Lan tỏa những bông hoa đẹp trong rừng hoa ngàn việc tốt

Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2020); 109 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/ 5-6-2020); 72 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948/11-6-2020); 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 /21-6-2020) và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Báo QĐND ra số đầu tiên (20-10-1950/20-10-2020).

Đến dự lễ tổng kết, trao giải có các đồng chí: Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng; Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm TCCT đồng Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi; Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân; Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi; Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm TCCT; Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm TCCT; Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó Bí thư Đảng ủy, Phụ trách Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đồng Trưởng ban tổ chức, cùng các đồng chí trong Ban tổ chức cuộc thi; đại biểu ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội, cơ quan đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, TCCT…

  

Các đại biểu tham dự chương trình.

Ngời sáng tinh thần học tập và làm theo Bác

Liên khúc hát múa gồm các ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Bài ca Hồ Chí Minh” ,“Thi đua là yêu nước” qua phần thể hiện của tốp thiếu nhi Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Đình và các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã mở đầu Lễ tổng kết, Trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 11 năm 2019-2020 (gọi tắt là Cuộc thi viết) và Chương trình nghệ thuật “Noi theo gương sáng Bác Hồ”.

  

Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại chương trình.

Được tham dự chương trình, anh Bùi Đình Minh (ở quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Đây là lần thứ ba, tôi đến dự Lễ trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Mỗi lần tham dự đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp. Cuộc thi đã góp phần tôn vinh và nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt. Trong sự phát triển của xã hội hiện nay, rất cần tuyên truyền rộng rãi những tấm gương có việc làm nhân văn, góp phần nhân lên nhiều việc làm tốt trong cộng đồng”.

Đoạt giải Nhì với tác phẩm: “Người khắc họa vẻ đẹp của Bác Hồ qua những trang sách”, tác giả Phùng Trang cho biết: “Cuộc thi là một hoạt động vô cùng ý nghĩa và nhân văn. Bản thân tôi rất bất ngờ khi đoạt giải thưởng ở cuộc thi này. Là một người trẻ, kinh nghiệm làm báo chưa nhiều nên giải thưởng đã trở thành nguồn động lực để tôi phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa. Đặc biệt, trong quá trình tham dự cuộc thi, được đọc những tác phẩm, được tìm hiểu và biết về các tấm gương học tập và làm theo Bác Hồ đã giúp tôi càng thêm yêu quý, kính trọng vị Cha già của dân tộc. Qua cuộc thi, tôi tự nhủ, cần phải phấn đấu hơn nữa, học tập phương pháp làm báo của thế hệ đi trước cũng như rèn luyện bản lĩnh, tố chất của một người làm báo đúng với tinh thần “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Trong quá trình sáng tạo tác phẩm, tác giả Phùng Trang đã cố gắng tìm hiểu, đọc nhiều tác phẩm khác để tìm ra điểm nhìn, cách tiếp cận vấn đề ở khía cạnh mới. Thay vì viết vấn đề chung chung thì tác giả quan tâm nhiều hơn tới những chi tiết nhỏ, gần gũi, thân thuộc với đời sống hàng ngày của nhân vật.

  

Thượng tướng Võ Trọng Việt và Thượng tướng Trần Quang Phương

trao hoa và bằng chứng nhận tặng tác giả đoạt giải Nhất.

Cũng như 10 cuộc thi viết trước đó đã thành công tốt đẹp, thông qua cuộc thi, Ban tổ chức biểu dương, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm dự thi có chất lượng đã được chọn đăng trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân, tạo nên hiệu ứng dư luận tích cực, sự lan tỏa sâu rộng, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Được phát động từ tháng 5-2019, Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 11 với chủ đề “Noi theo gương sáng Bác Hồ” đã nhận được hàng trăm tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước, trong đó có 125 tác phẩm chất lượng đã đăng trên các ấn phẩm của Báo QĐND.

Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng giám khảo đã quyết định trao 16 giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 10 giải khuyến khích.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hoan nghênh và ghi nhận Báo QĐND nhiều năm qua đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó có việc tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” này.

“Tôi vui mừng được biết, trong số các tác phẩm tham dự cuộc thi và đoạt giải lần này, có nhiều tác phẩm viết về cán bộ, chiến sĩ Quân đội tiêu biểu trong tiến hành công tác dân vận, ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là những tấm gương tiêu biểu đi đầu trong cuộc chiến “giặc nội xâm”; phòng, chống đại dịch Covid-19, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, góp phần khắc họa sâu sắc hơn hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, Quân đội với nhân dân”, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng: Để việc học tập, làm theo Bác đạt hiệu quả cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nhận thức sâu sắc nội dung, giá trị to lớn, ý nghĩa thời sự của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan, đơn vị phối hợp cần tiếp tục tổ chức tốt cuộc thi giàu ý nghĩa này, phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục sáng tạo cách làm mới để tăng cường quảng bá thu hút đông đảo các cây viết chuyên và không chuyên tham gia hưởng ứng; đầu tư lao động báo chí, nâng cao chất lượng các tác phẩm; phản ánh đa dạng các lĩnh vực, các đối tượng, phát hiện những cá nhân, tập thể thật sự điển hình, có kinh nghiệm hay, mô hình mới, sáng tạo và hiệu quả, quảng bá sâu rộng hơn những tấm gương người tốt việc tốt; góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; cảnh báo, lên án những mặt xấu, hiện tượng tiêu cực.

