60 năm vang vọng lời Người

Tiền Hải hôm nay.

Khắc ghi lời Bác dạy

Là người vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ, mỗi dịp Thái Bình kỷ niệm ngày Bác về thăm, bà Đỗ Thị Xoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) lại không giấu được xúc động, nhớ Bác kính yêu. Bà kể: Ngày 26/3/1962, tôi vinh dự được dự hội nghị phát động phong trào sản xuất trong nông nghiệp toàn tỉnh tại xã Đông Lâm (Tiền Hải) và được gặp Bác Hồ. Tôi được đứng ở vị trí khá gần Bác, nhìn rõ khuôn mặt và nghe rõ giọng nói ấm áp của Bác. Nội dung bài nói của Bác tại hội nghị hôm đó rất ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Bác ví dụ từng số liệu cụ thể, chỉ dẫn từng việc một. Bác phân tích, giải thích thật mộc mạc, giản dị để ai cũng hiểu rõ. Bác khen thành tích Thái Bình đạt được cũng rất có chừng mực để mỗi cán bộ không chủ quan, tự mãn. Bác phê bình những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng thấu lý đạt tình, chân thành và tin tưởng, cảm thông và bao dung. Cuối cùng, Bác khích lệ, động viên: “Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm làm cho Thái Bình trở nên một trong những tỉnh khá nhất, để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”. 60 năm qua, từ lần thứ tư Bác Hồ về thăm Thái Bình, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, một lòng theo Đảng, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác, giành được nhiều thành tích to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay trong khói lửa chiến tranh, nam giới huy động cho chiến trường, lao động còn lại ở địa phương 70% là nữ nhưng Thái Bình luôn dẫn đầu năng suất lúa toàn miền Bắc, đạt 5 tấn thóc/ ha năm 1966, 6 tấn/ha năm 1972, 7 tấn/ha năm 1974. “Quê hương năm tấn” Thái Bình là niềm tự hào, là biểu tượng về tinh thần nỗ lực thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của cả miền Bắc khi đó. Với tinh thần “Thái Bình dốc lòng chi viện cho tiền tuyến”, mặc dù chỉ chiếm 5% diện tích đất canh tác của miền Bắc nhưng Thái Bình luôn đóng góp cho Nhà nước từ 10 - 12% tổng lượng lương thực huy động của miền Bắc. Đến năm 1975, tổng sản lượng lương thực tăng gấp 2 lần, chăn nuôi tăng gần 3 lần so với năm 1954.

Trong lần thứ tư về thăm Thái Bình, Bác đã dạy: “Thái Bình là một trong những tỉnh nhiều người nhất. Nhân dân sẵn có truyền thống anh dũng và cần cù. Đất đai tốt. Thủy lợi tiện. Lương thực nhiều. Nông nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh”. Khắc ghi lời Bác dạy, những năm qua Thái Bình đã phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm và đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhờ tích cực đầu tư hệ thống thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy, đến nay năng suất lúa toàn tỉnh đạt trên 13 tấn/ha. Mỗi năm Thái Bình sản xuất trên 1 triệu tấn lương thực, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh mà còn tạo ra một lượng lớn sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Thái Bình đang đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với tích tụ ruộng đất và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời, thu hút các dự án lớn vào đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Thái Bình. Cùng với đó, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và tự hào là điểm sáng của cả nước trong phong trào này. Hết năm 2019 Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh, đến nay có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Diện mạo các làng quê “thay da đổi thịt”, khoác lên mình “tấm áo mới” văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%. Cả hệ thống chính trị và nhân dân đang thể hiện quyết tâm rất lớn, dồn lực phấn đấu đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Vươn ra biển lớn

