Đánh giá về ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh, cô Lan Chi cho biết tư tưởng của Người không chỉ khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là nguồn động lực mạnh mẽ trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trước đây, mà còn có giá trị bền vững, lâu dài đối với sự nghiệp đổi mới, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.
Cô Lan Chi nhấn mạnh, việc Việt Nam đang tiến hành công cuộc xây dựng và phát triển toàn diện đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" là sự tiếp tục con đường cách mạng độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Phó Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du cho biết bản thân cô luôn nêu cao tinh thần yêu nước, có ý chí vươn lên trong lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cô cũng luôn cố gắng truyền giảng để giúp học trò hiểu và nhận thức sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước và luôn hướng về Tổ quốc; Hiểu được ý nghĩa của việc gắn bó, cố kết cộng đồng và luôn tự hào về lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Đánh giá về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và ở Lào nói riêng, cô Lan Chi cho biết là người có 14 năm sinh sống tại Lào, cô nhận thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách phù hợp, đúng đắn và nhất quán về người Việt Nam ở nước ngoài. Cô khẳng định các chính sách quan tâm đến bà con kiều bào ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc kết nối kiều bào với đồng bào trong nước. Cụ thể, Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội chính thức thông qua vào tháng 1 không chỉ tạo điều kiện cho Việt kiều có nhu cầu có thể trở về nước sở hữu tài sản, mà còn tránh được những bất cập như trước đây khi muốn sở hữu đất trong nước. Chính sách này đã làm bà con kiều bào ở nước ngoài ngày càng tin tưởng vào đường lối chính sách, cũng như sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du, bên cạnh các chính sách quan tâm đến bà con kiều bào ở nước ngoài, các hoạt động thường niên nhằm kết nối bà con với đất nước của Đảng và Nhà nước như Chương trình Xuân Quê hương; Đoàn kiều bào thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; Chương trình Trại hè Việt Nam,… cũng góp phần làm tăng thêm sự kết nối giữa kiều bào với đồng bào trong nước, khiến người Việt Nam dù ở bất cứ đâu trên thế giới đều hướng về nguồn cội, hướng về quê hương, đất nước.
Chia sẻ về tình cảm của bản thân cũng như của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với quê hương đất nước, cô Lan Chi nhấn mạnh, đối với người Việt Nam ở nước ngoài, có lẽ sau lá cờ Tổ quốc thì Bác Hồ chính là hình ảnh thân thương, thiêng liêng nhất của hai tiếng quê hương, đây là điều lý giải vì sao tại rất nhiều gia đình Việt Nam ở nước ngoài có lập ban thờ Bác Hồ.
Theo cô Lan Chi, vì tình yêu và sự kính trọng vô bờ với Bác, tại Lào, bà con kiều bào đã chung tay xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Khammuane, và cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, bà con từ nhiều tỉnh thành tại Lào lại có các hoạt động về nguồn, dâng hương tưởng niệm để ghi nhớ và tri ân công ơn Người. Tại trường Song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động để giúp các học sinh hiểu về thân thế, sự nghiệp, phong cách và đạo đức của Bác Hồ, qua đó khuyến khích học sinh học tập, làm theo những đức tính cao đẹp của Bác...
Cô chia sẻ, dù sinh sống ở nước ngoài, nhưng bản thân cô và bà con vẫn luôn dành nhiều tình cảm và luôn hướng về quê hương đất nước. Tại Lào, nhiều gia đình Việt kiều dù đã sinh sống ở Lào nhiều đời vẫn gìn giữ tốt phong tục, tiếng nói và chữ viết dân tộc. Mỗi khi bà con ở quê hương gặp phải thiên tai, hoạn nạn, bản thân cô và kiều bào ở Lào luôn hướng về Tổ quốc bằng những đóng góp thiết thực.../.