Năm 1957, Bác Hồ và Chính phủ về Hà Nội đã được hai cái Tết. Mấy Tết trước đó, các cụ cao tuổi trong làng đào Nhật Tân vẫn chưa thực hiện được ước vọng của bà con trong làng là kính tặng Bác Hồ một cành đào đẹp, vừa có thể nói thay tấm lòng của người dân Hà Nội, vừa biểu thị lòng tôn trọng sự thanh cao, chí thiện của người nhận.
|
Chân dung Bác Hồ |
Sợ Bác bận nhiều việc nên năm ấy các cụ đã nhờ ủy ban xã có giấy lên thưa trước với Bác. Trong khi chờ đợi thư về, các cụ ai cũng tin chắc là Bác sẽ vui lòng nhận món quà Tết dân dã đó nên các cụ đã đi khắp bốn thôn trong xã để chọn ra một cây trong số hàng ngàn cây đào. Thế nào là cây đẹp? Sau nhiều lần bàn bạc các cụ đã thống nhất chọn cây đào hội đủ các tiêu chuẩn sau: Đốt thẳng, gốc tre, tán tròn mâm xôi, sai nụ, to hoa, dăm (cành) nhỏ đều và màu phơn phớt bích. Chọn mãi, hết vườn này sang vườn khác, mãi mấy ngày liền, cuối cùng, các cụ tạm ưng ý lấy cây đào nhà cụ Trần Văn Bất ở thôn Đông. Việc vui không ngờ, lại được biết để dâng tặng Bác Hồ nên cụ Bất cứ xuýt xoa, cảm ơn các cụ mãi. Sáng ngày 28 tháng Chạp năm Bính Thân, ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tự cùng các cụ Chu Văn Thường, Trần Văn Liên, Nguyễn Văn Tịch, Nguyễn Văn Ruộng, Nguyễn Văn Thục, Nguyễn Thị Chúc, Chu Thị Bảy, Nguyễn Thị Cẩn và Chu Văn Tuế thay mặt cụ Trần Văn Bất mang theo cây đào vào Phủ Chủ tịch. Cây đào đã được đánh cả gốc, chằng buộc cẩn thận, hạn chế tối đa không để gãy cành làm rụng hoa. Trên tán mâm xôi có một băng lụa đỏ nổi bật dòng chữ vàng: “Nhân dân lao động xã Nhật Tân kính tặng Hồ Chủ tịch”. Cây đào được đặt trang trọng giữa phòng khách. Nhìn cây đào đẹp, đặt nơi đây dường như lại đẹp thêm nên các cụ rất hài lòng và hồi hộp chờ đợi. Cánh cửa phòng bên mở và Bác Hồ tươi cười bước ra. Bác mời các cụ xơi nước, Người hỏi thăm sức khỏe và đời sống của bà con trong xã. Ông chủ tịch xã Nguyễn Văn Tự thay mặt các cụ thưa với Bác rằng, nhờ có trạm y tế quận giúp đỡ, bà con biết giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh nên sức khỏe rất tốt. Năm vừa qua, không còn cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối, toàn dân đều được ăn no, mặc ấm, các cháu đến tuổi đều được cắp sách tới trường. Bác lại hỏi về tình hình ăn Tết 2 năm qua ra sao. Ông Tự đáp lời:
- Thưa Bác, năm kia nhân dân ăn Tết rất phấn khởi vì là Tết đầu tiên miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Năm nay ăn Tết còn to hơn, cả xã chung đụng nhau thịt 12 con trâu bò, không kể lợn, gà, ngan, ngỗng. Tưởng Bác khen, nào ngờ Bác trách:
- Chú là Chủ tịch xã mà thịt thật nhiều trâu bò như thế, mai kia hết trâu bò cày thì làm thế nào, chú kéo cày thay à?. Ông Tự lúng túng, mặt tái xanh. Chắc là Bác “giận thì giận mà thương thì thương”, nên hỏi sang chuyện khác:
- Thế còn bánh chưng chú chuẩn bị thế nào?
- Thưa Bác, năm nay mỗi nhân khẩu trung bình có bốn cái.
- Chú lo Tết như thế là tốt. Nhưng phải lưu ý tiết kiệm vì ta còn nghèo, đất nước vừa trải qua chiến tranh, còn nhiều việc phải làm. Rồi Bác lại hỏi:
- Vụ vừa qua, xã ta thu hoạch khá không? Chuẩn bị vụ chiêm xuân tới đâu rồi?
- Dạ, thu hoạch vụ mùa tốt, đã gieo xong mạ, cũng đã cày vặn rạ… Ông Tự nghĩ bụng nếu Bác hỏi tiếp mãi thì biết lúc nào mà “vào đề” được! Nhân lúc Bác mời các cụ uống nước, ông Tự “tranh thủ” đứng lên:
- Thưa Bác… Năm… mới… Bác khẽ vỗ vai Chủ tịch xã, ra hiệu ngồi xuống rồi hỏi:
- Cây đào này đã trồng được mấy năm? Tuy là Chủ tịch xã, nhưng nhà ông Tự lại không trồng đào nên lúng túng, Chủ tịch xã thưa: - Dạ, các cụ trong xã trồng từ ngày giải phóng Thủ đô. Bác nhẩm tính:
- 3 năm, đã 3 năm, sao không cho tôi một cành thôi; còn để lại gốc sang năm có hoa nữa mà chơi chứ; đánh cả gốc thì còn đâu cho năm tới? Một cụ đỡ lời cho Chủ tịch xã:
- Dạ thưa, cây đào lớn đẹp, dâng tặng Bác cả gốc mới được lâu…
Bác nói:
- Xin cảm ơn các cụ và đồng chí Chủ tịch đã thay mặt đồng bào Nhật Tân đem tặng tôi cây đào đẹp để tôi vui Tết. Nhưng năm sau các cụ không phải đem đào tặng tôi nữa. Tôi sẽ tự trồng cây đào này để mỗi năm đều có hoa đào ngày Tết. Nói đoạn, Bác lấy 10 tờ thiệp hồng “Chúc mừng năm mới” có chữ ký “Hồ Chí Minh” đưa cho ông Tự rồi dặn dò:
- Chú mang về tặng các cụ cao tuổi nhất trong xã hộ Bác. Ra về, các cụ trầm ngâm không được vui. Lạ thật, vừa gặp Bác Hồ mà sao lại thế? Một cụ lẩm bẩm:
- Phải giữ lấy gốc cây đào…, giữ lấy gốc. Chủ tịch Tự lại trách mình:
- Thế là Tết sau không có cơ hội lên chúc Tết Bác rồi… Nhưng Tết năm ấy và các Tết sau, ở làng Nhật Tân ven Hồ Tây, quanh nồi bánh chưng, nhân dân vẫn truyền tụng nhau một câu chuyện cổ tích về việc Cụ Hồ dặn phải giữ lấy gốc cây đào, phải giữ lấy gốc…
Thế mà, đến ngày nay, đất trồng đào Nhật Tân phần lớn đã biến thành chung cư cao cấp do người ngoại quốc điều hành, quản lý. Các cụ làng đào Nhật Tân năm xưa đều đã theo Bác Hồ; nếu biết chuyện này, chắc các cụ buồn, buồn lắm!...
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan
Theo http://nongnghiep.vn