Phú Thọ: Xây cơ nghiệp trên đất khó

Ông Đinh Hòa Bình chăm sóc vườn thanh long mới trồng thử nghiệm

Hơn 5 năm trước, chứng kiến vợ chồng anh Bùi Văn Giang đầu tư cả tỷ đồng mở đường, cải tạo đồi hoang trồng cây ăn quả, đấu thầu khu đầm trồng sen, nuôi cá ở khu 9, xã Phượng Mao (nay là khu 14, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ),  nhiều người trong làng lắc đầu ái ngại trước hành động dại dột, liều lĩnh đánh bạc với giời như thế rồi công sức, tiền của cũng đổ sông, đổ bể cả… Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, dèm pha, anh Giang cùng vợ huy động thêm vốn từ anh em bạn bè để thuê người làm, tranh thủ thời gian rảnh rỗi cần mẫn phát cỏ, làm đất, chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường. Trời không phụ công người, trên khu đất hoang hóa giờ đã hình thành trang trại kinh tế tổng hợp bước đầu mang hiệu quả kinh tế khả quan, hơn thế nữa, không gian xanh, môi trường sinh thái của mô hình kinh tế phát triển theo hướng bền vững đang từng bước hình thành khiến ai đến thăm cũng trầm trồ thán phục…

 

Hồ sen gần 10ha của gia đình anh Bùi Văn Giang.

Đầu mùa, gần chục ha sen bắt đầu trổ nụ, bung hoa. Trong những ngày nắng nóng cao điểm, khu đồi mướt mát cây ăn quả đang tuổi sinh trưởng mạnh của gia đình anh vẫn lồng lộng gió, ngát hương sen thanh khiết. Với diện tích gần 10ha, mỗi vụ sen cho thu hoạch khoảng 300 triệu đồng. Cùng với đó là nguồn thu không nhỏ từ các loại cá: Trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính… lưu niên trong hồ. Đồi hoang trước đây toàn cỏ dại, dây leo đã được cải tạo thành vườn cây ăn quả với gần 2ha mít, bưởi, bơ, na… Lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa tái đầu tư, vợ chồng anh duy trì đàn vịt trời khoảng 1.000 con, đàn gà, ngan 200-300 con mỗi lứa. Hữu xạ tự nhiên hương, nông phẩm an toàn, có chất lượng hơn hẳn các khu nuôi nhốt tập trung khác của gia đình anh được các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống trong vùng và cả những gia đình sành ăn dưới Hà Nội tìm đến đặt mua. Anh Giang chia sẻ: “Là cán bộ, đảng viên, tôi luôn tâm niệm phải tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động. Thực hiện Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi rất tâm đắc với lời dạy của Người về thi đua yêu nước từ những công việc hàng ngày, phát triển lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình”. Không chỉ là mô hình kinh tế hiệu quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nỗ lực lao động, quyết tâm theo đuổi mục tiêu làm giàu của đảng viên Bùi Văn Giang được đông đảo người dân trong vùng nể phục, học tập làm theo.

 Ông Đinh Công Thực kiểm tra đàn ong mật.

