“Dân vận khéo” trong phòng, chống dịch COVID- 19

Phong trào “Dân vận khéo” trong phòng, chống dịch

Trong gần 2 năm trở lại đây, tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, tư tưởng, tâm lý của nhân dân. Nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh công tác “Dân vận khéo”, hướng nhiệm vụ chính của công tác dân vận là hướng dẫn và động viên người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, ổn định tư tưởng, linh hoạt trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Thời gian qua, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vận dụng sáng tạo “Dân vận khéo” vào thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Cán bộ dân vận cơ sở chính là những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên “pháo đài chống dịch” vững vàng qua việc liên tục nắm tình hình, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống dịch; kịp thời phát hiện, đấu tranh với những luồng thông tin sai lệch, ổn định tư tưởng trong nhân dân. Đội ngũ nòng cốt này đã tích cực trong phong trào “Dân vận khéo”, xây dựng các mô hình chống dịch hiệu quả, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn trước mắt như: Mô hình “cây xăng 0 đồng” với hơn 5.000 lít xăng của Hội phụ nữ và đoàn thanh niên Công an huyện phối hợp thực hiện hỗ trợ những người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trên hành trình trở về quê hương; Chương trình “Cùng em học trực tuyến”; “Đội Shipper áo xanh với chuyến xe 0 đồng”; “Đội xung kích tham gia hỗ trợ nhân dân, các gia đình có ca F0; F1 và gia đình khó khăn thu hoạch lúa mùa”; “Đội xung kích hỗ trợ y tế lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ công tác tiêm vaccin”; “Bếp ăn 0 đồng”… Nhờ làm tốt công tác dân vận, trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua, người dân Thanh Liêm vẫn yên tâm, tin tưởng và tích cực, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch hiệu quả.

Tổ COVID cộng đồng thôn Ngùi, xã Việt Ngọc (Tân Yên) nắm bắt tình hình người dân đang thực hiện cách ly phòng dịch. Ảnh: Baobacgiang.vn

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số. 2 năm qua, huyện gặp nhiều khó khăn khi thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Cùng với việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, phong trào “Dân vận khéo” của huyện đã phát huy hiệu quả tích cực thông tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng chống dịch bệnh. Dựa vào uy tín của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã huy động lực lượng này vào công tác dân vận, tuyên truyền, vận động đồng bào dân cư thôn bản thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cả huyện hiện có 624 Tổ tự nguyện “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng” tại 149/149 thôn, bản, khối, khóm thuộc 21/21 xã, thị trấn, với tổng số 1.840 người, trong đó già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia làm thành viên. Mỗi Tổ phụ trách giám sát, tuyên truyền từ 20 đến 30 hộ gia đình. Mô hình này thực sự phát huy hiệu quả trong công tác vận động nhân dân góp sức và tham gia phòng chống dịch bệnh, đẩy lùi khó khăn do thiên tai, lũ bão.

Với tỉnh Bắc Giang, trước khi dịch bệnh xảy ra, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 5000 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực kinh tế: 1.471 mô hình; văn hoá- xã hội: 1.881 mô hình; lĩnh vực quốc phòng- an ninh: 533 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị: 614 mô hình. Các mô hình này hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an ninh.

Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, tỉnh Bắc Giang triển khai đợt thi đua dân vận khéo trong phòng chống dịch với nhiều nội dung thiết thực như mô hình dân vận khéo trong công tác bảo đảm an toàn khu nhà trọ, tổ COVID cộng đồng, “Tổ dân vận cộng đồng”... Tỉnh đã thành lập khoảng 1.000 tổ COVID cộng đồng ở 100% thôn, tổ dân phố với gần 6,5 nghìn thành viên. Ngoài việc tuyên truyền phòng, chống dịch, đây cũng là cầu nối giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh tại cộng đồng. Mô hình “Tổ dân vận cộng đồng” của tỉnh tuy mới đi vào hoạt động khoảng 2 tháng nhưng đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Mô hình này thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, giám sát nhân dân chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết các trường hợp F1, F2 khi có ca bệnh trên địa bàn; Tham gia giữ gìn an ninh trật tự thông qua việc nắm bắt, vận động nhân dân tích cực phát hiện, tố giác tội phạm; thực hiện bảo vệ môi trường, tuyên truyền các gia đình ở thôn, xóm tự giác đóng phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác và tham gia vào các mô hình tự quản về giữ vệ sinh môi trường. Mô hình mới này đã giúp chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, hướng dẫn bà con vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn môi trường sạch đẹp, phòng chống dịch hiệu quả.

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Bác cũng chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”.

Thực hiện lời chỉ dạy của Người, công tác dân vận trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua đã thực sự tác động đến đông đảo người dân, góp phần quan trọng vào những thành công của hoạt động này.

 

Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể huyện Thanh Liêm (Hà Nam) trao quà ủng hộ và hỗ trợ cho các lực lượng phòng, chống dịch.

Xác định dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, nhiệm vụ phòng chống dịch là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ; các cấp ủy, chính quyền vẫn xác định công tác dân vận vẫn phải thường xuyên, liên tục. Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm Nguyễn Minh Tiến cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động người dân nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện các biện pháp trong công tác phòng chống dịch, tiêm vắc xin, thực hiện nghiêm quy định 5K và ứng dụng công nghệ trong phòng dịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng; tiếp tục triển khai vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tham gia ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, cùng nhau chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với huyện Hướng Hóa, “Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong việc trong vận động Nhân dân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chung tay, góp sức cùng cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng” – đồng chí Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hướng Hoá cho biết.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Băc Giang cho biết: “Để phát huy hiệu quả, vai trò hoạt động của các mô hình dân vận, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Ban dân vận các cấp tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới. Gắn thực hiện học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phong trào thi đua "Dân vận khéo"; chú trọng nhân rộng các mô hình tham gia giải quyết những vấn đề bức thiết của nhân dân.  Đặc biệt vận động người dân phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, đẩy mạnh phong trào thi đua “dân vận khéo” trong tuyên truyền, chăm lo, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, chung tay phòng, chống dịch bệnh hiệu quả”.

Có thể thấy, trong các hoạt động phòng chống dịch, cũng như phát triển kinh tế, an sinh xã hội, các cấp chính quyền luôn coi người dân là chủ thể, vừa là lợi ích, vừa là quyền hạn của dân; cũng là thực hiện tốt chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm Dân vận: “... giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được... Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Thực hiện tốt điều này, chính là chúng ta đã góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh ý chí niềm tin, nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân, tạo động lực và sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng đại dịch COVID-19 và tiếp tục kiến tạo các kỳ tích mới trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website