Vị tướng nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”

 

Gặp Thiếu tướng Nguyễn Quang Phát trong phòng làm việc, khi vừa nghe tôi xưng hô “Thủ trưởng”, vị Phó chính ủy tươi cười bảo, cứ gọi mình là “Thầy” cho ngắn gọn và đúng với bản chất nghề giáo đã chọn. Cử chỉ nhã nhặn đó của thầy Phát khiến tôi cảm thấy ấm lòng, thoải mái hơn khi ngồi trò chuyện với một vị tướng. Tôi thưa với thầy rằng, trước khi gặp thầy, tôi có nghe nhiều cán bộ, giảng viên, học viên, cán bộ quản lý ở Học viện Chính trị cho biết, ở vị trí nào thầy Phát cũng làm tròn chức trách, nhiệm vụ và để lại dấu ấn. Với các học viên, thầy có những bài giảng hay trên lớp. Với các nghiên cứu sinh và học viên cao học, thầy là người hướng dẫn tận tụy, trách nhiệm, sắc sảo. Với các cán bộ quản lý cấp dưới, thầy là một tấm gương lãnh đạo, chỉ huy mẫu mực. Với đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, thầy là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Học viện Chính trị làm việc rất nguyên tắc nhưng công tâm, trong sáng. “Để có những lời ghi nhận đó, theo thầy, bí quyết là gì ạ?”, tôi hỏi. Thầy Phát chia sẻ: “Có bí quyết gì đâu. Tôi vẫn tự răn mình, theo nghiệp nhà giáo thì phải bền bỉ tự tu dưỡng, rèn luyện để giữ được tư cách của một người thầy. Vì đối với tôi, chữ “thầy” thiêng liêng, cao cả lắm!”.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Quang Phát động viên các nữ giảng viên, nhân viên của
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Quang Phát động viên các nữ giảng viên, nhân viên của 

Học viện Chính trị trong buổi thi cắm hoa nghệ thuật nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-2017).

Ảnh: Đức Giang

Gắn bó với Học viện Chính trị từ năm 1989, thầy Phát đã có nhiều năm đứng trên bục giảng. Với thầy, mỗi giờ đứng trên lớp là một niềm vui, niềm say mê bởi theo thầy, người giảng viên không chỉ là người truyền đạt tri thức mà còn là người thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho mỗi học viên không ngừng tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ, bổ ích từ kho tàng tri thức của dân tộc và nhân loại. Đối với các học viên về học tại Học viện Chính trị có đặc điểm chung đều là những sĩ quan trưởng thành từ cơ sở, đã được đào tạo cơ bản ở cấp phân đội, có kinh nghiệm sống và công tác, do đó, thầy Phát cho rằng, muốn làm chủ được bài giảng và thuyết phục được học viên thì giảng viên phải có trình độ chuyên môn cao, lượng kiến thức phong phú và biết cập nhật thông tin mới, đồng thời có năng lực sư phạm tốt, phương pháp giảng bài phù hợp với từng đối tượng học viên. “Người giảng viên chỉ nói đúng, nói tốt thôi chưa đủ, mà cần lựa chọn ngôn ngữ, cử chỉ, âm điệu, ngữ điệu làm sao cho phù hợp với từng bài giảng, tiết giảng để học viên không cảm thấy đơn điệu, nhàm chán”. Sau khi khẳng định như vậy, thầy Phát có nhắc lại lời dạy của Bác Hồ rằng, thế giới luôn vận động, biến đổi, thì người cách mạng không bao giờ được phép thỏa mãn dừng lại, vì thỏa mãn dừng lại là thất bại. Đối với đội ngũ nhà giáo càng phải thấm nhuần lời chỉ dẫn của Bác. Nhất là trong thời đại văn minh trí tuệ hiện nay, khi tri thức tăng tốc với cấp độ số nhân, thì những người làm công tác giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đại học càng phải ham đọc, ham học, ham tìm tòi nghiên cứu, cập nhật tri thức mới để không ngừng bổ sung, làm giàu kiến thức cho mình.

