Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp”. Nhớ lời Bác dạy, Lương y Đoàn Công Thành gần 40 năm bắt mạch, hốt thuốc cứu người “Không vì tư lợi”, còn ông Dư Huynh ra sức xây dựng phum sóc sáng - xanh - sạch - đẹp, bình yên.
ĐỌNG LẠI TÌNH THƯƠNG
Thời gian qua, Lương y Đoàn Công Thành (Phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cùng với tập thể Tổ chẩn trị Đông y Hưng Thanh tự (khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đã châm cứu cho 14.000 lượt bệnh nhân, xoa bóp, bấm huyệt cho 11.500 lượt bệnh nhân và bổ 23.400 thang thuốc trị bệnh cho người dân trong và ngoài tỉnh. Ông và các thành viên Tổ chẩn trị Đông y luôn chu đáo, tận tình chăm sóc cho bà con, “xoa dịu vết thương đau” của người bệnh với tinh thần đặt y đức lên hàng đầu. Từ đó, Tổ chẩn trị Đông y đã tạo được sự tin cậy và ngày càng có đông người đến khám, hốt thuốc. Nhân đây, Tổ chẩn trị Đông y phối hợp với phường Nhà Mát tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại điểm hốt thuốc mỗi tháng một lần cho hội viên và quần chúng nhân dân, bệnh nhân.
Lương y Đoàn Công Thành - Tổ chẩn trị Đông y Hưng Thanh tự (khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) bốc thuốc trị bệnh cho người dân. Ảnh: N.Q
Qua 16 buổi sinh hoạt học tập và làm theo Bác tại Tổ chẩn trị Đông y Hưng Thanh tự đã góp phần giúp hội viên và người dân hiểu rõ hơn về sứ mệnh của người thầy thuốc trong chăm sóc sức khỏe và trị bệnh cứu người, những tư tưởng, lời dạy của Bác về y đức của người thầy thuốc. Trải qua 40 năm hành y cứu người, Lương y Đoàn Công Thành khắc ghi lời dạy của Bác và 10 điều răn của hệ phái Tịnh độ cư sĩ về đạo đức của lương y. Người thầy thuốc này chia sẻ: “Tôn giáo của chúng tôi có dạy cứu người “không vì tư lợi”. Hơn nửa đời người làm nghề y, điều đọng lại là tình thương, thấy bà con bớt bệnh là mình vui”.
BÀ CON TÍN NHIỆM
Còn ông Dư Huynh được bà con trong phum sóc ở ấp Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) tín nhiệm bởi “lối xóm có gì là ông sang nhắc nhở, giúp đỡ”. Ấp Thanh Sơn có gần 1.380 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm khoảng 1/3 dân số, còn 11 hộ nghèo, cận nghèo. Cho nên, ông Huynh tình nguyện tham gia Ban Công tác Mặt trận ấp, song song với việc phát huy vai trò thành viên tích cực của Ban Quản trị chùa Đìa Chuối để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con trong bổn đạo.
Trong văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ, ngôi chùa vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo, vừa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Cho nên, để tiếp tục xứng đáng là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Huynh đã có nhiều việc làm để cùng trụ trì, tập thể Ban Quản trị chùa Đìa Chuối duy trì, phát huy vai trò của ngôi chùa. Chẳng hạn, hằng năm, ông vận động các tổ chức, cá nhân ngoài địa phương nhiều phần quà để chùa trao lại cho phật tử, nhằm cải thiện đời sống người dân.
Cùng với đó, ông còn là thành viên năng động của Ban Công tác Mặt trận ấp Thanh Sơn trong công tác vận động, tập hợp Nhân dân. Nhà nước đầu tư lắp đặt đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời từ chùa Đìa Chuối đến gần Trường THCS-THPT Trần Văn Lắm dài khoảng 2km, ông đứng ra kêu gọi bà con trên tuyến đường hiến đất để dựng trụ đèn. Dọc theo tuyến đường, ông cùng bà con dọn dẹp sạch sẽ, trồng, chăm sóc cây, hoa kiểng để tạo không gian vừa xanh, vừa đẹp.
NGUYỄN QUỐC
Theo https://www.baobaclieu.vn