệ đã dùng điệu Then Tày ca ngợi Bác Hồ. Đây là một loại hình âm nhạc tâm linh, ma quái, mang tính đồng cốt mà đưa viết ca khúc ca ngợi lãnh tụ nên phải kỷ luật tác giả và cấm lưu hành bài hát. Tôi được Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa mời lên trình bày, giải thích sự việc trên. May lúc đó có đồng chí Nông Quốc Chấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa, đã lên tiếng bảo vệ: “Then là điệu hát tâm linh, linh thiêng, lời ca là lời thơ đẹp đẽ mang tính ca ngợi tổ tiên, ông bà, những bậc tiền liệt được nhân dân kính yêu, thờ phụng của dân tộc Tày. Không có ma quái hay đồng cốt như một số người nghĩ. Việc đưa làn điệu Then vào ca ngợi Bác thể hiện tình cảm đối với Người và qua đó, bà con nhân dân mọi miền, trong đó có cả đồng bào dân tộc được hát và truyền bá rộng rãi về hình ảnh của Bác Hồ. Hơn nữa, bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” đã cách điệu rất nhiều, không theo nguyên tắc ngũ cung của Then. Nên tôi đề nghị không xem việc này là vi phạm, phải biểu dương mới đúng chứ!”.

Bài hát ra đời vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, nhưng hơn bốn mươi năm sau, tác giả mới có dịp lên Cao Bằng. Năm 2001, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức khánh thành Tượng đài Bác Hồ ở trung tâm thị xã Cao Bằng, mời nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lên dự lễ khánh thành, nhạc sĩ được đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Cao Bằng đưa đi tham quan hang Pác Bó, suối Lê-nin và phong cảnh nơi đây đúng như hình dung của ông “đồ Nghệ”./.

Nguyễn Chí Hòa

Theo Báo Quân đội nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website