Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã chủ động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện với nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, lựa chọn những nội dung đột phá đúng, trúng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo sự lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện.
Đồng chí Cầm Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phù Yên, cho biết: Xác định việc học và làm theo Bác là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định 2 nội dung đột phá, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, gồm: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Phù Yên.
Căn cứ nội dung đột phá lựa chọn, các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa các TTHC theo thẩm quyền. Kiểm tra và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đồng thời nâng cao tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC tại UBND các xã, thị trấn. Chỉ đạo giải quyết 100% hồ sơ TTHC trên phần mềm một cửa điện tử, hiện 26/27 xã, thị trấn thường xuyên cập nhật hồ sơ TTHC (tăng 14 xã so với năm 2021). Trong năm 2022, huyện Phù Yên đã giải quyết tổng số 115.533 hồ sơ TTHC, trong đó, 99,7% hồ sơ giải quyết đúng và sớm trước hạn. Tập trung xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, 100% các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã được kết nối liên thông và triển khai sử dụng có hiệu quả hệ thống Quản lý văn bản và điều hành. Tỷ lệ ký số cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 40%. UBND huyện cung cấp 189 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, mức độ sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc của cán bộ công chức, viên chức cấp huyện đạt 100%, cấp xã, thị trấn đạt 60%...
Đối với nội dung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giảm dần diện tích cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp, chuyển sang cây ăn quả, cây công nghiệp, rau, củ an toàn. Khai thác tiềm năng, lợi thế của 4 tiểu vùng kinh tế: Tại các xã vùng Mường, hình thành vùng cây ăn quả, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa; thị trấn Phù Yên và các xã vùng Huy, tập trung thâm canh lúa nước theo hướng canh tác hữu cơ; các xã vùng lòng hồ sông Đà thành lập các HTX nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả; các xã vùng cao, trồng rừng, bảo vệ rừng, khai hoang ruộng nước, phát triển chăn nuôi đại gia súc... Nhờ vậy, đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều đồi đất trống, bạc màu nay được phủ xanh bằng những đồi cây ăn quả.
Hiện nay, toàn huyện có hơn 2.500 ha cây ăn quả các loại, sản lượng bình quân đạt hơn 12.000 tấn quả/năm. Toàn huyện duy trì hơn 7.300 m2 nhà màng tại các HTX để trồng cà chua, dâu tây, dưa lưới, bí xanh, các loại rau xanh. Năm qua, huyện mở rộng thêm 177 ha trồng lúa hữu cơ, nâng tổng diện tích trồng lúa hữu cơ trên địa bàn đạt 520 ha. Càng phấn khởi hơn khi gạo hữu cơ Phù Yên được đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, nhật ký điện tử, cấp giấy chứng nhận chuyển đổi hữu cơ, được khách hàng tin dùng, mang lại một hướng đi mới hiệu quả trên vựa lúa Mường Tấc...
Cũng trong năm 2022, sản phẩm dưa lưới (dưa Hoàng Kim) của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc trồng áp dụng hoàn toàn theo công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với hơn 1.300 m2 nhà màng trồng dưa lưới, sau 2 vụ thu hoạch hơn 5 tấn quả, doanh thu đạt 300 triệu đồng. Ông Phạm Văn Ba, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, thông tin: HTX có 2 ha rau, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài sản phẩm dưa lưới, HTX còn trồng các loại rau, bí xanh, dưa chuột... Cùng với đó, HTX liên kết với gần 50 hộ nông dân các xã Huy Tân, Suối Bau, Kim Bon và Mường Thải, trồng 40 ha rau màu... Trong năm qua, HTX sản xuất, bao tiêu sản phẩm của các hộ liên kết hơn 200 tấn rau, củ, quả và tiêu thụ qua chợ đầu mối, một số siêu thị tại Hà Nội, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng tại địa phương: Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; không ngừng cải tiến kỹ thuật, thâm canh tăng vụ; nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Có nhiều mô hình tiêu biểu, đạt hiệu quả cao, như: Trồng chuối tiêu hồng tại bản Cải, xã Mường Bang; trồng chuối xuất khẩu tại HTX Tân Thịnh Phát, xã Huy Tân; trồng măng sặt và trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ trên đất dốc của đoàn viên Lường Tiến Thành, Bí thư chi đoàn bản Mo Nghè 2, xã Quang Huy; chăn nuôi bò sinh sản của gia đình ông Phàng A Lầu, bản Suối Vạch, xã Kim Bon; Quỹ ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THPT Tân Lang...
Học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với những nội dung đột phá đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, xây dựng Phù Yên ngày càng giàu đẹp.
Việt Anh
Theo https://baosonla.org.vn