Thầy Phát kể, có lần sau một bài giảng cho Lớp cán bộ bổ túc A (lớp học lý luận chính trị cao cấp) ở Học viện Chính trị, thầy không bằng lòng với mình vì cảm thấy nội dung bài giảng chưa được như ý muốn. Chả là tối đó thầy về đọc một cuốn sách mới có nhiều thông tin hay, thầy bảo giá như đọc trước cuốn sách này một vài ngày thì chắc chắn bài giảng sẽ có nhiều thông tin thú vị, mới mẻ hơn, được học viên thích thú hơn. Thầy Phát tâm sự: “Tôi có một phương châm sống là “Sáng nghĩ cách làm hay, tối soát ngay điều sửa”. Cái gì hay, tốt thì gắng phát huy, cái gì làm chưa được, làm chưa đến nơi đến chốn thì gắng phải sửa chữa ngay để không lặp lại lần sau. Tôi luôn tự răn mình và thường nói với anh em đồng nghiệp, đồng đội trong Học viện rằng, mỗi ngày gắng làm một việc tốt thì cả năm sẽ có 365 ngày tốt, từ đó cũng hạn chế được những việc dở trong con người và công việc của mình. Đây là việc học tấm gương đạo đức Bác Hồ một cách thiết thực, hiệu quả nhất”.

Nhân nói việc học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, thầy Phát bồi hồi kể lại kỷ niệm cách đây 23 năm, thầy là một trong ba giảng viên đầu tiên được điều về công tác tại Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh khi khoa này thành lập vào ngày 5-10-1994. Đại hội VII (năm 1991) chính thức khẳng định, cùng với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của Đảng và cách mạng Việt Nam. Do vậy, việc ra đời Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh của Học viện Chính trị là đòi hỏi, yêu cầu cấp bách trong công tác giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị cấp trung sư đoàn và giảng viên khoa học xã hội nhân văn trong quân đội vào thời điểm đó. Vượt qua bao khó khăn trong những ngày đầu thành lập Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, thầy Phát cùng với các thầy trong khoa đã tập trung trí lực tìm đọc, nghiên cứu hàng chục cuốn tài liệu, tác phẩm của Hồ Chí Minh để sau đúng 1 năm, 9 công trình chuyên đề đầu tiên về tư tưởng Hồ Chí Minh được nghiệm thu tại học viện. Đây cũng là cẩm nang làm cơ sở giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên trong các học viện, nhà trường quân đội từ năm 1995. “Là một trong số ít giảng viên đầu tiên của Học viện Chính trị được nghiên cứu, viết chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh là một niềm hạnh phúc trong cuộc đời nhà giáo của tôi. Thế nên, tôi có được vị trí, công danh như hôm nay cũng nhờ Bác đấy, em ạ!”. Thầy Phát xúc động nói thế vì tôi biết, năm 2001, thầy đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh” tại Học viện Chính trị.

Sau nhiều năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh, thầy Phát nói với tôi rằng, Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta có Bác Hồ là một “hồng phúc đặc biệt”. Vì vậy, trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là phải giữ cho được “hồng phúc đặc biệt” ấy bằng cách thiết thực hưởng ứng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác, làm cho tinh thần Hồ Chí Minh trường tồn bất tử cùng dân tộc ta. “Với tôi giờ đây và mãi mãi về sau luôn thấm nhuần lời Bác dạy về đạo làm tướng là phải giữ trọn 5 đức tính: “Nhân, Trí, Dũng, Liêm, Trung”. Giữ được 5 đức tính cao đẹp đó cũng là giữ được tư cách chân chính của người thầy”, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phát bộc bạch.

Đến nay, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Quang Phát đã hướng dẫn được 10 tiến sĩ, 35 thạc sĩ về chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Chỉ tính 4 năm qua (2013-2016), Thiếu tướng Nguyễn Quang Phát đã tham gia 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, chủ nhiệm 1 đề tài cấp bộ, chủ nhiệm 1 đề tài trọng điểm cấp học viện. Ba năm liên tục (2014-2016), ngoài 3 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phát liên tục được bình bầu là Chiến sĩ Thi đua cơ sở.

Thiện Văn

Theo Báo Quân đội nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website