Có nhiều tư liệu của mật thám cho biết: muộn nhất là vào cuối năm 1918, Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp, cũng là ''người Việt Nam đầu tiên vào một chính đảng Pháp''. Qua các buổi sinh hoạt, thảo luận của Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc có dịp quen biết nhiều nhân vật tiến bộ, có tiếng bấy giờ ở Pari.
Tác giả Trần Dân Tiên cho biết thêm: ''Thường thường, ông (Nguyễn Ái Quốc) chỉ làm việc nửa ngày, làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều thì đi đến thư viện hoặc đến dự những buổi nói chuyện chính trị. Tối đến, ông đi dự mít tinh ở Pari. Có rất nhiều cuộc mít tinh... Hầu hết trong những buổi mít tinh này, ông đều phát biểu ý kiến. Vì ông là người ngoại quốc độc nhất trong những nơi này và vì ông có vẻ dễ yêu mến cho nên thính giả thích nghe ông. Ông Nguyễn khéo lái những vấn đề thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam...''.
Báo cáo tổng hợp của mật thám Acnu còn cho biết: ''Nguyễn Ái Quốc hẳn đã tổ chức ở Pari một loạt cuộc họp và dự tính tìm thêm những bằng chứng để biện hộ cho nền độc lập của dân An Nam. Anh ta vận động để được sự bảo trợ của Hội nhân quyền đối với các cuộc họp này, và cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều diễn giả của Hội, trong đó có AnbeSale (Albert Chalaye) và Mariút Mutê (Marius Moutet), nghị sĩ xã hội vùng Rôn. Anh cũng vận động ông Ôlar (Aulars) chủ trì cho một trong những cuộc họp mà anh có ý định tổ chức''.
Thực dân Pháp cũng đã sớm nhận ra những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc không chỉ thu hẹp trong phạm vi cách mạng Đông Dương. Trong báo cáo đề ngày 4-1-1920, mật thám Giăng cho biết: ''Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm chính sách thuộc địa của Anh, của Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Ý. Hôm qua Nguyễn Ái Quốc gặp một người Ái Nhĩ Lan ở đại lộ Cabusin. Người này trao đổi với Nguyễn Ái Quốc về chính sách của Anh ở Ái Nhĩ Lan, những biến động xảy ra ở Ái Nhĩ Lan và ở Ấn Độ mà báo chí Anh đã ỉm đi…”.
Đầu mùa đông năm 1920, Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn là đại biểu duy nhất của Đông Dương được cử đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp tại thành phố Tua.
Phát biểu tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc kịch liệt tố cáo bọn đế quốc đã gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc đề nghị: ''Đảng xã hội cần phải hành động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, ''Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa...''.
Người yêu cầu ''Đảng phải cử một đồng chí của Đảng để nghiên cứu tại chỗ những vấn đề ở Đông Dương và đề xuất những hoạt động cần phải tiến hành''.
Đại hội tổ chức từ ngày 25 đến ngày 30-12-1920. Chiều ngày 29-12-1920, tại Đại hội, 70% đại biểu bỏ phiếu tán thành Quốc tế cộng sản (QTCS), trong đó có lá phiếu của Nguyễn Ái Quốc.
Nhắc lại bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua, tác giả Alanh Ruxiô (Alain Ruscio) viết: ''Cần phải nói rằng, vấn đề thuộc địa chỉ mới được bàn tới một cách rất yếu ớt và khá hiếm hoi trong thời kỳ có cuộc tranh luận lớn năm 1919-1920. Chỉ có một ngoại lệ, nhưng nó lại có tầm cỡ, đó là một thanh niên có ánh mắt sáng ngời mà báo cáo của Đại hội đã giới thiệu là “đại biểu của Đông Dương”. Hồi đó nhiều người đã biết đến tên Anh là Nguyễn Ái Quốc. Anh đã nói gì? Anh nói: ''Chúng tôi thấy rằng, việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế III có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay, Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa''.
