Đảng bộ xã Chiềng Khay học và làm theo Bác

Ruộng bậc thang tại xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai.

Về xã Chiềng Khay vào dịp này, ấn tượng bởi màu xanh của những vườn cây ăn quả, đồi trồng quế, dọc tuyến đường về trung tâm xã nhiều ngôi nhà khang trang, minh chứng cho sự đổi thay của vùng đất này. Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai, Chiềng Khay có 5 dân tộc Thái, Mông, Dao, Khang, Kinh sinh sống tại 11 bản, trong đó có 10 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Trước đây, sản xuất của bà con vẫn còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Đây cũng là nguyên nhân sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của xã ở mức cao. Làm thế nào để xóa được đói, giảm được nghèo cho người dân là điều cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Khay luôn trăn trở.

Ông Lò Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ðảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc xây dựng chương trình, lựa chọn những việc làm phù hợp mang tính đột phá, giúp bà con tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Trong đó, phát huy tiềm năng lợi thế, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng sản xuất, trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Thực hiện nội dung đột phá, Đảng ủy xã xác định rõ trách nhiệm của các chi bộ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân phát huy tiềm năng lợi thế, khắc phục những khó khăn; tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... Phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, đi trước, làm trước, làm hiệu quả để bà con học tập làm theo.

 

 Lãnh đạo xã Chiềng Khay nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tại bản Ít Ta Bót.

Là một trong những cá nhân tiêu biểu trong việc học và làm theo Bác của xã Chiềng Khay, ông Tẩn Văn Pặp, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phiêng Bay. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông Pặp chuyển đổi dần từng loại cây trồng, hằng năm bổ sung trồng thêm để mở rộng diện tích. Từ cách làm này, đến nay gia đình ông có 1 ha cây sa nhân, 4 ha xoài Đài Loan, cây mắc ca, 7 ha cây quế. Ông Pặp còn được biết đến là người “mát tay” trong nuôi bò, với đàn bò 30-40 con, từ tiền bán bò giúp ông có tiền để đầu tư các loại cây trồng khác nhau. Ngoài ra, ông còn đầu tư máy xúc phục vụ gia đình và nhu cầu của bà con trong bản.

Ông Tẩn Văn Pặp chia sẻ: Học Bác đức tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên xóa đói, nghèo, đầu năm 2019, gia đình tôi bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng một số cây trồng mới như sa nhân, quế, mắc ca và xoài Đài Loan, thu nhập bình quân hằng năm của gia đình trên 300 triệu đồng.

Từ mô hình của gia đình của ông Pặp, người dân trong bản tích cực học và làm theo. Ngoài thâm canh gần 100 ha ruộng nước, hơn 90 ha sắn cao sản; bản còn có hơn 10 ha cây ăn quả, gần 130 ha sa nhân, quế, mắc ca; chăn nuôi gần 1.000 con gia súc, hơn 2.000 con gia cầm... Bản có 213 hộ, hiện nay chỉ còn 20 hộ nghèo và đang được các đảng viên, tổ chức, đoàn thể giúp đỡ để thoát nghèo.

Việc lựa chọn đúng, trúng nội dung học và làm theo Bác đã tạo sức lan tỏa tới đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã hưởng ứng làm theo. Hằng năm, bà con các bản thâm canh hơn 1.500 ha lúa, ngô, sắn, rau xanh; chăm sóc hơn 100 ha cây ăn quả các loại, gần 500 ha quế; hơn 30 ha sa nhân, mắc ca. Đồng thời, phát triển mạnh chăn nuôi, xây dựng mô hình nuôi bò nhốt chuồng, tổng đàn gia súc có hơn 20.000 con, đàn gia cầm hơn 50.000 con.

Bên cạnh đó, xã khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất. Hiện nay, xã có 5 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là đầu mối cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ thành viên quy trình sản xuất hiệu quả và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Nhân dân và cộng đồng bản quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ hơn 5.580 ha rừng, mỗi năm được chi trả hơn 3 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập và cộng đồng các bản có nguồn quỹ thực hiện các công việc chung của bản.

 

 Mô hình trồng xoài Đài Loan của bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống còn 12,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm. Bà con tích cực góp công, góp của, chung sức xây dựng nông thôn mới; hiện xã Chiềng Khay đạt 14/19 tiêu chí, 48/57 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024.

Việc lựa chọn nội dung phù hợp, sát thực tế trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng bộ xã Chiềng Khay đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân được nâng lên, diện mạo nông thôn mới nơi vùng cao ngày càng khởi sắc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website