Nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Tư tưởng về trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang soi đường                      cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập
Tư tưởng về trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang soi đường cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập

Tư tưởng “tìm người tài đức”

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Ngày 04/10/1945, Người đã viết bài “Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”. Bài viết có đoạn nhấn mạnh: “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”(1). Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc. Qua bài báo này, Người chỉ rõ: “Nay muốn giữ vững nền độc lập chúng ta phải đem hết lòng hăng hái vào kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”(2). Người kêu gọi: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến…, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì thực hành ngay”(3). Tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được nhấn mạnh trong bài viết “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc, nội dung có đoạn: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”(4). Tư tưởng coi trọng con người vừa có đức, vừa có tài trong việc lựa chọn để trọng dụng nhân tài trong những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như ngọn lửa thắp sáng niềm tin cho mọi người dân Việt Nam.

Giống như “chiếu cầu hiền” của các bậc minh quân ở triều đại phong kiến tiến bộ nước ta trong lịch sử, khi trong thành phần Chính phủ, ngoài Việt Minh còn có nhiều trí thức tên tuổi tham gia Quốc hội, có nhiều đại biểu không đảng phái, thậm chí đảng phái không theo Việt Minh và cả những đảng phái Việt quốc, Việt cách, nhưng họ là người có tài, những trí thức lớn tiêu biểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng cả những quan chức cấp cao của triều đình Huế, của Chính phủ Trần Trọng Kim như các cụ Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; các chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Cao Triệu Phát; các thủ lĩnh dân tộc như Vi Văn Định, “vua Mèo”… đã cho thấy tư tưởng trọng dụng người tài, thực hiện đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng Việt Nam của Người. Do có quan điểm đúng đắn về trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng.

Nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, sự kiện nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và giao quyền Chủ tịch nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị thể hiện tài năng, nghệ thuật trong phép dụng nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước đây, Huỳnh Thúc Kháng chỉ biết Việt Nam có hai nhà “đại ái quốc” là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ được biết thêm một lãnh tụ kiệt xuất, đó là Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng chủ trương cùng một lúc đánh đổ cả ngai vàng phong kiến và ách xâm lược của thực dân. Vì thế, mặc dù đã ở tuổi 70, lại vốn không có nhiều cảm tình với cộng sản từ trước, nhưng với tấm lòng vì dân, vì nước, vì sự kính nể và trước nhiệt tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ và có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn trứng nước này.

Trước dã tâm của thực dân Pháp muốn quay trở lại xâm lược và áp bức nhân dân ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải sử dụng nhiều phương cách khác nhau để giữ gìn nền độc lập non trẻ. Người đã phải thực hiện chuyến công du sang Pháp lâu nhất trong lịch sử các chính khách trên thế giới. Trước ngày lên đường, Người đã ký Sắc lệnh số 82 ngày 29/5/1946 ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch Chính phủ trong thời gian Người đi vắng. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh đã không quản tuổi cao, cống hiến hết sức mình cho dân, cho nước, tích cực tham gia vào các hoạt động quan trọng của Chính phủ. Cụ cũng đã chỉ đạo đổi mới tổ chức và phương thức làm việc của Bộ Nội vụ, ban hành nhiều nghị định, thông tư, hướng dẫn để hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền cách mạng. Với lập trường kiên định, thái độ kiên quyết trong việc đấu tranh với âm mưu chống phá sự nghiệp kiến quốc của các đảng phái phản động, Cụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự trông đợi của nhân dân.

Vấn đề đặt ra là, tại sao không phải là người khác được tin tưởng giao giữ những vị trí quan trọng bậc nhất này mà lại là cụ Huỳnh Thúc Kháng?

Thứ nhất, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng cụ Huỳnh giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ chính là hành động “so bó đũa chọn cột cờ”. Trong số những nhân sĩ, trí thức lớn lúc bấy giờ thì cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là người đức cao vọng trọng, tài năng uyên bác hơn người. Chính cuộc đời và hoạt động của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nói lên điều đó. Năm 1900, Huỳnh Thúc Kháng đi thi hương và đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu), nổi tiếng ở kinh thành Huế. Năm 1904, Huỳnh Thúc Kháng đỗ tiến sĩ nhưng không chịu ra làm quan mà cùng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp lãnh đạo phong trào Duy Tân. Năm 1908 Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt giam, sau đó bị đày ra Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921). Năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, nhưng Cụ đã từ chức sau đó do những đòi hỏi, đấu tranh nghị trường của mình không được thực dân Pháp đáp ứng. Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng lập ra báo Tiếng Dân, làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo này ở Huế cho đến khi báo bị đình bản năm 1943.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ là do giữa hai Cụ tuy có sự khác biệt về phương pháp, cách thức đấu tranh cách mạng, nhưng lại có những điểm tương đồng về lý tưởng cách mạng, đều là những người có lòng yêu nước thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập tự do đến cháy bỏng. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thổ lộ rằng, Cụ đã từng rất nhiều năm “ôm ấp độc lập, tự do”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(5). Sự tương đồng, khát vọng về lý tưởng cách mạng đó đã khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh có lòng tin tuyệt đối và quyết mời bằng được cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia vào Chính phủ cách mạng.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ là do hoàn cảnh đất nước đang rất cần một người hiền tài có tâm, có tầm, yêu nước mà không phải là cộng sản để có thể quản lý, lãnh đạo Chính phủ và làm trung tâm đoàn kết được đông đảo các tầng lớp, giai cấp, đảng phái và các lực lượng xã hội vào khối đại đoàn kết chung của dân tộc. Theo thỏa thuận ngày 23/12/1945 giữa Việt Minh và các đảng đối lập cùng tham gia xây dựng Chính phủ kháng chiến thì người đứng đầu hai bộ quan trọng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng phải là nhân sĩ trung lập. Nhưng, tại sao lại không phải là một nhân sĩ trung lập nào khác được trọng dụng mà lại là cụ Huỳnh Thúc Kháng? Với nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, khôn khéo và nhạy cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mời cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Trung Bộ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước thuộc hàng tiền bối, là bậc đại khoa có danh vọng và uy tín lớn lao. “Việc cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa giúp cho Chính phủ có thêm một nhân sĩ tài năng, đức độ, do đó củng cố thêm sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, và uy tín của Chính phủ được tăng thêm”(6). Tuy không có sự thỏa thuận, ràng buộc nào giữa Việt Minh với các đảng phái trong việc ủy nhiệm người giữ chức quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi vắng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy không thể giao trách nhiệm quyền Chủ tịch Chính phủ cho một bộ trưởng nào khác vì sẽ không đoàn kết được các lực lượng xã hội mà có thể còn tạo cơ hội cho các thế lực chống phá cách mạng ra sức công kích; bởi các thế lực này cho rằng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ cộng sản. Ngoài cụ Huỳnh, cũng không thể giao chính quyền cho người của lực lượng phản động Việt quốc, Việt cách, bởi làm như vậy chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”.

Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt đúng chỗ. Suốt thời gian Người đi Pháp, ở trong nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã luôn giữ vững phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong giải quyết các công việc quốc nội, giữ yên được thế phát triển của cách mạng trong lúc hiểm nghèo, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động. Trước việc một số phần tử của Việt Nam Quốc dân đảng dựa thế quân Tưởng gây ra các vụ tống tiền, bắt cóc, ám sát… ở số 7, phố Ôn Như Hầu, Hà Nội (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), cụ Huỳnh trên cương vị Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký lệnh cho công an và tự vệ Thủ đô phải thi hành phép nước, đưa vụ này ra ánh sáng và diệt trừ bọn phản động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng thống nhất và sự điều hành của Chính phủ mà người lãnh đạo cao nhất là cụ Huỳnh Thúc Kháng, đã giải quyết được mối đoàn kết chung, kiên quyết tiêu diệt bọn phản động, không phải chỉ vụ án ở phố Ôn Như Hầu mà tiêu diệt toàn bộ quân đội của Việt quốc, Việt cách từ Vĩnh Yên cho đến Yên Bái, Lào Cai. Sau này, nhiều người đã tìm cách công kích, nói với Huỳnh Thúc Kháng rằng Cụ đã bị cộng sản “che mắt” trong vụ án Ôn Như Hầu. Nhưng bằng cái tâm “bất biến”, tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng, Cụ đã không mảy may bận tâm tới những lời công kích đó.

Với tầm nhìn sâu, rộng, sáng suốt, cộng với bản lĩnh và trách nhiệm cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ bộ vào ngày 06/3/1946 với sự chứng kiến của nhiều đại diện từ các quốc gia: Mỹ, Anh, Trung Hoa… Nhiều người đã vin sự kiện này mà vu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ bán nước, phản bội cách mạng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giải thích cho mọi người rằng: “Hội đồng Chính phủ không bán nước! Nói cho hết lẽ thì dông dài lắm, tôi xin tuyên bố vắn tắt với anh em rằng đó chẳng qua là một nước cờ của Hồ Chủ tịch với cả Pháp lẫn Tưởng Giới Thạch. Hồ Chủ tịch là tay cao cờ. Tôi chắc chắn và anh em cứ đinh ninh rồi đây thế nào rồi cũng thắng thế”(7).

Càng về sau, niềm tin của cụ Huỳnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được củng cố và chứng minh là đúng đắn, sáng suốt. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã phải thốt lên rằng: “Rõ ràng là khi ký Hiệp định Sơ bộ, Cụ đã đẩy được một lần hai cái hiểm họa là quân đội Tàu đói khát, thâm độc và bọn phản động tay sai của chúng, đồng thời lại phân tán được lực lượng của quân Pháp trước khi khai chiến. Điều này Hồ Chủ tịch thấy trước mà bây giờ chúng ta mới thấy. Ký Tạm ước 14/9 với Bộ trưởng hải ngoại Pháp lại là một đòn chính trị thật cao, đặt nước Việt Nam lên ngang hàng với nước Pháp trên trường quốc tế”(8).

Trong “Lời tuyên bố với quốc dân sau khi từ Pháp về” ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ niềm tin tưởng và cảm ơn tới cụ Huỳnh: “Trong khi tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”(9).

Như vậy, qua trường hợp trọng dụng cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ kế thừa truyền thống coi trọng nhân tài của dân tộc, mà đã nâng tầm lên thành đỉnh cao của “nghệ thuật” hay “phương sách” dùng người, là yếu tố góp phần quan trọng làm nên sự thành công của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề bồi dưỡng, sử dụng, phát triển nhân tài lại càng trở thành khâu quan trọng, có tính chất quyết định sự thành công của các chiến lược kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài chính là “chiếc chìa khóa vàng”, bài học vô giá để chúng ta có những chủ trương, chính sách đúng, trúng và hiệu quả trong công tác cán bộ hiện nay./.

Nguyễn Xuân Trung, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Hoàng Lâm - Tạp chí Tổ chức nhà nước

Nguồn http://tcnn.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website