Nhân lên những con người, việc làm cao quý

Trong chương trình, khán giả vô cùng ấn tượng khi xem các phóng sự ngắn kể về những con người, việc làm bình dị nhưng rất đỗi cao quý. Họ thật sự là những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo gương sáng Bác Hồ.

Mặc dù đã trải qua hàng chục lần tổng kết, trao giải, vinh danh các tác giả đoạt giải, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm việc tốt cùng các nhân vật, nhưng theo đông đảo khán giả, sức hút và sự lan tỏa từ Cuộc thi viết đối với xã hội vẫn rất lớn. Những việc làm tốt vốn đã nhận được sự trân trọng, cảm mến của mọi người, những việc làm thiết thực học tập và thực hành theo tư tưởng vĩ đại, đạo đức trong sáng và phong cách quần chúng của Bác Hồ kính yêu lại càng có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Cũng chính những hành động cao đẹp ấy đã tạo hiệu ứng dây chuyền, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của mỗi người, làm cho ai cũng thấy mình phải có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội, với cơ quan, đơn vị đang công tác. Rộng hơn là với quê hương, với cả dân tộc...

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ và Thượng tướng Đỗ Căn trao hoa và bằng chứng nhận tặng các tác giả đoạt giải Nhì.

Đó là những CCB vừa trở về với đời thường đã bắt tay vào công tác xã hội, hăng hái việc nước, việc làng, đau đáu đi tìm hài cốt đồng đội, bỏ ra hằng trăm tỷ đồng cưu mang, giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh. Đó là những cán bộ, công chức địa bàn vùng sâu, vùng xa nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân, tiên phong hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên tích cực làm việc thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhân dân trong khó khăn, hoạn nạn. Người xem cũng thêm trân trọng, cảm phục tấm gương những cán bộ Quân đội, Công an, không mảy may suy nghĩ, kịp thời trả lại hàng tỷ đồng cho người đánh rơi, giữ vững phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ và người chiến sĩ Công an nhân dân.

Tác phẩm “Người “từ chối” nói về mình” của tác giả Nguyễn Hồng Hải đoạt giải Nhất cuộc thi. Nhân vật được đề cập trong bài viết là PGS, TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (Học viện Quân y), người đã cùng tập thể đơn vị chạy đua từng giây, từng phút, “cấm trại”, “cố thủ” trong phòng thí nghiệm, “ăn ngủ cùng Covid-19”, miệt mài với những nghiên cứu, thử nghiệm, để cho ra đời bộ Kit nhận diện virus SARS-CoV-2 với độ chính xác tuyệt đối 100%, không chỉ đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước, mà còn nhận được sự tín nhiệm và đặt hàng của hơn 20 quốc gia trên thế giới. Gặp người “từ chối” nói về mình, PGS, TS Hồ Anh Sơn vẫn khiêm tốn: “Mình chỉ đóng góp một phần công sức trong đó. Thành tích ấy là công sức, trí tuệ, mồ hôi và nước mắt của cả tập thể đơn vị...”.

 

Các đồng chí: Lê Mạnh Hùng, Trung tướng Lê Hiền Vân, Hồ Quang Lợi,

trao hoa và bằng chứng nhận tặng các tác giả đoạt giải Ba.

Quá trình theo dõi các tác phẩm tham gia Cuộc thi viết lần thứ 11, có thể nhận thấy điểm chung là cả nhân vật lẫn người viết đều thể hiện việc học và thực hành theo gương Bác ở những việc rất đời thường. Mỗi người học Bác, noi theo gương Bác với một khía cạnh riêng, một đức tính, một việc làm cụ thể, thiết thực. Đại tá, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú là một người như thế. Anh đã dành gần 30 năm sự nghiệp để khắc hoạ tổng thể chân dung vị lãnh tụ qua từng trang văn. Với 11 đầu sách viết về Bác, đặc biệt là 5 cuốn chuyên luận nghiên cứu sâu về nhân cách kiệt xuất Hồ Chí Minh, anh luôn có lý do riêng cho niềm say mê của mình. Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú trải lòng: “Trong quá trình sáng tạo tác phẩm về Bác, tôi cố gắng đọc, tìm hiểu và nghiên cứu nhiều tác phẩm khác nhau để tìm ra cách tiếp cận vấn đề ở một khía cạnh mới. Thay vì khai thác những khía cạnh chung thì tôi quan tâm tới những chi tiết nhỏ, gần gũi, thân thuộc với đời sống nhưng mang ý nghĩa giản dị như chính con người của Bác”.

