(HCM.VN) - Về tổ dân phố 13, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội hỏi đến trang trại trồng cam canh của anh Lê Đình Tiếp không ai là không biết. Với quy mô hơn 4 ha, được phân thành từng khu với nhiều loại quả như cam canh, ổi, nhãn… mỗi năm gia đình anh Tiếp thu về trên 2 tỷ đồng.
|
Anh Lê Đình Tiếp chia sẻ về cách chăm sóc 800 gốc ổi tại trang trại. (Ảnh: HM) |
Nhìn trang trại rộng hơn 4ha được quy hoạch thành từng vùng, với từng loại cây cụ thể, ít ai biết để có được thành quả như ngày hôm nay, vợ chồng anh Tiếp đã phải đầu tư nhiều tiền bạc, công sức để biến hơn 4ha đất hoang hóa vốn là khu lò gạch cũ thành đất trồng cây ăn quả cho thu nhập cao như hiện nay.
Năm 2007, sau nhiều ngày suy nghĩ, anh Tiếp quyết định bỏ nghề buôn lợn thịt để về làm trang trại. Đi tìm hiểu tại nhiều nơi, tham khảo ý kiến của nhiều người, anh quyết định lựa chọn cây cam canh làm hướng phát triển kinh tế.
Anh cho biết: Ngày ấy, cả vùng đất hoang hóa này được xã cho các hộ thuê làm lò gạch, đất đá ngổn ngang, cỏ dại mọc quá đầu… Nhiều người dân không tin anh có thể làm giàu ở vùng đất cằn này. Với suy nghĩ “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, ngay sau khi được xã đồng ý cho thuê đất, anh Tiếp đã đầu tư hơn 2 tỷ để thuê máy ủi, máy xúc đổ đất cải tạo đất.
Sự hỗ trợ của phường Đồng Mai trong việc cho các hộ nông dân đi tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn quả tại nhiều địa phương đã giúp anh vững tin hơn vào con đường mình lựa chọn. Dù vậy, những năm đầu tiên việc phát triển của cây cam không được như ý do kỹ thuật chăm sóc chưa đúng. Anh đã thuê chuyên gia về tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam canh. Những cây không đảm bảo chất lượng, anh loại bỏ và thay thế, nhờ đó đến năm thứ 3 vườn cam của anh Tiếp bắt đầu cho trái. Năm 2009, gia đình anh thu hoạch được 10 tấn cam, thu về hơn 1 tỷ đồng. Đất không phụ công người, những năm tiếp sau, sản lượng cam gia đình anh thu được nhiều hơn năm trước. Với giá bán tại vườn 70.000/1kg, mỗi vụ anh Tiếp thu về gần 2 tỷ đồng.
Không chỉ trồng cam, anh phân đất thành các khu trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện trang trại của anh có 2ha trồng 800 gốc ổi cho trái quanh năm, mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định; 10.000 cây cam canh; 200 gốc nhãn… Ngoài ra anh còn trồng thêm một số loại như táo, mít thái… Anh cho biết, năm 2017, từ bán các loại hoa quả anh thu về trên 2 tỷ đồng. Không chỉ trồng cam và các loại cây ăn quả, anh Tiếp còn đầu tư 2ha ươm cây giống, mỗi năm anh bán 7 vạn cây giống cho người dân ở Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang… Hiện trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và việc làm ổn định cho 5 lao động với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng.
|
Lao động đang làm cỏ, xới đất cho cam canh tại trang trại của anh Tiếp. (Ảnh: HM) |
Không chỉ chịu khó học hỏi, làm giàu cho gia đình mình, là hội viên Hội Nông dân phường Ðồng Mai, anh Tiếp còn tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động như: Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; phong trào Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới… Bản thân anh thường xuyên phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc cam canh, bưởi Diễn cho nhiều hộ nông dân ở trong vùng. Bên cạnh đó, anh còn giúp từ 3 đến 5 hộ nghèo vay vốn đầu tư sản xuất (không lấy lãi) để thoát nghèo và hằng năm, đều đặn đóng góp hàng chục triệu đồng vào Quỹ "Vì người nghèo", Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa", Quỹ "Hỗ trợ nông dân" của địa phương.
Với những đóng góp của mình, anh Tiếp vinh dự nhận nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành. 3 năm (2009, 2010, 2012) anh Lê Ðình Tiếp đạt danh hiệu Hộ nông dân giỏi cấp huyện (quận). Năm 2011, anh Tiếp được UBND quận Hà Ðông tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt cấp quận. Năm 2015, anh Tiếp là một trong những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen.
Anh Tiếp cho biết: Thời gian tới, ngoài việc phát triển trồng cây ăn quả của trang trại, anh có ý định đầu tư khoa học kỹ thuật vào một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội./.
Hoàng Mẫn