Viết về Bác bằng cả tấm lòng

 

viet ve bac

Với nhạc sĩ Ngụy Hoàng Thống (trái), để viết về Bác đòi hỏi phải có sự trải nghiệm,
nuôi nấng đề tài dài lâu.

Đa dạng, sâu sắc

Bản thân mỗi người khi viết đề tài về Bác đều viết bằng cả tấm lòng, sự ngưỡng mộ và lòng tôn kính. Họ đã đọc rất nhiều câu chuyện về Người, xem xung quanh mình, đồng nghiệp mình đã học được điều gì ở Bác để ghi chép lại. Khi tư liệu, trải nghiệm sống đã dày, họ bắt đầu viết với tất cả sự hăm hở.

Các sáng tác rất đa dạng, không giáo điều mà đi vào những việc làm thật cụ thể, đậm tính nghệ thuật. Các tác giả đã quan sát cuộc sống và con người ở Hậu Giang, ở rất nhiều lĩnh vực: Từ anh lính trẻ khoác lên mình màu xanh quê hương, mang trong tim tình yêu đất nước; là những người con Hậu Giang hôm nay đang ra sức học tập và rèn luyện, vượt qua những khó khăn và thử thách để đi lên cùng cả nước xây dựng quê hương đàng hoàng hơn như Bác hằng mong; là những người luôn trăn trở làm sao để nâng cánh quê hương, đổi thay tầm vóc:

“Bác đã một đời hóa lịch sử sang trang
Ta ở lại cùng nhau xây dựng nước
Những thành quả của hôm nay không dễ dàng có được
Trách nhiệm này ta cùng chung vai gánh, người ơi!”
(“Trách nhiệm” - tác giả Huỳnh Hình Kim Ngọc)

Viết cho mới, cho hay, cho dung dị, nhưng cao quý

Đề tài về Bác dễ bởi gần gũi, thân quen và nhiều cảm xúc, còn khó là làm sao để mới, để hay, sao cho cao quý, nhưng dung dị. Tuy nhiên, mỗi văn nghệ sĩ đều có cùng suy nghĩ là phải viết về Bác, bởi cuộc đời một vĩ nhân như Người luôn hấp dẫn họ, cũng là thể hiện sự kính yêu với Bác - người đã dành cả cuộc đời mình cho dân tộc. Từ đó, mỗi tác phẩm là sự trải lòng, sự chiêm nghiệm của họ, để góp thêm nhiều góc nhìn hay, sáng tạo, cùng tạo sức lan tỏa và cùng thắp thêm ngọn lửa tin yêu, phấn đấu học tập và rèn luyện để xứng đáng là con cháu Bác Hồ!

Với tác giả Trần Thi Thơ, từ những ngày đầu cắp sách, đã được học những điều Bác dạy, được nghe về Người, đã luôn nuôi dưỡng ước mơ được một lần thể hiện tình yêu, niềm tôn kính về một vĩ nhân đã để lại cho mai sau những chân lý muôn đời. Từng lời, từng chữ là những lời rút ra từ tận đáy lòng, với nhiều trạng thái cảm xúc: “Lời dạy của Bác năm xưa là tiếng thơ ngọt ngào thắm đượm. Những trăn trở, tâm tư đã hóa thân thành chân lý để chúng con ngày nay nối bước chân Người… Phấn đấu cho hôm nay là để xây dựng cuộc đời. Anh có thấy không cán bộ của ta ngày ngày tận tụy, mỗi việc đang làm là quyết chí vì dân. Nhưng tôi vẫn còn bao nỗi bâng khuâng, vì bên cạnh thành quả lớn lao thì cũng không ít khó khăn thử thách. Chỉnh đốn trong cán bộ, đảng viên là điều cấp bách, để giữ gìn niềm tin với mong mỏi của đồng bào” (“Tự tình gương Bác”).

Còn với nhạc sĩ Ngụy Hoàng Thống, anh đã chọn một góc nhìn mới, về những chiến sĩ trẻ của Hậu Giang đang ra sức học tập và rèn luyện để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Nhạc sĩ chia sẻ, nuôi nấng đề tài về Bác lâu, nhưng tìm một tứ cho lạ để thể hiện lại rất khó. Suy nghĩ mãi, mới viết được. Có thể đây chưa phải là bài tâm đắc nhất, nhưng là tình cảm chân thành của một nghệ sĩ, mong góp một ít công sức làm dày thêm những tác phẩm về Người. “Qua sáng tác của mình, cũng như xem những sáng tác của đồng nghiệp, tôi lại phát hiện ra nhiều điều, mà mình cần phải tiếp tục học Bác, để hoàn thiện mình, để nuôi dưỡng những ý tưởng mới cho những sáng tác tiếp theo”, anh bộc bạch.

Như nhạc sĩ Ngụy Hoàng Thống chia sẻ, học Bác không chỉ ở sách vở, qua những câu chuyện kể về cuộc đời của Người, mà còn học qua tác phẩm của đồng nghiệp. Học Bác qua từng tác phẩm nghệ thuật, để vững niềm tin, cùng góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp, thỏa lòng của Bác hằng ước mong…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Nguồn http://baohaugiang.com.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website