Học tập và làm theo Bác để thiết thực chăm lo cải thiện đời sống nhân dân

 

Lực lượng ĐVTN tham gia thực hiện công trình thanh niên làm đường bê-tông nông thôn
Lực lượng ĐVTN tham gia thực hiện công trình thanh niên làm đường bê-tông nông thôn. Ảnh minh họa.

Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, được thành lập ngày 15/12/1962 trên cơ sở tách ra từ huyện Đồng Văn, một vùng đất có từ lâu đời, là điểm cuối cùng của trục đường Hạnh Phúc: Hà Giang - Đồng Văn.

Cao nguyên Đồng Văn nói chung, huyện Mèo Vạc nói riêng là vùng cao núi đá, độ cao trung bình là 1.100m so với mặt nước biển. Núi đá chiếm hơn 34.000 ha, đất nông nghiệp chỉ chiếm gần 15.000 ha, lâm nghiệp hơn 10.000 ha, còn lại là đất chuyên dùng và đất ở. Cấu trúc địa lý của cao nguyên Đồng Văn cũng như của huyện Mèo Vạc hết sức phức tạp, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đá lộ đầu nhiều, sự chênh lệch về độ cao không đồng đều giữa các vùng trong toàn huyện. Cấu trúc địa lý phức tạp như vậy ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội giữa các vùng trong và ngoài huyện.

Huyện Mèo Vạc có 17 xã và một thị trấn, 17 dân tộc anh em, đông nhất là dân tộc Mông. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, con người nơi đây vốn có đức tính cần cù lao động, kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách nghiệt ngã của thiên nhiên và tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất với các thế lực phản động, ngoại xâm để sinh tồn và phát triển.

Học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực

Từ khi có Đảng lãnh đạo, tinh thần kiên trung đó không ngừng được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, đã trở thành truyền thống cực kỳ quý báu. Nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đi theo Đảng làm cách mạng và đã giành được nhiều thắng lợi qua các thời kỳ lịch sử, góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của quê hương.

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo tuyên truyền thực hiện sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trở thành hoạt động chính trị tư tưởng sâu rộng trong xã hội, làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ của đội ngũ cán bộ các cơ quan cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn theo hướng tận tâm phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị tiếp tục được xây dựng, kiện toàn vững mạnh, là cơ sở, sức mạnh để cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mèo Vạc lần thứ XVIII.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện đều có sự nỗ lực trong công việc, trong cuộc sống; xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang làm định hướng phấn đấu trong rèn luyện của mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên… Có thể khái quát một vài kết quả cụ thể sau đây:

- 100% số các đồng chí trong cấp ủy từ huyện đến cơ sở, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị đều xây dựng kế hoạch cá nhân. Các bản kế hoạch cá nhân, đều lượng hóa nội dung công việc theo tháng (hoặc theo quý), rõ nhiệm vụ (có mốc thời gian hoàn thành) từ đó, lấy làm căn cứ để tự đánh giá và đánh giá cán bộ. Đồng thời, đăng công khai kế hoạch trên Trang thông tin điện tử của huyện, xã và thông báo công khai trên đài truyền thanh - truyền hình huyện nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có điều kiện theo dõi, giám sát việc “Nói đi đôi với làm” của các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư các chi bộ, đảng bộ trực thuộc.

- Đảng ủy các xã, thị trấn hướng dẫn đảng viên nông thôn cách đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng thiết thực, tránh hình thức, đó là đảng viên ở thôn, bản tự đăng ký việc làm theo tại buổi sinh hoạt chi bộ bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, không cần phải đăng ký bằng văn bản như trước đây, đảng viên đăng ký việc làm của mình trực tiếp với chi bộ (đồng chí Bí thư chi bộ ghi nội dung đăng ký vào sổ biên bản sinh hoạt chi bộ) để chi bộ giám sát và đôn đốc thực hiện. Việc làm cụ thể có thể đăng ký theo tháng, năm như: (1) Cam kết cả năm “động viên con cháu tham gia đi học đều”; “kiên quyết không để tình trạng tảo hôn xảy ra”; phát triển kinh tế chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; Việc giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và ăn ở hợp vệ sinh; giữ gìn vệ sinh môi trường. (2) Cam kết theo tháng: xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh; láng nền nhà sạch sẽ; di chuyển chuồng gia súc ra xa nhà; làm vườn rau đẹp, có bờ rào đẹp; kéo đường nước sạch về sử dụng; đào đường dẫn nước thải sinh hoạt vào nơi hợp lý; phân loại rác thải (túi nilon và vật liệu nhựa cũ hỏng để riêng một chỗ; rác thải có thể tự phân huỷ riêng một chỗ để làm nguồn phân bón…).

- Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều căn cứ vào vị trí việc làm của bản thân, lựa chọn một hoặc nhiều nội dung để xây dựng kế hoạch học tập và làm theo cho phù hợp. Riêng các đảng viên, đoàn viên, hội viên nông thôn không yêu cầu xây dựng chương trình công tác cá nhân mà đăng ký trực tiếp với chi bộ, nội dung cụ thể cần thực hiện như: việc cam kết động viên con cháu tham gia đi học đều, không có hiện tượng tảo hôn; phát triển kinh tế chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi; ăn ở hợp vệ sinh, xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh, bể nước sạch sẽ…, khi hoàn thành có thể đăng ký tiếp việc khác để thực hiện trong năm, trong tháng.

- Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tình hình dư luận xã hội trên địa bàn huyện, chủ động, tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề bức xúc, nổi cộm, những vấn đề mới phát sinh nếu có tại địa phương, đơn vị để chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Định kỳ tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp với nhân dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng và mới nảy sinh. Trong 2 năm, có 84 cuộc (Tiếp xúc đối thoại giữa đồng chí Bí thư Huyện ủy với nhân dân 03 cuộc; giữa đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện với nhân dân 01 cuộc; giữa thủ trưởng các cơ quan đơn vị với nhân dân 31 cuộc; giữa Bí thư, Chủ tịch các xã, thị trấn với nhân dân 49 cuộc).

- Trong công tác thông tin, tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Trang thông tin điện tử huyện mở chuyên mục “Gương người tốt, việc tốt”, “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng các phóng sự tuyên truyền về hoạt động của các tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, đã có 16 tập thể và 33 cá nhân được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài ra, còn hàng chục tấm gương tiêu biểu giữa đời thường, mặc dù họ chưa được tôn vinh nhưng tấm lòng, ý chí và việc làm của họ chính là tấm gương sống được tuyên truyền tới nhân dân qua các buổi truyền thông lưu động..., quảng bá qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí của các tác giả trong và ngoài huyện viết về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

- Thực hiện khâu đột phá, quyết liệt về "Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ và đổi mới, nâng cao chất lượng của Ban Chấp hành, Ban thường vụ, chi uỷ chi bộ cơ sở", giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức dự họp, chấm điểm các cuộc họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy và sinh hoạt chi bộ cơ sở. Việc dự họp, chấm điểm và rút kinh nghiệm tại các cuộc họp của cấp uỷ cơ sở như là dịp tập huấn thực tế thiết thực, cầm tay chỉ việc..., đánh giá chất lượng, năng lực điều hành của các đồng chí đứng đầu cấp uỷ các địa phương, cơ sở...; thể hiện sự quyết liệt của các cấp, các ngành, của người đứng đầu trong quản lý, điều hành và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Những tác động tích cực

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành phong trào sâu rộng trong toàn huyện, việc làm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, công chức, đảng viên. Nhờ vậy, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động nâng cao, tác động tích cực đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Có thể thấy một số kết quả cụ thể như sau:

- Trong năm 2016, tỷ lệ giải ngân nguốn vốn theo chủ trương Nghị quyết 209 và 86 của Hội đồng Nhân dân tỉnh mới đạt 16 tỷ đồng, sang năm 2017 giải ngân đạt trên 50 tỷ đồng và đến 6 tháng đầu năm 2018 tổng số giải ngân sau 3 năm đạt xấp xỉ 83 tỷ đồng. Để việc thực hiện giải ngân nguồn vốn 209 và 86 của Hội đồng Nhân dân tỉnh thêm phần hiệu quả, Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành Nghị quyết 07 về hỗ trợ nhân dân chuyển đổi một phần diện tích đất xấu trồng ngô sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò hàng hóa. Nghị quyết này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, được coi như chất xúc tác giúp cho người dân khi thực hiện vay vốn từ nguồn 209 và 86 của Hội đồng Nhân dân tỉnh có thêm nguồn lực phục vụ chăn nuôi thêm phần hiệu quả, đang được nhân dân đồng tình ủng hộ.

- Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện đã có sáng kiến mang tính đột phá, thay đổi phương pháp tiếp cận, tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên với các hộ nghèo. Theo số liệu thông kê, từ đầu năm đến nay đã có 428 cơ quan, đơn vị, cá nhân trợ giúp bằng vật chất cho 558 hộ nghèo với tổng giá trị 509,740 triệu đồng. Đến nay, có 89,09% số hộ có khả năng thoát nghèo trong năm 2018, góp phần giảm số hộ nghèo toàn huyện Mèo Vạc xuống còn 46,90% so với đầu năm 2018.

Với mục tiêu giảm 974 hộ nghèo trong năm 2019, Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc đã đưa ra phương hướng thực hiện, cụ thể: Phân công cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện hỗ trợ ngay từ đầu năm và lập bản giao ước, trong đó quy định rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân được phân công giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp với điều kiện của từng hộ; chủ động lồng ghép các chương trình hỗ trợ để giúp đỡ hộ nghèo, xã nghèo có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện chung tay hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”.

- Quan tâm làm tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Trên cơ sở văn bản thỏa thuận giữa huyện Mèo Vạc, Việt Nam và 2 huyện Phú Ninh, Nà Pô của Trung Quốc; huyện Mèo Vạc đã ký biên bản thống nhất về quản lý lao động với 2 huyện này. Tính đến hết tháng 4/2018 huyện Mèo Vạc đã đưa được 500 lượt lao động sang Trung Quốc làm việc có thu nhập ổn định.

- Thực hiện xây dựng nông thôn mới, năm 2017, mặc dụ thời tiết không ủng hộ nhưng các cấp, ngành quyết liệt đôn đốc chỉ đạo thực hiện hoàn thành 20,8km đường bê tông nông thôn trị giá 8,03 tỷ đồng theo Chương trình 1 triệu tấn xi măng của tỉnh. Huyện ủy ban hành chủ trương tiết kiệm 5 % số kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức tiết kiệm 1 ngàn đồng/ ngày/ năm đóng góp vào quỹ xây dựng nông thôn mới của huyện.

- Thực hành việc tiết kiệm, chống lãng phí, từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc chọn khâu đột phá để thực hiện là nội dung thực hành chống lãng phí, theo đó, hạn chế tối đa việc sử dụng xe công, chủ động phương tiện đi lại khi đi cơ sở đối với các xã gần, thuận tiện, trong nửa cuối năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018 tiền xăng xe đi cơ sở đã giảm khoảng 90 triệu mỗi năm. Khi xuống công tác tại cơ sở, các ban đảng Huyện ủy chủ động phối hợp, cử cán bộ tham gia đoàn công tác liên ngành trong các chuyến công tác; khi về cơ sở đóng góp kinh phí từ công tác phí của mỗi thành viên đoàn công tác nhờ cơ sở nấu ăn giúp. Huyện ủy thực hiện việc phân bổ kinh phí cho các ban đảng và Văn phòng Huyện uỷ, từ đó việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí được thực hiện có hiệu quả như: tiền điện hàng tháng của cơ quan giảm từ 12 triệu/tháng xuống còn khoảng 7 -8 triệu/tháng..., các phòng làm việc thực hiện đến mở điện, đi - về tắt điện, tắt những vật dụng không cần thiết; sử dụng giấy tối đa hai mặt... Đây chính là hoạt động thiết thực trong việc học tập theo phong cách của Bác.

Những kết quả trên là sự nỗ lực, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có thể rất nhỏ bé nhưng quan trọng hơn đó là các cấp, ngành, cán bộ đảng viên đã hình thành được cho mình ý thức làm việc cống hiến vì dân phục vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết quả trên sẽ là tiền đề để huyện Mèo Vạc tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới./.

Lê Minh Tân - Huyện ủy huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Theo http://www.tapchicongsan.org.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website