Việc học tập và làm theo Bác Hồ ở Đảng bộ xã Minh Thanh (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
|
Ông Nông Tiến Long (bên trái), Trưởng thôn Tân Thái, xã Minh Thanh (Sơn Dương) trao đổi với người dân cách chăm sóc chè sau thu hoạch. |
Đảng bộ xã đã tuyên truyền, vận dụng sáng tạo Chỉ thị số 05 gắn với với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phù hợp với thực tế của địa phương. Trên cơ sở đó tập trung phát động thi đua tới các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Từ các phong trào thi đua đã có nhiều tập thể cá nhân điển hình hiến đất làm nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, nhiệt huyết với nhiệm vụ, phát triển kinh tế…
Được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Tân Thái, từ năm 2015 đến nay, ông Nông Tiến Long luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, hết lòng phục vụ nhân dân. Triển khai Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về làm đường giao thông vào khu sản xuất hàng hóa, ông Long tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn góp công sức, tiền của làm đường giao thông. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số hộ dân còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, so bì lợi ích... Ông cùng các thành viên trong tổ vận động đến từng nhà, gặp từng người, kiên trì giải thích, thuyết phục người dân hiểu, biết đặt lợi ích chung của thôn lên hàng đầu. Để đảm bảo dân chủ, khách quan, thôn còn tổ chức họp dân lấy ý kiến, thống nhất mức đóng góp, cách thực hiện và tổ chức giám sát thi công. Kết quả, đầu năm 2017, nhân dân thôn tự nguyện góp 11 triệu đồng, gần 200 ngày công, đổ bê tông trên 1.065 m đường vào vùng sản xuất chè. Còn hơn 2.000 m nữa, người dân đã nhất trí cao đăng ký làm tiếp trong năm 2018. Người dân đã đưa giống chè mới vào sản xuất dần thay thế 40,13 ha chè cũ năng suất, chất lượng thấp, thực hiện đúng khuyến cáo của Công ty cổ phần Chè Tân Trào không phun thuốc bảo vệ thực vật có hại cho người tiêu dùng; duy trì và chăm sóc 23,8 ha mía.
|
Người dân thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) thu hái chè. |
Không tính đếm đến thua thiệt, bà Lương Thị Nhự ở thôn Cả đã hiến hơn 700 m2 đất vườn, đất ruộng để thôn xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nội đồng. Khi hỏi lý do gia đình bà tự nguyện hiến diện tích đất lớn như vậy, bà Nhự bộc bạch: “Những năm qua, gia đình tôi được Nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều. Nay thôn, xã cần đất để xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nội đồng để phát triển sản xuất, tôi nhận thấy mình cũng cần có trách nhiệm trong xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, có nhà văn hóa khang trang không chỉ người dân trong thôn, mà gia đình tôi, các thế hệ con cháu tôi cũng sẽ được hưởng lợi”. Hiện nay, nhà văn hóa thôn Cả đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tổng kinh phí xây dựng hơn 300 triệu đồng, trong đó có hơn 100 triệu đồng do người dân thôn Cả đóng góp.
Không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, trong hiến đất làm nhà văn hóa mà đảng viên, người dân ở Minh Thanh còn nỗ lực phát triển kinh tế để vươn lên. Anh Ma Văn Chiến, ở thôn Cò là một điển hình. Những năm trước, kinh tế gia đình anh Chiến thuộc diện nghèo. Không cam chịu hoàn cảnh, anh Chiến và gia đình đã nỗ lực vươn lên, lấy ngắn nuôi dài, chuyển gần 5 ha đất trồng sắn sang trồng rừng, nuôi bò sinh sản. Sau hơn 6 năm, năm 2016 anh Chiến đã xây được nhà kiên cố khang trang, vươn lên hộ có mức sống khá.
Đồng chí Ma Triệu Phú, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh khẳng định, không có sự kết hợp nào tốt hơn bằng việc gắn học và làm theo Bác với xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, với những kế hoạch cụ thể đã được đề ra, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sẽ từng bước thấm nhuần trong từng cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân trong xã. Qua đó, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.
Bài, ảnh: Trang Tâm
Theo http://www.baotuyenquang.com.vn