Là một ca sĩ đồng hành với Báo Quân đội nhân dân trong nhiều chương trình nghệ thuật, bày tỏ cảm xúc khi chọn ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” biểu diễn trong chương trình, ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ: Đây là một trong những ca khúc nổi tiếng viết về Bác Hồ, ngay tên của ca khúc đã mang nhiều cảm xúc. Điều đặc biệt trong ca khúc này là bài hát mang âm hưởng của nhạc dân gian, từ ca từ đến âm nhạc đều miêu tả rõ nét hình ảnh Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt hơn nữa là ca khúc được thể hiện trong chương trình nghệ thuật chủ đề “Noi theo gương sáng Bác Hồ”. Chương trình này cũng là dịp để tôi được đến gần hơn với công chúng của Báo Quân đội nhân dân cũng như khán giả cả nước bởi đây là một chương trình thường niên, đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng.

NSND Thái Bảo bộc bạch: "Ngày hôm nay, tôi rất vinh dự khi được tham gia chương trình của Báo Quân đội nhân dân. Tôi chọn ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng” để biểu diễn trong chương trình này bởi hôm nay chính là ngày Bác Hồ rời bến Nhà Rồng để ra đi tìm đường cứu nước. Bất kể lúc nào hát về Bác tôi đều xúc động nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt, lại được hát trong một chương trình mang ý nghĩa nhân văn thì lại càng để lại ấn tượng sâu sắc với tôi. Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” rất ý nghĩa bởi vì tôn vinh những tấm gương có những việc làm bình dị nhưng cao quý. Những việc làm của họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa người tốt, việc tốt để kính dâng lên Bác Hồ, Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

 

Tiết mục trong Chương trình nghệ thuật "Noi theo gương sáng Bác Hồ".

Sau lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết lần thứ 11, những con người tiêu biểu, mẫu mực được phản ánh trong các tác phẩm lại trở về với cuộc sống đời thường. Nhưng những đóng góp thiết thực của họ cho xã hội sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Thật vậy, chỉ có tình yêu thương, đức hy sinh vì người khác, vì cộng đồng mới giúp con người ta tiếp thêm sức mạnh, làm nên những điều giản dị mà phi thường. Hàng nghìn những tấm người tốt, việc tốt vẫn diễn ra xung quanh chúng ta mỗi ngày. Với họ, hạnh phúc là được cho đi, được sẻ chia, được cống hiến cho xã hội. Những tấm lòng thơm thảo đó đã góp thêm ngọn lửa mới cho phong trào thi đua yêu nước; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời tạo ra một khuynh hướng báo chí trong sáng, góp phần nhân lên niềm tin yêu cuộc sống...

 

Lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân và Nhà xuất bản QĐND trao hoa và

bằng chứng nhận tặng các tác giả đoạt giải khuyến khích.

Bằng những lời ca, tiếng hát, các nghệ sĩ mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc, tưởng nhớ Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với chùm ca khúc “Đi theo tiếng gọi Bác Hồ”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Người là niềm tin tất thắng” do tốp ca nữ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, NSND Thái Bảo, ca sĩ Minh Hải biểu diễn. Các ca khúc này khép lại chương trình Lễ Tổng kết  và trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 11 và Chương trình nghệ thuật “ Noi theo gương sáng Bác Hồ”, đồng thời  tiếp tục mở ra Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị  mà cao quý lần thứ 12". Qua cuộc thi này, sức sống của hàng nghìn “bông hoa bình dị mà cao quý” sẽ mãi mãi tỏa hương và lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp.

  

Các đại biểu tặng hoa các nghệ sĩ tham dự chương trình.

Đồng hành với chương trình còn có các doanh nghiệp: Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGas), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Giải Nhất thuộc về tác giả Nguyễn Hồng Hải, Báo QĐND,  với tác phẩm “Người "từ chối" nói về mình”; 2 giải Nhì gồm các tác phẩm: “Người khắc họa vẻ đẹp của Bác Hồ qua những trang sách” (tác giả Phùng Trang), “Trái tim vàng của lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công” (tác giả Hùng Khoa); 3 giải Ba gồm các tác phẩm: “Hành trình “thay máu” cho nông dân” (tác giả Chí Trung), “Nữ bác sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch Covid-19” (tác giả Thanh Kim Tùng), "Châu chấu đá xe" ở Canh Nậu" (tác giả Lê Duy Thành); cùng 10 giải khuyến khích. 

 

KHÁNH HUYỀN-VIỆT CƯỜNG (thực hiện)

Theo https://realsv.qdnd.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website