Bình Trị Thiên trước đây và 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế hiện nay đã từng vinh dự chứng kiến những kỷ niệm thời niên thiếu của cậu học trò Nguyễn Sinh Cung. Đây cũng là nơi đã từng nhận được sự quan tâm, săn sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cách mạng. Một điều đáng tự hào là làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang (nay là TP. Huế), tỉnh Thừa Thiên-Huế là nơi “Người bắt đầu học chữ Hán trên những trang sách viết hàng từ” và “Trường Quốc Học là nơi Người đã học và tham gia cùng nông dân đấu tranh chống thuế. Những dấu son đó trên bước đường vạn dặm của Người mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân ta”([1]).
Bình Trị Thiên cũng là vùng đất mà trong thời Pháp thuộc đã có nhiều người thân trong gia đình của Bác như cụ Nguyễn Sinh Khiêm, cụ Nguyễn Thị Thanh đã sống, học tập, làm việc và hoạt động cách mạng. Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ cũng đã yên nghỉ trên mảnh đất cố đô này.
Bác Hồ trên lễ đài tại sân vận động Đồng Hới ngày 16/6/1957. Ảnh: Tư liệu
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn hướng về Huế về Bình Trị Thiên. Rồi trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn dành thì giờ chăm lo bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên Bình Trị Thiên. Bác luôn quan tâm đến đồng bào, dõi theo những chiến công chói lọi mà đồng bào Bình Trị Thiên lập công dâng Bác. Cứ mỗi lần có chiến công Bác thường xuyên kịp thời động viên, chỉ vẽ. Vì thế, quân và dân Bình Trị Thiên đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đánh tan âm mưu bình định, chia cắt của địch.
Năm 1954, đất nước ta bị tạm thời chia cắt hai miền Nam-Bắc. Từ miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, lời Bác trìu mến lại vượt sông Bến Hải để đến với đồng bào miền Nam, đồng bào Bình Trị Thiên. Trong lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ngày 22/7/1954, Bác nói “Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao”([2]). Người cũng đã động viên cổ vũ “Đảng, Chính phủ và tôi luôn luôn theo dõi sự cố gắng của đồng bào và tin chắc đồng bào sẽ thắng lợi”([3]).
Từ những lời kêu gọi đó của Bác, quân và dân tỉnh Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh ra sức khôi phục và phát triển sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong khi đó ở vùng Trị Thiên-Huế thì lại bừng lên phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi, kiên quyết không tố cộng, không chỉ dẫn những người kháng chiến cũ, thà chết chứ không nói xấu Cụ Hồ.
Cuối năm 1955, Hồ Chủ tịch đã gửi một số quà tặng cho đồng bào miền núi thuộc xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Việc này đã trở thành niềm tin sức mạnh cho nhân dân xã Húc và Quảng Trị vượt qua bao thử thách ác liệt trong những ngày giáp mặt với quân thù.
Ngày 16/6/1957, một vinh dự vô cùng lớn lao là Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh vui mừng đón Bác về thăm, được Bác ân cần căn dặn nhiều điều về đoàn kết dân tộc, đánh giặc cứu nước.
Sau khi Bác về đến Hà Nội, đảng viên và nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh bồi hồi xúc động trước những cử chỉ thân mật, lời dạy ân cần của Người. Và từ đó trở đi, một phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, hàn gắn vết thương chiến tranh, củng cố quốc phòng, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ diễn ra sôi nổi và hào hứng khắp nơi.
Tình cảm của Bác Hồ dành riêng cho vùng đất và con người Quảng Bình chan chứa trong những bài viết, bức thư, như: Thư Hồ Chủ tịch gửi cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An; bài viết “Một hợp tác xã gương mẫu” (Bác ký tên là T.L) nói về Hợp tác xã Đại Phong; Thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình bắn rơi 200 máy bay Mỹ; Thư Hồ Chủ tịch gửi dân quân gái xã V. huyện Quảng Ninh; Thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình bắn rơi 400 máy bay Mỹ; Thư Hồ Chủ tịch gửi toàn thể đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của giặc Mỹ…Tất cả những dòng riêng này của Bác dành cho cán bộ và nhân dân Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ đã nói lên tình cảm của Bác dành cho vùng đất này chan chứa biết bao tình. Và chúng tôi cũng chưa thể thống kê hết những người con Quảng Bình đã từng gặp Bác, từng chiến đấu, học tập theo tấm gương đạo đức của Bác, chính họ đã làm nên những trang sử hào hùng cho Quảng Bình hôm qua và hôm nay.
Kể từ ngày Bác về với “thế giới người hiền”, đồng bào Bình Trị Thiên đã không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đó là quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng, cán bộ, nhân dân Bình Trị Thiên bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đổi mới để tiến lên. Năm 1989, trước yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Trị Thiên lại tách thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Cho dù nhập tỉnh rồi lại tách tỉnh nhưng đồng bào Bình Trị Thiên vẫn luôn hướng về Đảng, Chính phủ, cách mạng và Bác Hồ kính yêu dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức diễn xướng thơ ca dân gian.
Đã có một đánh giá cho rằng “Bình Trị Thiên, vùng đất hẹp của miền Trung kéo dài từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân trải qua bao gian khổ khó khăn bởi thiên tai, bão lụt, bởi khói lửa chiến tranh. Dù vậy lòng dân vùng quê này vẫn luôn luôn hướng về cách mạng, về Bác Hồ kính yêu. Bác Hồ với nhân dân, nhân dân với Bác Hồ, mối quan hệ ấy là mối quan hệ vô cùng bền vững, sâu sắc và mặn nồng. Cũng như nhân dân cả nước, nhân dân Bình Trị Thiên biết ơn và kính yêu Bác Hồ vô hạn. Tình cảm chân thành và thắm thiết ấy một phần được thể hiện, được phản ánh qua các vần thơ ca dân gian mộc mạc mà rất đằm thắm, thiết tha”([4]).
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, mặc dầu bận trăm công nghìn việc, Hồ Chủ tịch vẫn thường xuyên quan tâm, săn sóc, ân cần dạy bảo đối với Đảng bộ và nhân dân Bình Trị Thiên. Trong bài Bác Hồ với Bình Trị Thiên, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên đã khẳng định “Công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bình Trị Thiên như trời cao, biển rộng, ơn nặng nghĩa dày. Mỗi bước đi, mỗi gian lao khó khăn, mỗi niềm vui chiến thắng của chúng ta đều có Người động viên chỉ đạo”([5]).
--------------------
[1]: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bình Trị Thiên: Bác Hồ với Bình Trị Thiên, tập 1. Ty Văn hóa Bình Trị Thiên xuất bản, Huế, 1977, trang 58.
[2]: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 (1953-1955). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, trang 322.
[3]: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 (1953-1955). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, trang 322.
[4]: Lê Tiến Dũng, Trần Hoàng: Cụ Hồ ở giữa lòng dân. NXB Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 5.
[5]: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bình Trị Thiên: Bác Hồ với Bình Trị Thiên, tập 1. Ty Văn hóa Bình Trị Thiên xuất bản, Huế, 1977, trang 5.
Khánh Phong (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế)
Theo https://baoquangbinh.vn