Khách sạn nhỏ Drayton Court ở London, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng ở và làm việc
Trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 4 năm ở Vương quốc Anh. Đây là một khoảng thời gian không quá dài, nhưng rất có ý nghĩa đối với việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường giành độc lập của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như tạo tiền đề cho mối quan hệ hữu nghị giữa người dân Việt Nam và người dân Vương quốc Anh ngày nay.
Sau gần 3 năm bôn ba từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu sang Mỹ, rồi từ Mỹ quay trở lại châu Âu, tháng 5/1913, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời cảng La Havre của Pháp để đến với nước Anh.
Tại Vương quốc Anh, trung tâm của chủ nghĩa đế quốc thời kỳ đó, Người đã phải làm rất nhiều việc nặng nhọc như cào tuyết trong trường học, điều khiển hệ thống nước nóng rồi phụ bếp trong khách sạn nhỏ Drayton Court, rửa bát đĩa trong khách sạn danh tiếng Carlton ở thủ đô London.
Khách sạn Drayton Court ở quận Ealing của thủ đô London. Tòa nhà này hiện vẫn tồn tại và giờ là một quán rượu, nhưng du khách vẫn có thể leo lên tầng 3 để thăm căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở. Đó là phòng nhỏ nhất trong số những căn phòng dành cho nhân viên khách sạn.
Tòa nhà New Zealand, bắt đầu xây dựng năm 1959 và hoàn thành vào năm 1963 trên nền của khách sạn Carlton, hiện có gắn tấm biển màu xanh ghi: “Hồ Chí Minh (1890-1969) - Người khai sinh ra nước Việt Nam ngày nay - đã làm việc tại khách sạn Carlton, tòa nhà cũ trên nền đất này, năm 1913.” Dưới tầng hầm của Tòa nhà New Zealand cũng lưu giữ lại một căn phòng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc để làm di tích lịch sử.
Khách sạn Carlton ở London (Anh), nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành làm việc trong thời gian sống ở nước Anh năm 1914. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Ngoài các địa điểm trên, tại thủ đô London còn nhiều địa danh khác đã ghi dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người ở đây, như công viên Hyde Park, khu Soho hay Thư viện Marx...
Trong khoảng thời gian ở thủ đô London của Vương quốc Anh, ngoài việc phải vất vả làm việc để trang trải cuộc sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng trau dồi kiến thức, nắm bắt những kỹ năng và kinh nghiệm mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gia nhập Lao động hải ngoại, một hiệp hội tiến bộ của Công nhân quốc tế, có trụ sở tại London, gồm những người chống lại chủ nghĩa thực dân. Nhờ thế, lần đầu tiên, Người biết đến các hoạt động chính trị có tổ chức thông qua các cuộc biểu tình trên đường phố và các cuộc họp kín ở nhà máy, cũng như nắm được khái niệm về chủ nghĩa quốc tế.
Cũng chính trong khoảng thời gian ở London này, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lần đầu tiên đọc các tác phẩm của hai nhà triết học Đức Karl Marx và Friendrich Engels, qua đó giúp Người định hình tư tưởng chính trị và tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nhà văn, nhà sử học John Callow, Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Thư viện Marx tại London từng viết: "Bốn năm ở London đã góp phần rất nhiều trong việc hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh. Những di sản của Người có sức sống mãnh liệt ở Việt Nam, nhưng xét về khía cạnh những tư tưởng, tầm nhìn và lòng can đảm của Người, Hồ Chí Minh thuộc về cả thế giới."
Không chỉ tìm ra con đường và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, thời gian ở Vương quốc Anh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đặt ra những tiền đề cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị, tình cảm giữa người dân hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh, ông Graham Amy, 74 tuổi, Thị trưởng Newhaven - một thành phố cảng nhỏ nằm ở phía Nam cách thủ đô London khoảng 100 km, không giấu được tự hào khi quê hương ông đã lưu dấu những ngày tháng bôn ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông khẳng định rằng "Hồ Chí Minh là một phần lịch sử của Newhaven và Hồ Chí Minh đã đưa hai đất nước đến với nhau.” Ông cho biết từ hàng trăm năm nay, mỗi ngày có một chuyến phà nối từ thành phố Newhaven với thị trấn Dieppe của Pháp ở bờ biển phía bên kia. Cách đây rất nhiều năm, cha ông đã kể với ông rằng, hồi đầu thế kỷ trước, có một người nổi tiếng, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng làm đầu bếp trên những chuyến phà đó.
Ông Graham Amy cũng nhấn mạnh câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến Newhaven làm việc là điểm khởi đầu cho bước phát triển tình hữu nghị giữa Newhaven, thuộc hạt Đông Sussex, với Việt Nam.
Ông bày tỏ: “Trước kia lịch sử Newhaven chưa có gì liên quan đến Việt Nam, Hồ Chí Minh đã mang chúng ta đến với nhau, và ngày càng có nhiều người Anh đến Việt Nam, thăm Thành phố Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi và chúng tôi cũng có nhiều người Việt Nam đến thăm Newhaven hơn".
Năm 2013, chính quyền hạt Đông Sussex đã dựng một phiến đá tại ngay bến cảng Newhaven, đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến nước Anh.
Tại bảo tàng thị trấn Newhaven, nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu và hình ảnh về lịch sử hàng hải của địa phương, có hình ảnh về chiếc phà hơn 100 năm trước được cho là từng in dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng này hiện cũng trưng bày một bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi dấu mối quan hệ lịch sử giữa Newhaven với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với Việt Nam./.
Đình Thư (TTXVN/Vietnam+)