Khoảng 22 quốc gia ở khắp các châu lục đã dựng nhiều tượng đài và công trình để tưởng niệm thành tựu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng đài Hồ Chí Minh tại thủ đô Havana, Cuba, được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2003.
Kiến trúc sư Cuba Yoel Diaz Gutieres là người thiết kế tượng đài. "Đất nước và nhân dân Việt Nam luôn nằm trong trái tim của những người dân Cuba chúng tôi. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm nên tượng đài này", ông từng chia sẻ.
Tượng đài được đặt trong Công viên Hòa bình. Cuba ngày 20/4 tổ chức lễ đổi tên công viên Hòa bình thành Công viên Hồ Chí Minh, nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức nước này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ đổi tên công viên Hòa bình thành công viên Hồ Chí Minh tại thủ đô Havana, Cuba chiều 20/4.
"Chứng kiến giây phút công viên Hòa bình được đổi tên thành công viên Hồ Chí Minh, dấu mốc mang tính biểu tượng về tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba, tự đáy lòng mình, chúng tôi xin bày tỏ sự xúc động và biết ơn chân thành đối với tình cảm và tấm lòng của nhân dân Cuba anh em", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ.
Công viên cũng gắn biển cung cấp thông tin về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quan chức ngoại giao Việt Nam và đại diện chính quyền thủ đô Mexico City, Mexico đặt hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Công viên Tự do các Dân tộc ngày 22/5/2015.
Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc bên bộ bàn ghế mây được khánh thành tháng 1/2009 tại công viên ở thủ đô Mexico City. Trên bức tường đằng sau bức tượng có ghi dòng chữ vàng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" bằng tiếng Tây Ban Nha.
Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Pedro Ramírez Ponzanell, người nổi tiếng với các bức tượng được đặt ở nhiều địa điểm tại Mexico cũng như trên khắp thế giới.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp được khánh thành vào năm 2005. Bức tượng bán thân làm bằng đồng, cao hai mét, có ghi dòng chữ "Vị anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa Việt Nam", được đặt ở công viên Montreau, thành phố Montreuil, ngoại ô thủ đô Paris.
Trong lễ khánh thành tượng đài, thị trưởng thành phố Montreuil Jean Pierre Brard lúc bấy giờ nói rằng bức tượng là một cách thể hiện tình cảm của người dân thành phố cũng như nhân dân Pháp dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông mô tả Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đấu tranh cho các dân tộc bị áp bức, nô lệ trên thế giới, đồng thời khẳng định đây sẽ là biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia.
Tượng đài Hồ Chí Minh ở thủ đô Moskva, Nga, được đặt tại quảng trường cùng tên tại quận Akademichesky. Công trình được khánh thành vào ngày 18/5/1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng đài khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang mỉm cười, cùng hình tượng chàng trai Việt Nam ở tư thế chuẩn bị bật dậy. Phía dưới tượng đài có ghi dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Tác giả của tượng đài là nhà điêu khắc Vladimir Yefimovich Tsigal và kiến trúc sư Roman Grigoryevich Kananin. Nhà điêu khắc Tsigal đã đến thăm Việt Nam năm 1985 để tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dự án mình.
Theo ông, "vòng tròn là hình tượng Mặt Trời, thể hiện mơ ước về một Việt Nam với tương lai tươi sáng" và hình ảnh hai cây tre bên dưới bắt nguồn từ hiểu biết của ông về loại cây đặc trưng này của Việt Nam. "Cây tre có thể bị uốn cong nhưng khó bị bẻ gãy, giống như ý chí và sức mạnh Việt Nam".
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xuất hiện ở một số địa danh khác của Nga như thành phố Ulianovsk, quê hương của Lenin, Saint Petersburg hay Vladivostok.
Trong ảnh là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại quảng trường cùng tên ở thành phố Ulianovsk.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Zalaegerszeg, cách thủ đô Budapest, Hungary, khoảng 240 km về phía tây.
Bức tượng do nhà điêu khắc nổi tiếng Hungary Marton László thực hiện vào năm 1976. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông László thể hiện một cách dung dị, gần gũi, cùng câu nói nổi tiếng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" được khắc phía sau.
Bức tượng đã đoạt giải của Bộ Văn hóa Hungary vào năm 1977 và trở thành một phần văn hóa của thành phố Zalaegerszeg.
Tháng 5/2008, nhân dịp kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, chính phủ Singapore đã khánh thành bia tưởng niệm tại khuôn viên Bảo tàng Văn minh châu Á.
Đến tháng 9/2011, Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore, đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thống nhất đặt thêm bức tượng đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh bia tưởng niệm.
Bức tượng bán thân được đúc bằng đồng, cao 0,55 m, ngang 0,36 m. Mặt trước văn bia là thông tin song ngữ Anh - Việt giới thiệu ngắn gọn về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt sau tấm bia tưởng niệm bên cạnh bức tượng có khắc bài thơ "Nghe tiếng giã gạo" nằm trong tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng Vang, xã Xiềng Mương, huyện Noong Bốc, tỉnh Khamuane, Lào, được xây dựng bên dòng sông Mekong. Nơi đây đang lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật trong quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào.
Công trình rộng khoảng 1,6 ha, hoàn thành vào năm 2012 với nhiều hạng mục, từ gian thờ được xây dựng theo thiết kế và bản vẽ của Việt Nam, nhà trưng bày tư liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh xây theo kiến trúc Lào. Trong khu lưu niệm còn có nhà đón khách, nhà tưởng niệm, khuôn viên cây cảnh, ao cá.
Gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh bên trong khu lưu niệm tại bản Xiềng Vang, tỉnh Khamuane, Lào.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Công viên ASEAN, Manila, Philippines. Tượng đài được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines vào tháng 10/2011.
Hiện có khoảng 35 công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 22 quốc gia ở khắp các châu lục.
Ảnh: TTXVN, hochiminharts.com, chinhphu.vn
Theo https://vnexpress.net