Học và làm theo lời dạy của Bác: Nữ cán bộ phường tận tâm với nghề

 

Không ngừng học hỏi hoàn thành tốt công việc

Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, chị Minh về công tác tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội từ năm 2010, được phân công phụ trách công tác tư pháp, hộ tịch. Gần 10 năm nay, với hơn chục đầu việc, từ công tác chứng thực, khai sinh, khai tử, kết hôn cho đến tiếp công dân, hòa giải vụ việc, kiểm soát các thủ tục hành chính… chị đều đảm đương và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh - ảnh: HM

Giữ vai trò tham mưu và trực tiếp giải quyết những vấn đề về pháp lý của người dân ở cơ sở, giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, với chị Nguyễn Thị Hồng Minh, đây là một công việc khá vất vả nhưng đọng lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa.

Chị chia sẻ:  Với trên 22 nghìn nhân khẩu, khối lượng công việc tư pháp – hộ tịch tại phường Thanh Nhàn là rất lớn. Mặt khác, đây được coi là địa bàn “nóng”, với nhiều dự án xây dựng, giải phóng mặt bằng liên tục diễn ra, trách nhiệm này đặt lên vai chị Nguyễn Thị Hồng Minh lại càng “nặng gánh” hơn. Song chị không quản ngại khó khăn mà luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn phường đoàn kết, xây dựng tình làng nghĩa phố.

Để làm tốt điều này, chị Minh thường xuyên tìm hiểu, cập nhật các văn bản, kiến thức pháp luật mới nhất. Đồng thời, chủ động trao đổi, phổ biến kiến thức pháp luật cũng như các kỹ năng hòa giải cho các tổ hòa giải trên địa bàn phường. Bởi theo chị, đó là hành trang vững chắc nhất, giúp cho người cán bộ hòa giải tự tin trong giải quyết công việc, thuận lợi trong vận động, thuyết phục nhân dân.

Có vụ tranh chấp đền bù đất đai phức tạp, để giải quyết thành công, chị phải theo đuổi, vận động, cố gắng thuyết phục, hòa giải đằng đẵng suốt 3 năm trời; tổ chức mấy chục cuộc họp với gia đình, tổ dân phố và lãnh đạo phường, thậm chí tự thân chị đến gặp mặt từng người để nói chuyện tình nghĩa, vận động mới tìm được sự đồng thuận.  Chị Minh cho biết.  

Tâm huyết với hoạt động xã hội

Không chỉ được biết đến là một cán bộ tận tâm, chị Minh còn được mọi người biết đến là một người tâm huyết với hoạt động xã hội. Chị là người đã kết nối hạnh phúc cho nhiều cháu bé bị bỏ rơi đến được với các gia đình hiếm muộn.

Chị kể: Năm 2016, nhận được tin báo có cháu bé bị bỏ rơi ở bệnh viện Thanh Nhàn, chị Minh nhanh chóng đến làm thủ tục khai sinh cho cháu. Mấy hôm sau, có gia đình hiếm muộn đến xin nhận con nuôi. Cùng lúc đó, có thêm 2 gia đình khác cũng đến xin nhận nuôi cháu bé. 1 trong 3 gia đình đã rỉ tai với chị Minh rằng: “Chúng tôi gửi chị 20 triệu đồng, nhờ chị hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý để đứa bé được làm con chúng tôi”.

Thời điểm đó, 20 triệu đồng quả là một khoản tiền không nhỏ, tuy nhiên chị Minh đã từ chối nhận và công khai các thủ tục nhận nuôi để 3 gia đình làm, nếu gia đình nào hoàn tất thủ tục trước thì được nhận nuôi cháu bé. Chị bảo: “Đó là nhân duyên của cháu, tôi không được quyền định đoạt hay cướp đi mối nhân duyên đó, tôi chỉ làm đúng chức trách nhiệm vụ của một người công chức vì dân mà phục vụ, không màng tư lợi cá nhân”.

Hay như việc làm giấy khai sinh cho 2 cháu bé ở địa bàn khu dân cư số 1 phường Thanh Nhàn đã để lại cho chị Minh và các cán bộ công chức phường nhiều suy nghĩ. Hai cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt là bố mẹ đều bỏ đi không có tung tích, để lại con cho ông bà nội nuôi. Khi 2 cháu bé đến tuổi đi học, ông bà mới đến phường hỏi các thủ tục làm giấy khai sinh. Bộ phận một cửa phường đã hướng dẫn gia đình những hồ sơ và thủ tục cần thiết. Tuy nhiên do gia đình không đáp ứng được những yêu cầu đó nên việc làm giấy khai sinh mất nhiều thời gian, gia đình cảm thấy bất mãn và liên tục gửi đơn thư về phường.

Chị Minh đã chủ động xuống địa bàn dân cư, phối hợp với tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ cảnh sát khu vực để tìm hiểu. Sau khi biết hoàn cảnh của các cháu, việc có đầy đủ giấy tờ,chữ ký của cả bố mẹ trong thời điểm đó là khó thực hiện, bà nội lâu nay bị bệnh tâm thần phân liệt. Vì thế chị Minh đã động viên người thân của các cháu lên phường, phối hợp với cán bộ tư pháp để được hướng dẫn “tháo gỡ vướng mắc”.

Vì đây là trường hợp đặc biệt, nằm ngoài quy định, chị phải nhiều đêm nghiên cứu tìm hướng giải quyết tốt nhất, sau đó đề xuất với lãnh đạo hướng làm linh động. Nhờ sự tận tình của chị Minh, đến nay, hai cháu bé đó đã được cấp giấy khai sinh, hiện các cháu đều đang theo học ở trường Tiểu học Minh Khai.

“Đến nay, tôi không nhớ nổi đã khai sinh cho bao nhiêu trường hợp khó và tìm mái ấm cho bao nhiêu cháu bé bị bỏ rơi, nhưng chỉ biết rằng sau mỗi lần nỗ lực hết mình, tôi cảm thấy cuộc sống thêm đẹp và ý nghĩa hơn rất nhiều. Đó là động lực giúp tôi gắn bó với công việc vất vả này” - Chị Minh chia sẻ.

Khẳng định công tác tư pháp đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đồng chí Thạch Bảo Khôi, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn cho biết: “Nhiều năm nay, phường Thanh Nhàn là một trong những đơn vị được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính. Nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn phường và thậm chí từ các nơi đều lựa chọn thực hiện các thủ tục, bởi họ luôn nhận được sự niềm nở, nhanh nhẹn, giải quyết sớm của cán bộ một cửa. Đặc biệt, đa số người dân đến phường đánh giá cao chuyên môn và tâm huyết của đồng chí Minh. Có những hồ sơ khó, vướng mắc về thủ tục, họ được đồng chí Minh hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Không những vậy, đồng chí Minh còn làm tốt công tác tham mưu, rà soát giúp lãnh đạo ký ban hành các văn bản, quyết định; kiểm soát các thủ tục hành chính”...

Bác Hồ từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền", Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hình ảnh người dân Thủ đô thanh lịch văn minh, trong đó công chức, viên chức là người đi đầu. Chị Nguyễn Thị Hồng Minh chính là một tấm gương cần được nhân rộng trong thời gian tới. Đồng chí Bạch Thảo Khôi nhấn mạnh./.

Hoàng Mẫn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website