Điểm tựa y tế của người dân vùng cao

Bác sĩ Làu Nhục Sáng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) cùng các nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân về dịch sốt xuất huyết.

Mặc dù cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hạn chế, song công tác y tế tại những vùng khó khăn của Quảng Ninh luôn được quan tâm, với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, qua đó người dân bất kể là ai, sống ở đâu và có điều kiện kinh tế ra sao đều được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần.

Quảng Lâm là xã vùng cao của huyện Đầm Hà, có 740 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 98%, nhận thức của bà con bị hạn chế do bất đồng ngôn ngữ. Hiểu về đặc thù của xã, các cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Quảng Lâm đã không quản ngại ngày đêm, đường xa khó đi, tận tụy giúp bà con nơi đây hiểu biết về sự nguy hiểm của dịch bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao sức khỏe bản thân và gia đình.

Với vai trò là tuyến đầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các cán bộ, nhân viên của Trạm Y tế xã Quảng Lâm đã và đang không ngừng nỗ lực, làm tốt nhiệm vụ của tuyến y tế cơ sở, gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản. Mỗi nội dung thông báo về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe đều được cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã dịch từ tiếng phổ thông ra tiếng Dao và phát trên loa bằng cả 2 thứ tiếng, để bà con không biết tiếng phổ thông vẫn có thể hiểu được.

Với địa bàn dàn trải, không tập trung, có nhiều nhóm hộ gia đình ở xa khu dân cư, hoặc thường xuyên vắng nhà, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Quảng Lâm thường đến tận nhà để tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, đưa trẻ đi tiêm chủng phòng chống bệnh tật đầy đủ và đúng lịch.

Chị Chìu Kim Kiều, cán bộ truyền thông Trạm Y tế xã Quảng Lâm, cho biết: Người dân nơi đây ít để ý đến công tác phòng dịch, do đó chúng tôi thường đến tận nhà để tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng và chống dịch. Nhiều người không nghe và nói được tiếng phổ thông, nên cán bộ y tế phải học tiếng địa phương để tuyên truyền cho hiệu quả. Việc học tiếng địa phương và dịch các hướng dẫn ra tiếng địa phương mất rất nhiều thời gian, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm và cần mẫn thực hiện.

"Nhờ có các y, bác sĩ nên chúng tôi được tiếp cận với các thông tin về dịch bệnh thường xuyên. Được hướng dẫn thực hiện phòng chống bệnh, tiêm chủng đầy đủ theo thông báo, chúng tôi đều làm theo vì thấy tốt cho bản thân mình" - chị Xíu A Xủi (xã Quảng Lâm) cho biết.

 Bác sĩ CKI Đỗ Xuân Cầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu & Chống độc (Trung tâm Y tế huyện Hải Hà) thăm khám cho bệnh nhân.

Để giảm bớt sự khó khăn, tốn kém cho người bệnh khi phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, y bác sĩ tuyến huyện luôn quyết tâm học tập, trau dồi những kỹ thuật cao nhằm đáp ứng được với các ca bệnh khó, bệnh nặng. Vừa qua, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tập thể cán bộ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hải Hà đã triển khai thường quy được nhiều kỹ thuật cao, đặc biệt là kỹ thuật tiêu huyết khối cứu sống kịp thời nhiều bệnh nhân tắc mạch máu não.

Bác sĩ CKI Đỗ Xuân Cầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu & Chống độc (Trung tâm Y tế huyện Hải Hà) cho biết: Do đặc điểm địa hình của huyện bị chia cắt mạnh, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi xa trung tâm, nên việc cấp cứu kịp thời những bệnh nhân nặng tại địa phương là rất quan trọng. Với vai trò là khoa chịu trách nhiệm về hồi sức cấp cứu, chúng tôi luôn xác định phải cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện được các kỹ thuật cao của tuyến trên ngay tại trung tâm để phục vụ tốt nhất việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website