Cùng chung quan điểm đảng viên cần phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, thiết thực làm theo lời Bác thi đua từ những công việc hàng ngày, bước sang tuổi 57, ông  Đinh Công Thực ở  khu 8, xã Tu Vũ (trước đây là khu 5, xã Yến Mao, huyện Thanh Thủy) vẫn dành phần lớn thời gian hàng ngày lao động trên đồi rừng, nêu gương sáng về nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế gia đình. Từng được rèn luyện trong quân ngũ, làm thủ lĩnh đoàn thanh niên của xã, ông Thực luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, xốc vác đảm nhiệm những công việc khó khăn gian khổ. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, UBND xã triển khai chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân nhưng không mấy hộ dám nhận do phần lớn diện tích được giao là đất hoang hóa, đồi trọc trơ sỏi gan gà. Là Bí thư đoàn xã, sẵn sức vóc cường tráng, tinh thần dám nghĩ dám làm, ông Thực xung phong nhận 14ha và bắt tay vào phát hoang, cải tạo đất rồi học hỏi kỹ thuật trồng cây nguyên liệu. Hơn 30 năm trôi qua, gần 5 chu kỳ cây keo, bạch đàn nối tiếp đã mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định hàng năm. Cùng với đó, ông đã lặn lội đi nhiều nơi học hỏi mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương rồi mạnh dạn đầu tư nuôi lợn nái, dê, ong. Lúc cao điểm, trong vườn nhà ông luôn có 10 đầu lợn nái, hàng trăm con bò, dê và 50-70 đàn ong. Mỗi năm, trừ chi phí, các hoạt động sản xuất của gia đình ông cho nguồn thu ổn định khoảng 200 triệu đồng. Được người dân suy tôn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Thực bộc bạch: “Vinh dự là Bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác về tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, thi đua lao động sản xuất. Muốn nói bà con nghe thì không những mình thực hiện trước mà phải làm thật tốt để làm gương. Con nhà nông, quen lao động chân tay từ nhỏ, để làm giàu trên đất quê thì bắt buộc mình phải chịu khó học hỏi, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, tìm kiếm hướng trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả…”.

Sinh năm 1952 ở khu Vinh Quang, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, ông Đinh Hòa Bình là một trong số ít thanh niên địa phương thời điểm bấy giờ học hết lớp 9 (hệ 10 năm) trúng tuyển vào Trường Trung cấp Thủy lợi trên Bắc Thái đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta bước vào thời khắc cam go, ác liệt. Tháng 10/1970, ông Bình gác sách bút dùng máu viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đóng quân khắp các chiến trường ác liệt ở Tây Nguyên, sang nước bạn Cam Pu Chia rồi trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với đồng đội, ông Bình đã có nhiều thành tích xuất sắc được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, vinh dự được kết nạp Đảng trên chiến trường (năm 1972). Giải ngũ trở về địa phương, ông Bình được tín nhiệm bầu làm Bí thư đoàn thanh niên xã, Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã…, luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến người dân, tận tâm, trách nhiệm, gương mẫu trong công việc, ông đã để lại ấn tượng tốt về người cán bộ tận tụy, nỗ lực vì việc chung. Gắn bó với đất rừng Minh Đài, ông Bình luôn trăn trở với mong muốn gia đình và dân làng nhanh chóng thoát nghèo, làm giàu trên đất quê. Xác định tiềm năng, thế mạnh của địa phương là đất đồi rừng với cây trồng mũi nhọn là chè, nguyên liệu giấy và cây ăn quả, nhiều năm nay ông cùng chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác. Bước sang tuổi 69, sức khỏe không còn được như trước nhưng hàng ngày ông vẫn cần mẫn, nuôi lợn, chăm sóc đàn gà hàng trăm con, canh tác 1,2 ha chè, 6 sào ruộng cùng 0,4ha rừng trồng vầu lấy măng… Học tập gương lao động, phát triển kinh tế gia đình của ông, nhiều gia đình trong khu đã đầu tư, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trạng kết hợp trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu với chăn nuôi gia súc, gia cầm cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân của người dân khu Vinh Quang giờ đã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm…

Những việc làm thiết thực, cụ thể trong đời sống lao động sản xuất hàng ngày với tinh thần thi đua yêu nước, nỗ lực vượt khó phấn đấu xây dựng cuộc sống phồn thịnh, trù phú trên đất quê của những cán bộ, đảng viên như anh Bùi Văn Giang, ông Đinh Công Thực, ông Đinh Hòa Bình cùng rất nhiều tấm gương bình dị trên khắp các vùng quê đã và đang nêu gương sáng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tiếp thêm niềm tin, động lực cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng đông đảo người dân trên những vùng quê điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn khắc ghi lời dạy của Bác, tiếp tục phấn đấu, nỗ lực thi đua lao động sản xuất, hoàn thành mục tiêu lớn xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn…

Cẩm Ninh

Theo http://baophutho.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website