Khi đề cập đến những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua, tác giả D.E. Ruđôi trong cuốn Sự đoàn kết chiến đấu của những người cộng sản Pháp với Việt Nam anh hùng , xuất bản năm 1978, trang 22, có viết: “Trong tham luận tại Đại hội, Hồ Chí Minh, một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Pháp, người Cộng sản Việt Nam đầu tiên đã bày tỏ nguyện vọng và khát khao của các dân tộc Đông Dương. Bản tham luận của đồng chí đã được các đại biểu Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh. Đại hội Tua đã thông qua Nghị quyết với yêu cầu trao trả nền độc lập cho các dân tộc đang sống dưới ách thuộc địa của Pháp, xác định nhiệm vụ của những người Cộng sản trong cuộc đấu tranh để thực hiện Nghị quyết''.
Hoạt động gần 3 năm với Đảng Cộng sản (ĐCS) Pháp, trong bất cứ cuộc họp, tiếp xúc nào, Nguyễn Ái Quốc cũng đề cập đến vấn đề thuộc địa. Trên các bài báo, các trước tác của Người đều dẫn dắt người ta trở về với vấn đề các dân tộc bị áp bức. Bằng những hoạt động đó, “Nguyễn Ái Quốc đã gieo hạt giống cách mạng khắp bốn phương trời'', đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của các dân tộc thuộc địa.
Khi viết về những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc đối với ĐCS Pháp, nhà sử học SPhuôcniô (Charles Fourniau) nhận định: ''Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp quan trọng vào việc hình thành truyền thống chống chủ nghĩa thực dân, một truyền thống làm vẻ vang cho Đảng Cộng sản Pháp... Vậy thì hẳn rằng, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam sau đó phải được coi là một trong những người thầy của Đảng Cộng sản Pháp về những vấn đề thuộc địa''.
Đại hội Tua đánh dấu bước chuyển biến căn bản sang đường lối cách mạng vô sản của những người xã hội cánh tả, đặt cơ sở ra đời của ĐCS Pháp. Về thời điểm chính thức ra đời của ĐCS Pháp, cho đến nay còn những ý kiến khác nhau. Nhưng điều có thể khẳng định là tên “Đảng Cộng sản Pháp” chưa chính thức được công bố ngay sau khi Đại hội Tua bế mạc. Bản tuyên ngôn của Đại hội Tua vẫn ký tên ''Đảng Xã hội (Phân bộ Pháp của QTCS)”.
Bản tuyên ngôn của Đại hội Tua hiện được lưu giữ tại Kho lưu trữ quốc gia Pháp. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số đoạn trong Tuyên ngôn: “Chính là nước Pháp làm thuê, nước Pháp vùng lên chống chế độ tư bản, chế độ của chiến tranh và phá sản, chế độ của cướp đoạt, bóc lột và nô dịch, chính là tất cả nước Pháp chiến đấu đi với chúng ta; chính là nước Pháp ấy, phối hợp với các phân bộ Quốc tế cộng sản, sẽ bảo vệ hoà bình, quyền dân tộc và cách mạng bị bọn đế quốc đe dọa. Bọn chúng che giấu lợi ích giai cấp sau tấm bình phong quốc phòng...''.
''Hãy làm cho Đảng trở nên vĩ đại; hãy làm cho Đảng mạnh lên và có kỷ luật... Hãy làm cho Đảng, một khi tham gia Quốc tế (cộng sản), vùng đứng lên sau cuộc cách mạng lần thứ nhất của các cuộc đại cách mạng xã hội, sẽ xứng đáng với quá khứ của mình, xứng đáng với Ba bơp (Baboeuf), xứng đáng với những chiến sĩ tháng sáu 1848, xứng đáng với Công xã Pari, xứng đáng với Giô rex (Jaurès), xứng đáng với tương lai huy hoàng đang hiện ra trước mắt chúng ta!”.
Tuyên ngôn kêu gọi các đảng viên xã hội Pháp hãy coi đây là “mệnh lệnh tối cao của những người vô sản Pháp” và kết thúc bằng hai khẩu hiệu:
“- Chủ nghĩa xã hội cách mạng Pháp muôn năm!”
“- Quốc tế cộng sản muôn năm!”.
(Theo Nguyễn Phan Quang, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 9/2004)