Lời Bác dặn giúp Đồng Văn vượt khó

Người dân xã Tả Lủng (Đồng Văn) chuyển đổi trồng ngô sang trồng cây Sâm khoai mang lại thu nhập ổn định.

Trải qua hơn 61 năm, lời Bác dặn được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn cụ thể hóa bằng việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân có cuộc sống ngày một ấm no. Đến nay, kinh tế trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực; chương trình phát triển “3 cây, 4 con” và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, cải thiện thu nhập cho người dân. Đặc biệt, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện được vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi, xây dựng các gia trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, đến nay toàn huyện có 114 gia trại. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện đẩy mạnh cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; ủ chua cỏ dự trữ thức ăn cho đàn gia súc với phương thức Nhà nước hỗ trợ túi nilon, bột cám ngô, muối; người dân đóng góp thức ăn thô xanh, công lao động. Các xã, thị trấn phân công cán bộ xuống tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật, các bước ủ chua cỏ, đảm bảo dự trữ từ 4 - 5 tháng. Cách làm này giúp các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn chất lượng tốt cho gia súc, giảm thiểu tình trạng gia súc chết do đói, rét trong mùa Đông.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn Nguyễn Thanh Viễn cho biết: Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề thực hiện; trong đó, xác định huyện xây dựng 1 xã, mỗi xã xây dựng 1 thôn điển hình về phát triển kinh tế, mỗi làng một sản phẩm và chọn xã Lũng Cú làm điển hình của huyện; mỗi xã lựa chọn 1 thôn điển hình dựa trên thế mạnh từng địa phương, có khả năng trở thành hàng hóa. Qua triển khai, huyện lựa chọn 19 thôn/19 xã, thị trấn là thôn điển hình về phát triển kinh tế gắn với 16 sản phẩm đặc trưng có thế mạnh; trong đó, 14 sản phẩm, bộ sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và 3 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao theo chương trình OCOP của tỉnh. Từ phong trào phát triển kinh tế, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao…

Chăn nuôi gà đen địa phương giúp nhiều gia đình ở Đồng Văn nâng cao đời sống.

Song song với đẩy mạnh tăng gia sản xuất, Đảng bộ huyện Đồng Văn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiết kiệm; chú trọng cải cách hành chính; thường xuyên kiểm tra việc khai thác quỹ đất; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc xây dựng đời sống văn hóa cho người dân từng bước nâng cao; giáo dục có nhiều khởi sắc; quy mô, mạng lưới trường lớp từng bước xây dựng kiên cố, khang trang. Đến nay, toàn huyện có 17/52 trường đạt chuẩn quốc gia; 19/19 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập Tiểu học mức độ 3, THCS mức độ 1, phổ cập cho trẻ Mầm non 5 tuổi, chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Công tác giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường học được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; phong trào khuyến học, gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học... đã trở thành hoạt động rộng khắp.

Nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, địa phương tập trung khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc với thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, toàn huyện có 53% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 70% hộ dân được công nhận gia đình văn hóa. Huyện có 3 làng văn hóa du lịch, 15 di tích, di sản được công nhận; huyện ưu tiên tạo cơ chế thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân thuê đất xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống; khuyến khích các gia đình cải tạo, nâng cấp nhà ở để kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.

Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Hoàng Văn Thịnh chia sẻ: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với 8 lời Bác Hồ căn dặn, nhất là nội dung nêu gương về thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã góp phần làm chuyển biến ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên; đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết, kiên cường bám trụ, bảo vệ đường biên, mốc giới, yên tâm lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tham gia tích cực vào nhiệm vụ bảo tồn văn hóa truyền thống, đẩy lùi các hủ tục, góp phần xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Thấm nhuần lời dặn của Bác, Đảng bộ huyện Đồng Văn xác định tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, bảo tồn văn hóa các dân tộc là hướng đi đúng đắn, giúp người nông dân thoát khỏi đói nghèo; lấy du lịch, dịch vụ là động lực để người dân giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, quảng bá văn hóa truyền thống tiêu biểu. Cụ thể hóa các chương trình, đề án của tỉnh bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể ở mỗi địa phương, đảm bảo cải thiện đời sống cho người dân, tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp; khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao của địa phương; nhân rộng mô hình tăng gia sản xuất hiệu quả.

Huyện tuyên truyền, định hướng, phân luồng học sinh sau khi học hết chương trình THPT; khuyến khích, hỗ trợ cho học sinh là con em các dân tộc học nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, đặc biệt là một số nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên thu hút học sinh, sinh viên là người địa phương tốt nghiệp các trường đại học về công tác và cống hiến cho quê hương, nhất là một số ngành nghề liên quan trực tiếp đến định hướng trọng tâm phát triển của huyện. Tận dụng, khai thác lợi thế địa phương, lồng ghép với các chương trình hỗ trợ giúp nông dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ, đi đôi với khuyến khích, động viên nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý... Từ đó, giúp đồng bào biên cương có cuộc sống ngày một ấm no.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website