Thơ chúc Tết và những tiên tri của Bác Hồ trước lúc Xuân sang

 Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ đã có 22 bài thơ chúc Tết (Ảnh: Tư liệu).

Bài thơ chúc Tết đầu tiên Người viết vào Xuân năm 1942 tại núi rừng Việt Bắc, khi đó Bác dự báo: “Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi/ Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:/ Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong !/ Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi !/Chúc đồng bào ta đoàn kết mau !/ Chúc Việt Minh ta càng tấn tới/  Chúc toàn quốc ta trong nǎm này/ Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!/ Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang/ Cách mệnh thành công khắp thế giới”. Cũng năm này, lần đầu tiên Bác nói về “cờ đỏ sao vàng” trong thơ chúc Tết: “Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!/ Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang”.

Trước đó, trong Hội nghị Trung ương 8 tháng 2-1941, do Người chủ trì họp ở Việt Bắc, Bác đã tiên tri: Cần phải thay đổi chiến lược trong đó thành lập ngay Mặt trận Việt Minh, và từ chỗ chỉ mỗi chống thực dân Pháp, Người đã chỉ rõ có phát-xít Nhật sẽ vào cai trị tiếp thực dân Pháp. Tháng 2-1942, trong bài thơ “Lịch sử nước ta” viết trên Báo Việt Nam Độc Lập, Bác dự báo thời cơ: “Bây giờ Pháp mất nước rồi/ Không đủ sức, không đủ người trị ta/ Giặc Nhật Bản thì mới qua/ Cái nền thống trị chưa ra mối mành/ Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh/ Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà/ Ấy là nhịp tốt cho ta/ Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”. Kết thúc phần viết bài “Nên học Sử ta” trên báo này, Người tiên đoán “1945 Việt Nam độc lập” và tiên đoán này thành sự thật, khi nổ ra Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Năm 1946 dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với khó khăn, trở ngại chồng chất, song Người đặt niềm tin trong bài thơ chúc Tết:“Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào”. Sau đó, Xuân Giáp Ngọ năm 1954, Bác đặt ra nhiệm vụ cho toàn quân, toàn dân ta trong lời thơ chúc Tết: “Quân và dân ta nhất trí kết đoàn/ Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công/ Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông/ Nǎm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần kể lại, tháng 4-1954 khi sang từ biệt Bác để đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ, Người nói với Thủ tướng sẽ có món quà lớn tặng đoàn đại biểu ta. Đúng như thế, sau 1 tháng, ngày 7-5-1954 đại thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ đã kết thúc cho cuộc xâm lăng của thực dân Pháp tại Việt Nam suốt gần 1 thế kỷ.

Lời thơ chúc Tết xuân Giáp Ngọ của Bác như lời dự báo mà đã trở thành hiện thực với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sau Tết mấy tháng. Rồi sau đó đến ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc nước ta. Bài thơ chúc Tết tiếp theo vào năm 1956, rồi Xuân Canh Tý 1960, Người luôn khẳng định một niềm tin là quân và dân ta sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ, đất nước sẽ thống nhất, độc lập, tự do. Mùa xuân Bính Thân 1956, Bác nhắc nhở đồng bào, chiến sỹ cả nước với 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thơ chúc Tết Xuân Canh Tý 1960, Người viết: “Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh!/ Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!/ Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua/ Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa/ Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh/ Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ/ Cả nước một lòng, hǎng hái tiến lên/ Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!”.

Thơ chúc Tết Xuân Bính Ngọ 1966, Người chúc tình nghĩa Bắc - Nam luôn đoàn kết một lòng để thắng kẻ thù xâm lược. Sang Xuân 1966, quân và dân miền Nam có nhiều chiến thắng lớn trên chiến trường. Khi cuối năm Người đã nắm tình hình qua Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đoàn từ miền Nam ra, chuẩn bị đón Tết về Bác mừng quân - dân miền 2 miền bài thơ: “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Pley Me, Đà Nẵng/ Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng/ Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng/ Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng/ Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng/ Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong/ Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng”.

Năm 1968, là mùa Xuân của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 mà Người và Trung ương Đảng đang chỉ đạo - mùa xuân báo hiệu ngày thắng lợi đang đến gần cho 2 miền Nam Bắc sum họp một nhà, Bác chúc tin thắng trận Tết Mậu Thân 1968: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”.

Vần thơ ngắn gọn, ai cũng dễ như về lời chúc của Bác chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968, ta nghe như khúc khải hoàn ca của quân và dân ta, sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tất cả các đô thị miền Nam đều đã nổi dậy và lập nhiều chiến công.

Bài thơ cuối cùng - Chúc Tết Kỷ Dậu 1969, Người lại dự báo một sự thần kỳ của dân tộc ta tất sẽ đến: Nǎm qua thắng lợi vẻ vang/ Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.

Chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng với toàn dân tộc ta. Khi ra đi, Người đã để lại Di chúc và động viên toàn Đảng, toàn dân ta anh dũng đấu tranh, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam. Lời tiên đoán của Xuân Kỷ Dậu 1969, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” để có “Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn” sau đó thành hiện thực.

Trong cuộc đời của Người, những tiên đoán trước về những sự kiện trọng đại của đất nước luôn được Người khẳng định sẽ đi tới để các cấp, các ngành có sự dự phòng. Như mùa Xuân năm 1962, khi Người cho mời Thượng tướng Phùng Thế Tài, Tư lệnh Phòng không - Không quân đến căn dặn sớm muộn gì thì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh phá miền Bắc, nhất là Thủ đô Hà Nội. Tháng 2-1962, khi Người cho mời lên, Bác hỏi Thượng tướng Phùng Thế Tài: “Chú đã nghe gì về B52 chưa”? Đến cuối 1967, đầu năm 1968 Người chỉ thị Tư lệnh Phùng Thế Tài: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua, phải dự kiến trước mọi tình huống mà suy nghĩ, chuẩn bị trước. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Lời tiên đoán này trước đó cả 5 năm, song đó là sự nhìn nhận thật chính xác để

Quân đội ta và nhất là Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân có sự chuẩn bị cho cuộc tập kích 12 ngày đêm. Lời tiên đoán của Người đã như một điều cảnh báo mà cả dân tộc ta không thể không chú ý, khi ta dám đánh Mỹ và thắng đế quốc Mỹ ngay trên bầu trời Thủ đô Hà Nội vào những cuối năm 1972.

Và như lời Chúci Tết cuối cùng năm Kỷ Dậu 1969 của Người: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào/ Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn” đã thành hiện thực sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết ngày 27-1-1973 “Đánh cho Mỹ cút” để cho phép dân tộc ta tiếp tục “đánh cho ngụy nhào” vào ngày 30-4-1975. Mốc son chói lọi ngày 30-4-1975 đã thỏa lòng mong ước của Người tiên đoán trước đó với toàn dân tộc ta, để đi vào ngày toàn thắng vĩ đại, đóng góp lớn cho nhân loại về sự chấm dứt chủ nghĩa thực dân mới trên toàn cầu.

 

Phạm Bá Nhiễu

Theo http://www.xaydungdang.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website