Bác Hồ với văn hóa Tết

 

Trong cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng, Bác Hồ của chúng ta đã sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Bác được đào luyện trong nôi văn hóa phương Đông cũng như văn hóa phương Tây; thấm nhuần văn hóa các dân tộc Á, Âu, nhất là những nền văn hóa lớn Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Nga… Nhưng trước hết, Bác là hiện thân của văn hóa Việt Nam.

Chúng ta đều biết Bác là nhà báo, nhà văn, nhà thơ viết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Hoa sành sỏi, đến già vẫn thuộc văn Huy-gô, thơ Puskin, tự coi mình là “học trò nhỏ của Tônxtôi”. Trong Nhật ký trong tù có những bài Bác phỏng theo thơ Lý Bạch, Đỗ Mục… Nhưng Bác lại cũng thuộc và rành Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm… Bác thường dạy những cán bộ gần gũi học các tác phẩm ưu tú của dân tộc.

Lần đi trên tàu biển từ Pháp về nước năm 1946, ngồi nói chuyện với các nhà trí thức cùng về theo Bác, các vị đều thưa là thuộc Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm. Bác hỏi bác sĩ Trần Hữu Tước: Trong Chinh phụ ngâm, chú thích câu nào nhất? Bác sĩ thưa: Cháu thích câu “Hướng dương lòng thiếp như hoa”. Bác vừa đùa, vừa khen: “A, chú này chưa mất gốc”. Bác cũng không quên ca dao, tục ngữ, và cả những vở tuồng bộ cổ điển. Khi các diễn viên văn công Liên khu 4 hát dân ca Nghệ – Tĩnh cho Bác nghe, Bác còn nhắc các cô lời hát ru ngày xưa: “Ru tam tam théc cho muồi…”. Cụ Lê Văn Hiến kể lại: Trong một cuộc họp Hội đồng Chính phủ ở Việt Bắc, giờ giải lao cụ lên hát đoạn tuồng cổ “Công chúa Trại Ba tự đấu tranh với bản thân để theo chồng là Tống Địch Thanh”. Thấy cụ dừng lại, Bác bảo hát tiếp và nhắc luôn câu văn tuồng: “Hữu tình mà hóa vô tình - Bơ vơ thê thiếp lênh đênh nỗi chàng…”.

Bác không quên và luôn tôn trọng những phong tục tập quán cổ truyền tốt đẹp. Hồi ở Pháp, nhân ngày giỗ mẹ 22 tháng Chạp, Bác cũng làm cỗ xôi gà dâng lên bàn thờ để cúng mẹ. Một người bạn thủy thủ từ Boóc-đô lên thăm, cùng ở lại dự. Lễ xong, hai anh em ngồi vào bàn, ông vui miệng hỏi tại sao gà cúng giỗ lại cắm hoa râm bụt vào miệng?. Bác cười, giải thích: “Gà ngậm hoa, sao lại nói là cắm”. Chú không biết à, ông bà ta có câu “Gà thờ giỗ cha gà ngậm ngọn trúc - Gà thờ giỗ mẹ gà ngậm hoa râm bụt”. Lại khi hoạt động bí mật ở Việt Bắc, trong bản có một hội viên cứu quốc nữ qua đời, Bác gọi cán bộ địa phương là ông Dương Đại Lâm lên, hỏi: “Đoàn thể có tổ chức đến thăm viếng không?”, “Tục lệ xưa ra sao?”. Ông Lâm thưa: “Ai có tiền gạo thì mang tiền gạo, không thì bó củi bó đuốc, miễn là có lòng thương xót người chết”. Bác hỏi thêm: “Có đọc văn tế không?”. “Dạ, có thì hay lắm, nhưng hai ông tào (thầy cúng) hay chữ trong bản, một ông đi vắng, một ông rất khó tính…”, Bác bảo chiều lên lấy… Nghe đọc bài văn tế, mọi người trầm trồ, hỏi: “Thầy tào nào mà làm hay thế?”. “Văn của đồng chí già đó”. “Ôi, đồng chí già cũng làm thầy tào được à?”… Năm 1947, cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh, Bác Hồ lại làm bài văn tế theo thể phú ngày xưa đọc trong lễ truy điệu cụ.

Tết Nguyên đán là Tết cả, là lễ hội dân tộc lớn nhất trong một năm. Những nghi lễ, tập tục ngày Tết biểu hiện đậm nét văn hóa Việt Nam, văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa nghệ thuật với các hoạt động văn nghệ (hoa đào, câu đối, sắc bùa, đi hát chúc v.v…), và văn hóa phục trang (quần áo Tết), văn hóa ẩm thực (bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, cỗ bàn…). Tất nhiên, hơn ai hết, Bác Hồ am hiểu sâu sắc ý nghĩa các lễ nghi, phong tục tết, và tâm lý của nhân dân ta đối với ngày Tết.

