Đoàn về nguồn báo công dâng Bác của Tỉnh ủy Vĩnh Long về
quê hương Nghệ An nghe chia sẻ chuyện học tập và làm theo Bác.
Chiến sĩ thực hiện tốt nghĩa vụ
Tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quân sự, quốc phòng và yêu cầu đặt ra là giao quân không chỉ đạt về chỉ tiêu, chất lượng, mà sau giao quân, các tân binh phải an tâm tư tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 2017, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long đã tham mưu, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Họp mặt mẹ tân binh” ở cấp huyện và tỉnh. Theo đó, ngoài sự tham gia của chính quyền địa phương và đại diện các đơn vị đang quản lý huấn luyện, còn có mẹ của các chiến sĩ mới.
Trong buổi họp mặt, các mẹ được nghe báo cáo về tình hình học tập, rèn luyện của các chiến sĩ trong những tháng đầu nhập ngũ. Qua đó, các mẹ được hiểu thêm về cuộc sống, các chế độ sinh hoạt và học tập của con mình để an tâm và động viên các con thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân đội.
Được gặp gỡ gia đình là điều kiện để các chiến sĩ được chia sẻ những tâm tư. Sau đó, các mẹ còn chủ động gặp đơn vị quản lý để trao đổi về nguyện vọng của con mình. Việc phối hợp giữa 2 bên không chỉ giúp cho việc quản lý, giáo dục chiến sĩ thêm thuận lợi, mà còn giải quyết được những vướng mắc, giúp các chiến sĩ ổn định tư tưởng, yên tâm học tập, rèn luyện.
Ngoài ra, các chiến sĩ và các bà mẹ có con đạt thành tích cao trong thời gian huấn luyện sẽ được khen thưởng, biểu dương trong buổi họp mặt. Từ đó, gia đình sẽ thêm tự hào về con mình và sẽ tích cực, chủ động cùng địa phương tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự.
Theo Đại úy Lê Thị Thúy Hằng: “Họp mặt mẹ tân binh” là mô hình mới mà Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh đã làm tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện trong thời gian qua và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, giúp thắt chặt mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với đơn vị nhận quân và gia đình.
Năm 2017, Vĩnh Long giao 1.155 tân binh lên đường nhập ngũ, trong đó có hơn 95% thanh niên tình nguyện. Quân nhân nhập ngũ năm 2017, 100% đều an tâm công tác, thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người quân nhân cách mạng.
“Hiệu quả mà mô hình mang lại không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị nhận quân trong việc quản lý, giáo dục, rèn luyện, chiến sĩ mới, giúp chiến sĩ mới an tâm tư tưởng hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự mà còn xây dựng được một hậu phương vững chắc góp phần làm cho công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của tỉnh luôn đạt chỉ tiêu trên giao và ngày càng nâng cao về chất lượng”- Đại úy Lê Thị Thúy Hằng nhận định.
* Tại tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ như: Ngày thứ 7, chủ nhật vì dân; Quyết tâm giữ vững và nâng chất xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tự soi, tự sửa; Người đứng đầu tiêu biểu gương mẫu..
30 mô hình, việc làm cụ thể
Xuất phát từ truyền thống “tương thân, tương ái” cũng như tình cảm quân dân gắn bó, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An- Vương Kim Hải đã đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh triển khai mô hình: “Tiết kiệm bản thân để phần người khó”.
Với cách làm phát động mỗi cán bộ, chiến sĩ mỗi ngày tiết kiệm chi tiêu, ủng hộ từ 1.000đ trở lên để bỏ vào hộp tiết kiệm của từng chi bộ. Với quân số gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ, số tiền thu về gần 90 triệu đồng/tháng.
Sau gần 3 năm thực hiện, số tiền tiết kiệm gần 3 tỷ đồng. Nếu xây nhà tình nghĩa cho đồng đội thì được 40 căn; mua bò thì gần 300 con; mua xe đạp tặng học sinh nghèo thì gần 3.000 xe...
Mô hình này đã tạo được sức lan tỏa lớn, nhiều đơn vị đã đến tham quan thực tế để nhân rộng và đưa vào tư liệu giảng dạy.
“Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngay trên quê hương Bác Hồ kính yêu vừa là vinh dự, trách nhiệm nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn.
Chúng tôi luôn trăn trở phải làm gì để phong trào lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong lực lượng vũ trang mà còn thu hút các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia”- đồng chí Vương Kim Hải cho biết.
Rút kinh nghiệm trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh đã đưa ra hơn 30 mô hình, việc làm cụ thể gắn với các nội dung Chỉ thị 05 để các cơ quan, đơn vị lựa chọn đăng ký.
Đồng thời, chọn Ban CHQS huyện Nghĩa Đàn- đơn vị có bề dày truyền thống trong thực hiện phong trào thi đua để làm điểm cho các nơi đến tham quan, trao đổi và căn cứ vào đặc điểm tình hình, tính chất nhiệm vụ của mình mà lựa chọn 1- 2 mô hình phù hợp để đăng ký thực hiện.
“Với cách làm “cầm tay chỉ việc” đã từng bước khắc phục được tình trạng hình thức, thúc đẩy phong trào phát triển đồng bộ, vững chắc. Tất cả như “trăm hoa đua nở”, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao”- đồng chí Vương Kim Hải nhận định.
Tại buổi trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị giữa Tỉnh ủy Vĩnh Long và Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Săn- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long- nhận định:
Nhiều cán bộ, đảng viên đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, tìm tòi, lựa chọn và quyết tâm thực hiện chuyên đề hàng năm bằng những phương pháp mới, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả và đã tạo sự chuyển biến tích cực.
Trong 2 năm qua, toàn tỉnh Vĩnh Long đã biểu dương, khen thưởng 18.828 tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, cấp trung ương 1, cấp tỉnh 83, còn lại là cấp huyện.
* Qua gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua xuất sắc./.
Bài, ảnh: Xuân Tươi
Theo http://www.baovinhlong.com.vn