Học Bác lòng ta trong sáng hơn

Ông còn học tập, rèn luyện theo gương Bác từ mỗi việc làm nhỏ bé, hành động thiết thực, giúp ích cho quê hương, đất nước, trở thành tấm gương sáng cho con, cháu noi theo.

 

Sau những giờ đọc sách, tìm hiểu, nghiên cứu viết kịch,
ông Lê Hồng Hạt chăm sóc cây cảnh, tạo thêm thú vui tuổi già.

 Từ lần đầu gặp Bác

Như bao chàng trai trẻ yêu nước, hết lòng cống hiến cho công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, năm 1958, tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, ông Lê Hồng Hạt được điều về làm giáo viên Trường THCS Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Vào một ngày hè 6-4-1961, thầy giáo Hồng Hạt được gặp Bác Hồ trong lần Người về thăm xã Tân An (nay là thị trấn Tân An). Từng lời nói của Bác vẫn vẹn nguyên trong ký ức ông, để rồi suốt những năm tháng cống hiến làm việc, ông luôn hết mình vì lợi ích tập thể, lợi ích nhân dân. Ông kể: Buổi sáng hôm đó trời mưa nhỏ, Bác Hồ về thăm xã Tân An, khi ấy tôi làm Bí thư Đoàn Trường THCS Tân An được ra đón tiếp Bác. Trong bộ quần áo nâu giản dị, Bác hòa đồng cùng bà con nhân dân... Sau khi trò chuyện, Bác rảo bước đi và chỉ tay vào tôi nói: “Chú cho các cháu cất cao lời ca kết đoàn”. Chúng tôi vừa hát vừa nhìn theo dáng Bác…

Kể từ lần đầu tiên được gặp Bác, ông Lê Hồng Hạt luôn tâm niệm học theo phong cách, lối sống giản dị của Người, từ cử chỉ, lời nói phải luôn hòa đồng với bà con nhân dân. Trong suốt những năm công tác trong ngành giáo dục từ 1958-1970, ở nhiều cương vị khác nhau nhưng ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, bạn bè, đồng nghiệp yêu quý. Năm 1970, Lê Hồng Hạt chuyển công tác sang ngành Văn hóa, làm Trưởng phòng sáng tác văn học nghệ thuật (Sở Văn hóa, Thông tin Hà Bắc), Bí thư chi bộ của Hội VHNT tỉnh Hà Bắc. Từ đây, ông có thêm điều kiện để thực hiện niềm đam mê với sáng tác kịch bản.

Nhắc đến ông Lê Hồng Hạt, chắc hẳn nhiều người yêu nghệ thuật chèo sẽ không quên những vở kịch nổi tiếng của ông, trong đó vở kịch chèo đầu tay “Nổi lửa” đã giành giải Nhất cuộc thi sáng tác cho đề tài “Chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc” từ những năm 60 của thế kỷ XX. Từ thành công này, ông tiếp tục sáng tác nhiều vở được dàn dựng biểu diễn ở tỉnh Hà Bắc, phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam như: “Học sĩ Nguyễn Cao”, “Những đứa con oan nghiệt”, “Ngăn sóng lục đầu”, “Lửa làng Tranh”, “Người con của núi rừng”… Những vở kịch chèo của ông được Đoàn chèo Hà Bắc trước đây, các đội văn nghệ không chuyên dàn dựng tham gia các hội thi, hội diễn đều đạt giải thưởng cao, trong đó tiêu biểu có vở kịch chèo “Bông sen đỏ” tại hội diễn chèo tỉnh Bắc Ninh năm 2007 đạt Huy Chương Vàng. Vốn là một nhà giáo, song ông lại đắm mình với việc viết kịch sau khi sang công tác ở ngành Văn hóa. Ông luôn bám sát từng thời kỳ lịch sử quê hương, đất nước, lặn lội các xóm làng Bắc Ninh, đọc sách, báo tìm hiểu để tích lũy vốn sống. Các vở kịch của ông xoay quanh câu chuyện về những con người trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, cuộc sống gia đình, về danh nhân lịch sử… đậm chất hùng ca, giàu lòng yêu quê hương tha thiết và cũng đầy vị tha nhân ái.