Ở Chiến khu, Tết đến, Bác gói đồng tiền, đồng xu vào giấy hồng điều, mừng tuổi các cháu nhỏ, và đi chúc Tết các ông, bà già. Về Hà Nội, vào Tết Độc lập đầu tiên (1946), mới ngày 18 tháng chạp, Bác đã hỏi ông Vũ Kỳ: “Chú cần xem sắp đến ngày Tết ông Táo chưa nhỉ?”. Tối 30 Tết, Bác đi thăm và chúc Tết một số gia đình đồng bào Hà Nội, nhà nghèo, nhà vừa, nhà sang… Từ mười giờ đêm, trong bộ đồ nửa tỉnh nửa quê, áo the, khăn đóng, ngoài khoác áo dạ “ba-đơ-xuy” (Pardessus), cổ quàng khăn len (hóa trang để giữ bí mật), ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng, đưa Bác “xuất hành, du Xuân”: Ra hồ Hoàn Kiếm, vào đền Ngọc Sơn xem đồng bào đi hái lộc, rồi lên đền Bạch Mã… Sáng mồng một Tết, Bác lại bảo ông Kỳ lấy tờ giấy để “Khai bút”.

Từ đó, vào dịp Tết, có năm Bác đi chợ Tết, ra Đồng Xuân xem đồng bào mua bán, dừng lại bên phố xem ông đồ viết câu đối… Có năm Bác ghé vào chùa, đền ngắm cảnh. Nhưng không năm nào không đi chúc Tết đồng bào, chiến sĩ, Bác đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhưng trước tiên đến những nhà nghèo. Về sau có điều kiện, vào dịp Tết, Bác đi thăm nhiều nơi… đơn vị bộ đội, nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp…

Không quên lễ nghi, phong tục xưa, nhưng Bác Hồ lại tìm cách làm cho phù hợp với cuộc sống hiện đại chứ không nệ cổ. Đặc biệt, Bác đã sáng tạo nên những tục lệ mới chưa từng có.

Ta nhớ là năm nào Bác cũng có thư và thơ chúc Tết đồng bào. Bài thơ Chúc năm mới đầu tiên của Bác làm năm 1942, in trên báo Việt Nam Độc lập số 114, có đoạn:

“… Chúc đồng bào ta đoàn kết mau,

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!

Chúc toàn quốc ta trong năm nay,

Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới…”

Nhưng lúc đó, bài thơ chưa được phổ biến rộng rãi, chưa mấy ai biết. Nói đến thư và thơ chúc Tết của Bác, thì phải nói bắt đầu từ Tết Bính Tuất, 1946, khi Bác đã là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xin trích bài Nghe thư chúc Tết đầu tiên của Bác Hồ của nhà viết kịch Học Phi kể lại, đêm giao thừa năm ấy, ở nhà Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, có mặt một số trí thức học ở Pháp về.

“… Bỗng tiếng còi thành phố vang lên, rồi tiếng chuông trống đổ dồn, tiếng pháo nổ giòn giã khắp nơi. Bác sĩ Luyện vừa đứng dậy, vừa mở to radio vừa nói: “Hãy nghe Cụ Hồ Chí Minh chúc Tết đã”. Tin Hồ Chủ tịch đọc thư chúc Tết đã được thông báo trên đài, mọi người đã biết, nên cùng im lặng ngồi chờ… Từ trong máy thu thanh phát ra bài nhạc Quốc ca, rồi đến tiếng nói ấm áp của Bác Hồ. Bác chúc Tết đồng bào ở trong nước, và kiều bào ở nước ngoài, chúc các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên và nhi đồng, các chiến sĩ đang chiến đấu ở ngoài mặt trận. Bức thư kết thúc bằng bốn câu thơ lục bát:

“Bao giờ kháng chiến thành công,

Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.

Tết này ta tạm xa nhau,

Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.”

Không khí trong phòng lặng đi một lúc, rồi bác sĩ Luyện lên tiếng trước: “Từ khi biết làm người, chưa bao giờ tôi được nghe một vị nguyên thủ quốc gia chúc Tết dân…”.

Bức thư này và hàng chục thư - thơ chúc Tết của Bác, trừ các chiến sĩ, đồng bào ở thành thị và những nơi có máy thu thanh được nghe; còn phần lớn đồng bào chỉ đọc trên báo, mãi đến Tết những năm 60, dần dần mới được nghe trực tiếp. Ngoài giọng đọc ấm áp của Bác, bài thơ còn được nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm, làm tăng thêm tình cảm…

Xuân Đinh Mùi (1967), Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam có sáng kiến thu lời chúc Tết của Bác vào băng tiếng, làm quà tặng một số gia đình trí thức tiêu biểu ở Sài Gòn. Nghe xong, nhà giáo Dương Minh Thới, thân sinh bà Dương Quỳnh Hoa, vô cùng xúc động, nói với các cán bộ Mặt trận: “Tôi xin thay mặt gia đình cảm ơn đoàn thể và anh em đã dành cho gia đình một món quà Xuân đặc biệt. Xin qua anh em, cho chúng tôi gửi lời kính chúc Bác Hồ sống lâu để lãnh đạo cuộc kháng chiến mau đến ngày thắng lợi”.