Vinh dự 5 lần được đón Bác về thăm, hôm nay, mỗi địa danh trên quê lúa, nơi Bác đã đặt chân đến đang từng ngày “thay da đổi thịt”, liên tục tạo ra những kỳ tích mới. Những khu đô thị, khu công nghiệp mới, những cây cầu, tuyến giao thông kết nối đang hình thành làm bừng lên sức sống mới, tạo thế và lực mới để Thái Bình vươn lên mạnh mẽ. Đây là minh chứng rõ nhất trong 60 năm qua Đảng bộ và nhân dân Thái Bình hiện thực hóa lời căn dặn của Người: “Mọi việc khi mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn”. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thái Bình chủ trương tiến ra phía biển, làm giàu từ biển, tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Ngay trong năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, toàn tỉnh đã thu hút được 6 dự án FDI đầu tư vào Khu kinh tế với tổng vốn 540 triệu USD (lớn hơn tổng số vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016 - 2020), xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với tuyến đường bộ ven biển, Thái Bình chú trọng xây dựng hệ thống đường trục kết nối với các trục giao thông đối ngoại và các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong Khu kinh tế; phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao và các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển có giá trị gia tăng lớn gắn với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và chủ quyền, an ninh biên giới biển. Tất cả đang mở ra cơ hội cho Thái Bình kết nối với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ để “vươn ra biển lớn” trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Ông Hoàng Văn Túy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tiền Hải chia sẻ: Vinh dự, tự hào là địa phương được đón Bác về thăm cách đây 60 năm, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải luôn khắc ghi lời Bác dạy, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Là huyện ven biển, nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, Tiền Hải xác định tận dụng mọi lợi thế để bứt phá vươn lên. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục giữ ổn định chính trị, phối hợp cùng các sở, ngành của tỉnh rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn. Cùng với đó, Tiền Hải sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; đồng thời, huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phấn đấu sớm trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.

Theo ông Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu: Với định hướng chiến lược phát triển Khu kinh tế của tỉnh chắc chắn Thái Bình sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Doanh nghiệp chúng tôi đang đón đợi các cơ hội đầu tư phát triển và cam kết sẽ đồng hành với tỉnh, với huyện kết nối với các doanh nghiệp vào đầu tư tại Khu kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ tư (26/3/1962 - 26/3/2022) là dịp để toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh thời gian tới sẽ rất nặng nề, chặng đường phía trước sẽ còn nhiều cam go, thử thách nhưng rộng mở và tươi sáng. Hành trang của mỗi người dân Thái Bình trong chặng đường đi lên là tình cảm và những lời dạy bảo ân cần của Bác; là tinh thần vượt khó, chiến thắng gian lao; là sức mạnh, tiềm năng của mảnh đất và con người; là niềm tin và sự đoàn kết đồng lòng; là mục tiêu và khát vọng vươn tới. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn khắc ghi hình ảnh Bác trong tim, nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết phấn đấu xây dựng Thái Bình sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải.

Học sinh Trường Tiểu học xã Nam Cường, huyện Tiền Hải được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang.

Nhà văn Bút Ngữ, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình

Là phóng viên của bản tin Thái Bình (nay là Báo Thái Bình), đại biểu Quốc hội khóa III (1964 - 1971), tôi may mắn được gặp Bác nhiều lần. Đã hơn 60 năm từ lần đầu được gặp Bác nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh giản dị, thân thương của vị Cha già kính yêu của dân tộc, nhớ giọng nói ấm áp, cởi mở, dễ gần khi tiếp xúc với bà con Thái Bình. Mỗi lần gặp Bác, được nghe những lời khuyên bảo ân cần của Bác là kỷ niệm, hành trang, động lực để tôi phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, để có những tin, bài chất lượng, phản ánh đúng, kịp thời hơi thở của cuộc sống, tôi thường sưu tầm, đọc những bài báo Bác viết để rút ra kinh nghiệm, kỹ năng viết báo cho riêng mình. Các bài viết của tôi và đồng nghiệp không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong tỉnh mà còn làm nhiệm vụ báo cáo tình hình của Thái Bình với Hồ Chủ tịch. Tôi rất mừng vì thực hiện lời Bác căn dặn 5 lần Người về thăm, Thái Bình ngày càng đổi mới, phát triển, năng động hội nhập, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên.