Với nhà viết kịch Lê Hồng Hạt, sáng tác kịch như để trả nợ nghĩa, nợ đời, nợ quê hương. Theo ông để có được một vở kịch hay, thu hút khán giả thì nội dung phải là vấn đề được xã hội quan tâm, phái có cốt truyện hay, có sức sáng tạo, lời ca trong sáng, xây dựng tính cách nhân vật có chiều sâu… Cùng với việc sáng tác, bằng sự tâm huyết, trách nhiệm với quê hương, năm 2019, ông đã sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Phong thổ làng Dùng-Vùng đất văn hiến lịch sử” do Hội Nhà văn xuất bản với nội dung đầy đủ về vùng đất, con người làng Yên Đinh (có tên nôm là làng Dùng), nơi ông sinh ra và lớn lên.

Học Bác từ những việc làm ý nghĩa

Năm 1991 về nghỉ hưu nhà viết kịch Lê Hồng Hạt tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và tham gia ở nhiều cương vị, cống hiến cho quê hương. Ông được bầu làm Chi hội Trưởng Người cao tuổi thôn Yên Đinh từ 1990 đến 2005. Trong suốt quá trình làm Chi hội Trưởng NCT ông tập hợp được hội viên, tạo sự đoàn kết, nhất trí cao trong mọi hoạt động. Năm 1994, ông cùng với các hội viên Chi hội kêu gọi dân làng, con em quê hương xây dựng, tu bổ chùa làng tố hảo, khang trang, nhân dân phấn khởi khi có địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh.

Dù tuổi cao song ông vẫn tích cực tham gia nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực cho quê hương, nhưng phải kể đến việc ông nhận trông nghĩa trang liệt sĩ miễn phí cho địa phương từ 1997 đến năm 2017. Thời kỳ sửa chữa, xây dựng lại nghĩa trang, sớm tối ông không quản ngại nắng, mưa trông nom nguyên vật liệu, quán xuyến quét dọn. Ông bảo: Trông nom nghĩa trang là việc làm bình thường, không có gì to tát, chỉ là việc nhỏ giúp ích cho đời, cũng là thể hiện sự biết ơn sâu sắc của tôi với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho dân tộc được độc lập, tự do, hạnh phúc. Nhờ trông nghĩa trang tôi phát hiện và báo cho gia đình 1 liệt sĩ đón anh về nghĩa trang quê nhà ở xã Việt Hùng (Quế Võ).

Người dân Yên Đinh vẫn gọi ông là người “vác tù và hàng tổng”, bởi chỉ cần còn sức khỏe là ông cống hiến hết mình để xây dựng các phong trào, hoạt động của Chi Hội NCT thôn Yên Đinh. Với tình yêu nghệ thuật, ông xây dựng và phát triển CLB văn, thơ, CLB chèo Yên Đinh, tạo địa điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho lớp NCT được nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, giúp NCT sống vui, khỏe, có ích cho gia đình, xã hội.

Giờ đây, dù mắt đã mờ, chân đã mỏi nhưng ông Lê Hồng Hạt vẫn cùng với CLB Chèo Yên Đinh sinh hoạt, gìn giữ, phát triển nghệ thuật chèo. Ông ấp ủ dự định sẽ chọn lọc các tác phẩm kịch tiêu biểu trong số hơn 100 vở kịch do ông sáng tác suốt những năm tháng qua xuất bản thành sách. Trước đó năm 2010, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin xuất bản cuốn sách “Lửa làng Tranh” là tuyển tập những sáng tác chèo của ông từ năm 1980-2010. Chúc ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục với đam mê và tinh thần tự học, sáng tạo theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Minh Hường

Theo http://baobacninh.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website