“Thư chúc mừng năm mới” cuối cùng Bác viết là vào Xuân Mậu Thân (1968). Cuối thư, có bài thơ:

“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!”

Bác còn có bài thơ chữ Hán Mậu Thân Xuân Tết viết vào 14/4/1968. Mùa Xuân Kỷ Dậu (1969) sức khỏe của Bác đã sút kém, nên Bác chỉ có bức điện bằng 4 câu thơ chúc Tết các đồng chí cán bộ đang công tác tại Pari mà thôi.

Hồi ấy, vào đêm giao thừa, đồng bào ta đều đón nghe thư và thơ chúc Tết của Bác, lâu ngày thành tục lệ mới. Về sau các vị Chủ tịch nước kế nhiệm vẫn tiếp tục truyền thống tốt đẹp ấy. Vào giao thừa hàng năm, đồng bào ta vẫn đón nghe.

Thật ra thư - thơ chúc Tết cũng là thông điệp đầu năm của nguyên thủ quốc gia. Bác Hồ đã khéo chọn một cách làm mới mẻ phù hợp với tâm lý nhân dân, sáng tạo nên một hình mẫu văn hóa Tết hiện đại, mà đậm đà bản sắc dân tộc.

Sáng tạo Văn hóa Tết thứ hai của Bác Hồ là Tết trồng cây. Tôi muốn nhắc lại một sử liệu được chép trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa xuân Bính Ngọ, niên hiệu Thiên phù duệ võ thứ 7 (1126), vua Lý Nhân Tông hạ lệnh cấm nhân dân mùa Xuân không được chặt cây”. Đó là Lệnh chỉ được ban bố cách đây 887 năm, khi khắp nước ta, kể cả ven kinh thành Thăng Long còn là rừng rậm. Đọc sử liệu này, người Việt Nam nào lại không kinh ngạc về tầm nhìn và tấm lòng của ông cha ta, và không đau xót vì cái nạn “lâm tặc” hủy diệt rừng ngày nay. Về sau, hương ước nhiều làng xã cũng có điều khoản cấm chặt phá cây rừng và cây trồng nơi công cộng. Việc trồng cây cũng đã được thực hiện từ xa xưa. Cùng với trồng ngũ cốc, rau quả, người ta trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây bóng mát, cây thuốc, cây cảnh… Cây tre, cây đa trở thành hình ảnh biểu tượng của làng xóm Việt Nam. Xoan, mít, bưởi, khế… là cây vườn quen thuộc. Sen, mai, đào là các loại quốc hoa. Nhiều giống cây trở thành đặc sản của từng vùng, miền như: Đào Sapa, nhãn Hưng Yên, cam Bố Hạ, Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, thông Đà Lạt, mai Huế, dừa Bình Định, Bến Tre, xoài, sầu riêng… của miệt vườn Nam bộ… Cây đa - mái đình, cây đa - giếng nước, cây mít - nhà ngói, rồi đào - liên - cúc - mai, tùng - trúc - cúc - mai… đi vào hội họa, điêu khắc… Cây gắn bó với người, nuôi sống người, che chở người, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”… Người quý cây, chăm sóc vun bón cây…

Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Bác Hồ rất thích trồng cây. Từ khi hoạt động ở Thái Lan cho đến khi về nước làm việc ở chiến khu Việt Bắc hay ở Thủ đô Hà Nội, Bác đều không quên “tăng gia sản xuất” và trồng cây. Bác tự mình làm trước và kêu gọi mọi người cùng làm.

Ngày 28/1/1959, lấy bút danh Trần Lực, Bác viết bài Tết trồng cây đăng trên báo Nhân dân kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, vào mùa Xuân (từ 6/1 đến 6/2/1960) nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng. Đợt trồng cây này gọi là “Tết trồng cây”, mở đầu cho việc trồng cây quanh năm. Đồng bào ta náo nức hưởng ứng lời kêu gọi của Bác. Những “Đồi cây Bác Hồ”, “Vườn cây Bác Hồ” phát triển khắp nơi. Từ ấy, “Tết trồng cây” được duy trì liên tục đến nay, trở thành một phong tục mới, một văn hóa Tết mới.

“Mùa Xuân là tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”

(Trích bài báo của Bác viết trong dịp “Tết trồng cây”, 1965).

Đối với Bác Hồ, trồng cây gây rừng không chỉ là “Thập niên chi kế” như lời Quản Trọng - chính khách cổ đại Trung Hoa nói, không chỉ vì “có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng” mà cao hơn là một tư tưởng nhân văn.

Ngày nay, nhân loại đang vất vả đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, phấn đấu cho một trái đất xanh, ta càng nhận rõ tầm nhìn xa, nhận rõ tư tưởng lớn của Bác. Cùng với nhiều mặt khác, thế giới đánh giá rất cao phong trào trồng cây, “Tết trồng cây” của Việt Nam do Bác Hồ đề ra, khi tôn vinh “Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất”.

Theo http://www.bqllang.gov.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website