Ngày 26.3.1961, khi Bác Hồ lên thăm tỉnh Hà Giang, Người đã căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no. Muốn sản xuất tốt phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ. Cần phải biết phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn… là nguồn lợi lớn lại là nguồn phân bón ruộng nương. Phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng; trồng cây ăn quả và cây làm thuốc”.
Người dân huyện Yên Minh cấy lúa mùa.
Chia sẻ về quá trình thực hiện lời dạy của Bác về lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh những năm qua, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng chung một đánh giá: 60 năm qua ngành Nông nghiệp tỉnh ta không ngừng phấn đấu xây dựng và phát triển sản xuất với mục tiêu giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm tại chỗ, đến nay đã phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp.
Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (1963) đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nông nghiệp toàn diện, trong đó phát triển cây lương thực là mấu chốt. Đến năm 1965 diện tích gieo trồng, sản lượng nông nghiệp của tỉnh tăng đáng kể và lần đầu tiên năng suất lúa đạt 5 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 79.125 tấn, hệ thống thủy lợi đã giải quyết nước tưới cho 84% diện tích gieo trồng. Phong trào trồng và bảo vệ rừng được phát triển rộng rãi. Các phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” được dấy lên sôi nổi, cổ vũ thêm cho mọi người tăng gia sản xuất.
Đặc biệt sau khi hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 1977-1980 xác định nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp là: “Tập trung cao độ lực lượng của nhân dân, của các ngành, các cấp vào mặt trận sản xuất nông lâm nghiệp, phấn đấu đến mức cao nhất để giải quyết phần lớn nhu cầu về lương thực, đẩy mạnh phát triển nghề rừng, tổ chức khai thác lâm sản một cách hợp lý, phát huy thế mạnh cây công nghiệp, cây dược liệu”. Năm 1978 tổng diện tích gieo trồng đạt 123.000 ha; tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 196.000 tấn; đàn gia súc đạt 375.300 con; trồng rừng đạt 15.300 ha... Trong 4 năm (1986-1990), tỉnh đã giao 108.000 ha rừng cho các thành phần kinh tế quản lý và sản xuất kinh doanh; trồng mới 21.000 ha rừng tập trung và 82,2 triệu cây phân tán.
Tháng 10.1991, tỉnh Hà Tuyên được tách thành hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp và nông thôn của Hà Giang tiếp tục được quan tâm và triển khai quyết liệt với những nghị quyết, đề án, phương án, chuyên đề khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao và giành được những thành tựu nổi bật. Từ một tỉnh thiếu lương thực, đến nay tỉnh đã đảm bảo an ninh lương thực, không còn hộ thiếu đói.
Thực hiện lời dạy của Bác, người dân xã Lũng Hồ (Yên Minh) phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa, nâng cao thu nhập.
Minh chứng kết quả trên, đến cuối năm 2020 tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt gần 42 vạn tấn; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác đạt 50 triệu đồng/ha. Đàn gia súc có trên 162 nghìn con trâu, trên 122 nghìn con bò, trên 572 nghìn con lợn, 168 nghìn con dê; đàn gia cầm trên 5,2 triệu con, đàn ong gần 55 nghìn tổ. Tổng giá trị ngành Chăn nuôi đạt trên 3.464 tỷ đồng. Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh hiện có là 15.750 ha, hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả có múi, cây ăn quả ôn đới tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao; tổng sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 100.000 tấn, giá trị sản phẩm ước đạt trên 1.900 tỷ đồng.
Với cây lâm nghiệp, tổng diện tích rừng và đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp trên 576.321 ha, trong đó trên 283 nghìn ha quy hoạch trồng rừng sản xuất; độ che phủ rừng đến hết năm 2020 đạt 58%. Dược liệu được xác định là cây trồng có tiềm năng và lợi thế phát triển với mục tiêu đưa Hà Giang trở thành vùng sản xuất dược liệu Quốc gia. Toàn tỉnh trồng mới được trên 11.708 ha cây dược liệu (chủ yếu là Thảo quả); ưu tiên phát triển một số loài dược liệu có giá trị kinh tế như: Đan Sâm, Y dĩ, Đương quy, Actiso... thu hút được 9 công ty và 5 HTX đầu tư vào dược liệu. Đã có 56 sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu được công bố.
Có thể khẳng định, hơn nửa thế kỷ qua, những lời căn dặn của Bác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vừa là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần to lớn, soi đường, chỉ lối cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Theo http://baohagiang.vn