Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị
Theo đó, các cơ quan, đơn vị khối hành chính Nhà nước đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực; xây dựng các chuẩn mực đạo đức công vụ, thực hiện văn hóa công sở, chấp hành nghiêm thời gian làm việc; quy định rõ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị...
Điều đáng quan tâm, qua việc học tập đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và chuyển biến thành hành động: cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên không ngừng nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ đó chuyển biến tích cực trong công tác, sinh hoạt, rèn luyện đạo đức, lối sống...
Đó là sự chuyển biến rõ rệt trong vai trò, phong cách của người đứng đầu các cấp, của cán bộ, công chức trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc của hệ thống các cơ quan chính quyền trong tỉnh, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng; góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm, dự án lớn… Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị được nâng cao. Các cấp chính quyền luôn gần dân, sát dân, luôn quan tâm lắng nghe ý kiến, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân, điều đó được thể hiện qua việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển ổn định; văn hóa xã hội, giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống Nhân dân tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Giai đoạn năm 2015-2020, phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; đời sống của người dân được nâng lên, mức sống ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người từ 45,2 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 71,2 triệu đồng/người/năm (năm 2020); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 6,67% năm 2015 giảm còn 1,35% năm 2020, bình quân giai đoạn giảm 1,0%/năm…; nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc ở cơ sở đã được chỉ đạo giải quyết dứt điểm như: tình trạng di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc, đòi về làng cũ, lấn chiếm đất rừng, khiếu nại, tố cáo,…; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.
Việc giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp từng bước được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn luôn đạt trên 98%, thủ tục hành chính được công khai, minh bạch; nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Việc giải thể, sắp xếp, sáp nhập, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực, từ 831 đơn vị năm 2015 sáp nhập còn 757 đơn vị, giảm 74 đơn vị (tương ứng giảm 8,9%). Tiến hành sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã của 3 huyện (giảm được 5 xã) hiện còn 142 đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp, sáp nhập 318 thôn, tổ dân phố thành 153 thôn, tổ dân phố và đổi tên 12 thôn (giảm 165 thôn, tổ dân phố). Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng biên chế công chức và người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện đảm bảo đúng theo quy định. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã đạt mục tiêu giảm 10% biên chế so với năm 2015.
Trong những năm qua, UBND các cấp đã tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Tính đến nay, đã có 101 xã, 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Đặc biệt, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó với dịch bệnh COVID-19, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 4 khâu đột phá, đó là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm...; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số;...; Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội...; Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại,… gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Để thực hiện thắng lợi 4 khâu đột phá trên, các cấp chính quyền trong tỉnh đóng vai trò quan trọng trong điều hành, tổ chức thực hiện. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh các phong trào thi đua, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
HỒNG VĨNH
Theo http://baolamdong.vn