Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý nghĩa thực tiễn của báo chí truyền thông

“Viết cho ai xem? viết để làm gì? viết cái gì và viết như thế nào?”

Học làm báo ngay trong thực tiễn đấu tranh và xem báo chí là một hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh tập trung nhiều vào mục đích của hoạt động này. Khi bàn đến các vấn đề cốt lõi nhất của phương pháp sáng tạo tác phẩm của nhà báo, Người luôn đặt ra những câu hỏi cụ thể: Viết cho ai xem? viết để làm gì? viết cái gì và viết như thế nào? Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người căn dặn: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”. Trong bài giảng về cách viết tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17-8-1953, Người cũng chỉ rõ: "Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?...viết để làm gì? viết cái gì". Sở dĩ, Bác nêu yêu cầu viết cho ai rồi sau đó mới đến yêu cầu viết để làm gì, để sẽ giúp cho các nhà báo luôn luôn nghĩ đến con người, vì con người, hướng dẫn con người, định hướng cho con người. Và có biết rõ là viết cho ai thì mới biết là viết để làm gì, viết như thế nào.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa nhà quay phim Phan Thế Hùng, Xưởng phim Vô tuyến Truyền hình, nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1968. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Vậy, đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ của báo chí theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai? Trong "Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng" năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”1. Quần chúng nhân dân là đối tượng tác động, đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí. Đây là sự xác định dứt khoát, thể hiện tính chất tiến bộ, mới mẻ của nền báo chí cách mạng, nền báo chí nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng sáng lập.

Viết cho quần chúng và viết về quần chúng, đó là hai nội dung thống nhất chặt chẽ với nhau, đòi hỏi người cầm bút phải không ngừng rèn luyện, "đi sâu vào thực tiễn, gắn bó với cuộc sống đang biến chuyển mạnh mẽ". Từ kinh nghiệm hoạt động báo chí của Người, từ quan điểm của Người về hiệu quả, công dụng của báo chí truyền thông, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý trước tiên đề tài cho người cầm bút là “những điều mắt thấy tai nghe”, “những người tốt, việc tốt”, “những người, những việc vô cùng anh dũng, oanh liệt” trong chiến đấu và sản xuất, trong phong trào thi đua yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính “chân thực” bởi nó vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng. Mỗi bài viết của nhà báo phải đúng sự thật, tức là phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Điềm Mặc, Thái Nguyên, năm 1947. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Đối tượng phản ánh chủ yếu của báo chí là quần chúng nhân dân, đối tượng phục vụ của nó cũng là quần chúng nhân dân cho nên tác phẩm báo chí phải giản dị, thiết thực, sao cho nhân dân hiểu và ưa thích. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8-9-1962, sau khi góp ý với các nhà báo về các lỗi như bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống” không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng, thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng, thiếu cân đối, lộ bí mật, khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng… Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương cẩn trọng trong khi làm báo, viết báo

Không thừa nhận mình là một nhà báo chuyên nghiệp nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương hết sức cẩn trọng trong khi làm báo, viết báo. Nhân dịp kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi, Người viết bài báo nhan đề Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chỉ riêng đầu đề bài báo cũng đã được Người sửa đi sửa lại mấy lần. Lúc đầu Bác định dùng từ “đập nát” nhưng cho rằng đập vẫn còn mảnh vụn nên thay bằng từ “rửa sạch”. Sau Bác thấy từ “rửa sạch” vẫn chưa mạnh mẽ và Bác quyết định sửa lại thành “quét sạch”. Nhưng đồng chí phụ trách Ban Tuyên huấn xin sửa lại một ý, đề nghị Bác đổi lại trật tự để vế nâng cao đạo đức cách mạng lên trước với lý do là cán bộ đảng viên ta nói chung là tốt và ưu điểm là căn bản.

Bác hỏi thêm ý kiến của đồng chí văn phòng, đồng chí đó cũng đề nghị như vậy. Bác lắng nghe rồi nói: “Ý các chú cũng có lý, nhưng Bác thấy chưa hợp lý. Các chú giảng giải thêm cho Bác rõ điều này. Gia đình các chú tiết kiệm, mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Trước khi kê vào phòng, các chú quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu?”. Thấy mọi người còn suy nghĩ, chưa trả lời, Bác nói luôn: “Vì cả hai chú đã đề nghị, Bác đồng ý nhượng bộ đổi lại ở đề bài còn ở trong bài cứ giữ nguyên như ý của Bác là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo nhanh và rất chính xác, chỗ nào có vấn đề cần chú ý hoặc liên quan đến các cấp, ngành Bác đều ghi chép, đánh dấu những thông tin cần xử lý. Với gương người tốt việc tốt, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ ghi bên cạnh dấu q, nghĩa là thưởng huy hiệu; chỗ nào cần lưu ý Bác đánh dấu chéo (/); vấn đề nào chưa rõ, Người đánh dấu (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại; khi đã xem xong, Bác vạch hai vạch //.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Wilfred Burchett tại Phủ Chủ tịch, năm 1966. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Quan điểm lý luận và hoạt động báo chí thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phù hợp, gắn bó với cuộc sống và phục vụ lợi ích nhân dân, Người rất coi trọng đối tượng và hiệu quả tuyên truyền báo chí. Vì vậy, Người khẳng định một tờ báo cần nắm vững mấy điểm chính sau:

Nhiệm vụ: Chính là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đây là một phương tiện mang tính tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tập hợp quần chúng vì một mục đích chung.

Mục đích: Để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tôn chỉ: Vì khối đại đoàn kết toàn dân, cùng nhau chung sức thi đua yêu nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Việt Nam độc lập tại Thái Nguyên, tháng 1-1964. Ảnh: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Đối tượng: Chính yếu là đại đa số quần chúng nhân dân và thành công hay thất bại của một tờ báo phụ thuộc vào đối tượng mà tờ báo phục vụ.

Nội dung: Các tờ báo phải chứa đựng những bài viết có nội dung giản đơn, dễ hiểu, sát thực, súc tích nhưng mang trọn ý nghĩa cần thiết cốt để “sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.

Hình thức: Cách sắp đặt các bài báo, tranh ảnh minh hoạ, cách in ấn phải sạch sẽ sáng sủa rõ ràng, không lem nhem nhằng nhịt lờ mờ. Và khi hoàn thành một bài báo mà “quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại là các bạn chưa thành công”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cả cuộc đời vì Tổ quốc, vì nhân dân. Người viết báo và làm báo cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích ấy. Dẫu vậy, kho tàng văn chương của Người thật đồ sộ với hàng nghìn bài báo thuộc nhiều thể loại khác nhau. Với đất nước, các tác phẩm báo chí của Người đã trở thành di sản thiêng liêng, minh chứng cho cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi cũng như tài năng của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc.

Với những thế hệ nhà báo, nhà văn Việt Nam, các tác phẩm báo chí của Người là một cẩm nang quý báu cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, về phong cách làm báo Hồ Chí Minh - giản dị và sâu sắc, chân thực và ngắn gọn, trong sáng và dễ hiểu mà hiệu quả sắc bén, phục vụ đắc lực cho nhu cầu của nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.

Vũ Kim Yến (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website