Không ngừng đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Ảnh: Tư liệu

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Ảnh: Tư liệu

89 năm về trước, đất nước bị đắm chìm trong đêm trường tăm tối, nô lệ và lầm than bởi ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, triều đình phong kiến thối nát. Tức nước vỡ bờ, phong trào đấu tranh của các sĩ phu yêu nước đã liên tiếp nổi dậy nhưng những “làn sóng” ấy đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu một phương pháp đấu tranh thích hợp và nhất là chưa có một tổ chức lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh lịch sử đó, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) trải qua 9 năm bôn ba “Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể/Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang đi tìm” và nhận ra con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam tất yếu là con đường cách mạng vô sản. Đó là khi Người bắt gặp dòng ánh sáng tỏa từ “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” (gọi tắt là Sơ thảo luận cương) của V.I.Lênin đăng trên Báo Nhân Đạo (ngày 16 và 17/7/1920). Sơ thảo luận cương đã tạo nên sự kiện bước ngoặt đối với Nguyễn Ái Quốc: “Kìa mặt trời Nga bừng chói ở Phương Đông/Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt/Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc/Sao vàng bay theo liềm búa công nông/Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin/Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười/”… (Người đi tìm hình của nước - thơ Chế Lan Viên).

Để biến mục tiêu, lý tưởng cách mạng thành hiện thực, vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu là sớm lập ra Đảng Cộng sản, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì theo Người, cách mạng: “Trước hết phải có đảng cách mệnh”. Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Người vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu học tập, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập một Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam. Theo Người việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân. Người còn nêu quan điểm cực kỳ quan trọng: Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.

Cùng với việc truyền bá lý luận chính trị để chuẩn bị cho sự ra đời của một chính Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công chuẩn bị về mặt tổ chức đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) tiến tới thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Qua quá trình chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, chính trị và tổ chức, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hong Kong, Trung Quốc. Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giữ vai trò là kiến tạo và sáng lập. Đây chính là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.

Gần 9 thập niên từ ngày có Đảng dưới sự dìu dắt và đi theo hệ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã vùng lên đánh đuổi ngoại xâm, lật đổ chế độ phong kiến cai trị hàng ngàn năm, giành độc lập dân tộc, thu non sông về một dải, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh, chỉ đạo cho ngang tầm thời cuộc. Đặc biệt hơn ba mươi năm đổi mới vừa qua là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Sự nghiệp đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thời gian qua, mặc dù thế lực thù địch trong và ngoài nước điên cuồng xuyên tạc, phủ nhận lý tưởng cách mạng cũng như chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và ra rả lu loa, rêu rao “đổi trắng thay đen” thành quả, bước tiến vượt bậc của đất nước trong lộ trình phát triển, hội nhập thế giới, song thành quả hơn 30 năm đổi mới đã hiển hiện chứng minh: Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển... Diện mạo đất nước và đời sống của Nhân dân thay đổi tích cực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh...

Có được những thành tựu to lớn ấy là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích và nguyện vọng của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện. Đảng nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời nhạy bén, sáng tạo, kịp thời đưa ra những chủ trương, quyết sách phù hợp cho từng giai đoạn cách mạng, khi tình hình thế giới và trong nước thay đổi.

Từ những thành tựu của 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy đảng, các địa phương, đơn vị cần vận dụng linh hoạt, phù hợp thực tiễn những bài học kinh nghiệm quý giá để tiếp tục triển khai thực hiện tốt, hiệu quả và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thành hiện thực sinh động.

Trước hết là bài học về “chủ động” và “sáng tạo”. Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Quá trình đổi mới, bên cạnh những cơ hội, luôn xuất hiện những vấn đề mới, những khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Nhân dân phải chủ động, không ngừng sáng tạo.

Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh ngày nay là sự nghiệp vô cùng khó khăn, phức tạp và lâu dài, nhưng đó là con đường hợp quy luật để có một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự nghiệp cách mạng đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta phải kiên định, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đổi mới nhưng không “đổi màu”, không thoát ly chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới phải trên cơ sở nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng phát triển sáng tạo học thuyết, tư tưởng đó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, làm cơ sở phương pháp luận quan trọng nhất để phân tích tình hình, hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới. Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.

Một bài học quan trọng nữa là phải thường xuyên chăm lo “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”. Theo đó, tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt. Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới. Sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng được bắt nguồn và nhân lên từ sức mạnh của Nhân dân. Củng cố, bồi dưỡng quan hệ mật thiết giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, là vấn đề trọng đại, cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng Việt Nam.

Lan Hồ

Theo http://baolamdong.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website