Ông Vũ Văn Tường, Trưởng thôn Đức Cường, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải

Đối với mỗi người dân Nam Cường, Bác Hồ có vị trí đặc biệt trong trái tim. Những ngày đầu khai hoang lấn biển lập làng, lập xã vô vàn khó khăn, vất vả nhưng chính trong lúc khó khăn nhất Bác đã kịp thời về thăm, động viên nhân dân “gian khổ cố gắng vượt lên”. Chính những lời động viên, căn dặn của Người như một nguồn sức mạnh to lớn, tiếp thêm nghị lực cho những người khai hoang lấn biển ngày ấy và các thế hệ nối tiếp vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng quê hương Nam Cường trở thành miền quê trù phú, phát triển với hệ thống giao thông và các công trình phúc lợi được xây dựng đồng bộ, kinh tế phát triển. Xã hiện nay được quy hoạch nằm trong Khu kinh tế Thái Bình và có tuyến đường bộ ven biển đi qua. Đây là điều kiện thuận lợi cho bước phát triển vượt bậc của địa phương trong thời gian tới; vì vậy, cấp ủy, chính quyền thôn tập trung tuyên truyền, vận động để người dân thấy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thuận trong giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án. 23/23 hộ trong thôn đã bàn giao đất đúng thời hạn để phục vụ thi công dự án tuyến đường bộ ven biển. 

Ông Phạm Đình Niệm, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải

Tôi cũng giống như nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đông Lâm luôn thấy vinh dự và tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và vinh dự được đón Bác về thăm cách đây 60 năm. Khắc ghi lời Bác dạy, trong những năm qua, nhân dân Đông Lâm luôn nỗ lực phấn đấu cùng cấp ủy, chính quyền xã vượt mọi khó khăn để xây dựng địa phương trở thành một xã gương mẫu về mọi mặt. Vì vậy, từ một xã nghèo hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp, Đông Lâm ngày nay đã thực sự “thay da đổi thịt”, trở thành một trong những xã có kinh tế phát triển thuộc tốp đầu huyện Tiền Hải. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Chúng tôi rất phấn khởi khi công trình Đền thờ Bác Hồ được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác về thăm, đây là công trình ý nghĩa thể hiện sự tri ân sâu sắc của người dân Đông Lâm với Bác Hồ kính yêu, là nguyện vọng của nhiều thế hệ người dân quê hương: Bác đã về và ở mãi với Đông Lâm.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đạo, xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình

Là Bộ đội Cụ Hồ nên những năm qua các thế hệ cựu chiến binh Thái Bình luôn nỗ lực học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực. Bản thân tôi phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực phát triển kinh tế. Gia đình tôi đầu tư chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả... mỗi năm thu lãi 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 - 5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tôi luôn cố gắng dạy bảo con cháu trong gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Tích cực học tập, lao động sản xuất. Tôi mong thời gian tới các cấp hội cựu chiến binh sẽ tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện; từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi trong hội viên và nhân dân, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. 

Anh Nguyễn Văn Toán, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Duyên Hải (Hưng Hà)

Thế hệ trẻ Thái Bình tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, vinh dự 5 lần đón Bác Hồ về thăm. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần “Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên”, tuổi trẻ Duyên Hải cũng như các địa phương, đơn vị khác đã phát huy truyền thống, hăng hái, sôi nổi hưởng ứng các phong trào: thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, tình nguyện bảo đảm an sinh xã hội, khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Chúng tôi sẽ tiếp tục là lực lượng xung kích làm chủ khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, làm giàu chính đáng; nêu cao tinh thần tình nguyện, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, chung sức cùng cộng đồng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng.

 


Nguyễn Hình

Theo https://baothaibinh.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website