Truyền tỏa mãi tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

Điều này càng cần thiết hơn khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05-CT/TƯ về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", với yêu cầu ở tầm mức cao hơn, để tấm gương đạo đức của Người truyền tỏa mãi, thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nguồn lực vô giá cho công cuộc phát triển đất nước.

Các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương
Các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn quốc giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Hoàng Sơn

5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế như chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trước tình hình đó, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TƯ về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với những yêu cầu đưa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh lên một tầm mức mới và nội dung hết sức cụ thể.

Bộ Chính trị xác định đặt công việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vừa góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng vừa góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Qua Chỉ thị 05, Bộ Chính trị còn xác định rõ, yêu cầu cao đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về trách nhiệm nêu gương. Nguyên tắc thực hiện Chỉ thị cũng được xác định rõ trình tự "trên trước, dưới sau", nghĩa là Trung ương thực hiện trước rồi mới đến cơ sở, cấp trên thực hiện trước rồi mới đến cấp dưới; "trong trước, ngoài sau", nghĩa là thực hiện trước hết là ở trong Đảng rồi lan tỏa ra ngoài xã hội.

Đặc biệt, trong Chỉ thị, Bộ Chính trị yêu cầu phấn đấu làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phải làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thấm nhuần sâu sắc hơn nữa giá trị di sản Hồ Chí Minh nói chung, đặc biệt là di sản của Người về tư tưởng và đạo đức. Điều quan trọng nhất là phải đổi mới công tác tổ chức học tập, trong đó việc chọn báo cáo viên chất lượng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cấp ủy tổ chức học tập phải xác định rõ không chạy theo thành tích hoặc tổ chức học theo quy định để báo cáo cấp trên.

Thực tiễn cho thấy, phải tiếp tục đổi mới tư duy theo tấm gương Hồ Chí Minh - dám đổi mới hơn nữa, biết cách đổi mới và đổi mới một cách mạnh mẽ. Đại hội XII một lần nữa nhấn mạnh tinh thần cách mạng, khoa học, nhân văn của Đại hội VI "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật". Đây là một điểm nhấn rất quan trọng, rất cần thiết không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà phải trở thành nhận thức nhất quán, xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới. Bởi vì đổi mới càng đi vào chiều sâu thì càng khó tránh khỏi khuyết điểm. Vấn đề là ở chỗ cần trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật để tìm ra đúng nguyên nhân của khuyết điểm, rồi tìm mọi cách để khắc phục, sửa chữa. Không dám nhận khuyết điểm, tranh công đổ lỗi là làm trái lời dạy và tấm gương của Bác. Phải khắc phục bằng được vấn đề này.

Một điểm quan trọng trong nhận thức di sản Hồ Chí Minh về đạo đức là tính trung thực, làm thật sự, nói đi đôi với làm, tránh hình thức, giả dối. "Chưa thật sự" là một trong những điều đáng quan tâm hiện nay, là điểm phải tập trung giải quyết một cách quyết liệt với tinh thần cách mạng triệt để. Cả hệ thống chính trị và mỗi cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải nói thật, làm thật. Xin lỗi và đưa ra lời hứa là cần thiết nhưng chưa đủ, thậm chí nếu điều đó lặp đi lặp lại nhiều lần mà không thực hiện là phản tác dụng. Hứa thì phải đưa ra được giải pháp khắc phục và cần có sự giám sát của nhân dân trong việc thực hiện.

Vai trò của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là rất lớn và hết sức quan trọng. Lãnh đạo, tổ chức phải thiết thực, sâu sát, cụ thể, tránh chung chung, đại khái, qua loa, hình thức. Ở đây đòi hỏi trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Không phải chỉ một bộ phận ở dưới mà tất cả cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương đều phải có trách nhiệm học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ cao cấp và lãnh đạo, quản lý càng phải nêu gương.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trước hết và chủ yếu là tập trung vào đội ngũ cán bộ, đảng viên và phải gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Đại hội XII. Vì vậy, một biện pháp rất quan trọng là phải dựa vào nhân dân để đánh giá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên. Việc làm này nếu chỉ đóng khung trong chi bộ, cơ quan, đơn vị thì chưa thật sự khách quan, không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Phải làm theo lời dạy của Bác: "Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta". Gắn với kiểm tra, đánh giá là khen chê, thưởng phạt nghiêm minh, đúng người, đúng việc như Bác đã dạy: "Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì".

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, phong cách Hồ Chí Minh là công việc hết sức cần thiết, vô cùng quan trọng. Từ Ban Tuyên giáo TƯ - cơ quan giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư TƯ Đảng chỉ đạo tổ chức việc học tập, xuống cơ sở, đến từng đảng viên, cán bộ phải quán triệt đầy đủ, thấm nhuần sâu sắc Chỉ thị 05 với tinh thần trách nhiệm và tính tự giác cao trong quá trình tổ chức học tập và gắn học tập với công việc thực tế. Như vậy, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao; những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ truyền tỏa mãi, thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nguồn lực vô giá cho công cuộc đổi mới đất nước lần thứ hai nói riêng, con đường phát triển bền vững của đất nước nói chung.

PGS.TS Bùi Đình Phong

Theo Hà Nội mới


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website