Cô hiệu trưởng hết lòng vì học sinh

Năm 2018, cô Nguyễn Thị Huệ vinh dự được Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chư Sê tặng giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều năm liền, cô còn được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Tạo dựng ngôi nhà chung

Xuất thân trong một gia đình thuần nông trên vùng đất Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), cô Huệ hiểu rõ những vất vả của học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang nỗ lực từng ngày để theo đuổi con chữ. Cô nhớ lại: “Cách đây hơn 20 năm, tôi chọn học sư phạm chỉ vì một lý do duy nhất là nhà mình quá nghèo. Nhà có 4 chị em gái thì chỉ mình tôi được ưu tiên cho đi học vì là con út, nhưng cũng phải chọn ngành nào không mất học phí. Năm 1998, tôi tốt nghiệp lớp 12 và thi đậu vào ngành Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế. Sau khi ra trường, tôi gắn bó với vùng đất Chư Sê. Những lúc chứng kiến một số học sinh dân tộc thiểu số phải nhịn ăn đến trường, phải nghỉ học vì khó khăn, tôi rớt nước mắt vì không đủ lực níu giữ các em ở lại với con chữ”.

  Cô Nguyễn Thị Huệ (bìa trái) thường xuyên gần gÅ©i, hỏi han tình hình học tập của học sinh nghèo khu nội trú.                                    Ảnh: N.G

 Cô Nguyễn Thị Huệ (bìa trái) thường xuyên gần gũi, 

 hỏi han tình hình học tập của học sinh nghèo khu nội trú. Ảnh: N.G

Nỗi trăn trở về việc chăm lo cho học sinh nghèo chưa bao giờ dứt trong lòng một nhà giáo tận tâm như cô Huệ. Năm 2018, khi giữ cương vị người đứng đầu Trường THPT Trường Chinh được 1 năm, cô Huệ đã cùng Ban giám hiệu, tập thể sư phạm nhà trường lên kế hoạch tạo dựng một ngôi nhà chung cho học trò nghèo. Khu tập thể giáo viên cũ nhanh chóng được sửa chữa, cơi nới; kinh phí nuôi học sinh nghèo ăn, ở được vận động từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. 46 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ có nguy cơ bỏ học được đón vào ở nội trú. Không những thế, các em còn nhận được sự đỡ đầu, hỗ trợ thường xuyên của thầy-cô giáo về vật chất lẫn tinh thần để yên tâm đến lớp.

Trong phong trào đỡ đầu, hỗ trợ học sinh nghèo, cô Huệ nhận về mình những học sinh khó khổ nhất, chỉ đạo phát huy mạnh mẽ phong trào “Cùng em tiếp bước đến trường” và “Nâng cánh ước mơ” được Công đoàn nhà trường khởi xướng từ năm 2012. Cứ thế, đã có hàng trăm học sinh khó khăn được giúp đỡ. Với các em, nhà trường đã trở thành ngôi nhà thứ 2, thầy - cô giáo như người thân trong gia đình. Em Siu HHương chia sẻ: Năm học 2018-2019, em bước vào lớp 10 với bao nỗi lo toan vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông bà thì quá nghèo để có thể lo cho em ăn học. Biết được hoàn cảnh của em, cô Huệ đã nhận đỡ đầu. “Cô Huệ là người mẹ thứ 2 của em. Cô giúp đỡ em cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi em ở nội trú cùng các bạn, cô thường xuyên đến thăm hỏi việc học hành, việc gia đình. Cô còn vận động quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, gạo và thức ăn tặng chúng em” - HHương xúc động bày tỏ.

Nỗ lực vì trò nghèo

Nhận được sự giúp đỡ tận tâm của thầy - cô giáo và các Mạnh Thường Quân, bản thân các em học sinh cũng luôn nỗ lực hết mình trong học tập. Kết thúc năm học 2018-2019, 46 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nội trú tại trường đều có học lực từ trung bình trở lên, không có em nào bỏ học. Bên cạnh đó, với vai trò là người đứng đầu, cô Huệ đã cùng Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ trường phát động nhiều phong trào có ý nghĩa như: “Cùng em tiếp bước đến trường”, “Vườn rau thanh niên”, “Sách giáo khoa tặng bạn”, “Quần áo cũ tặng bạn”, “Máy tính cầm tay tặng bạn”... Không dừng lại ở đó, cô Huệ còn là người kết nối với các tổ chức, đoàn thể trong huyện như Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các cá nhân trong và ngoài tỉnh để vận động quyên góp gạo, nhu yếu phẩm giúp đỡ học sinh nghèo.

Nói về người hiệu trưởng tận tâm, anh Phạm Văn Nguyên - Bí thư Đoàn trường THPT Trường Chinh - chia sẻ: “Những cách làm để giúp đỡ học sinh khó khăn của cô Huệ có sức lan tỏa rất lớn. Nhiều phong trào dù mới phát động như: “Sách giáo khoa tặng bạn”, “Quần áo cũ tặng bạn”, “Máy tính cầm tay tặng bạn”... nhưng đã được các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường ủng hộ nhiệt tình. Đoàn trường thường xuyên nhận được vật phẩm là quần áo, sách vở, máy tính từ khắp nơi gửi về tặng học sinh nhà trường”. Còn chị Nguyễn Thị Phương (tổ 11, thị trấn Chư Sê)-người nhận đỡ đầu 7 học sinh của nhà trường thì bày tỏ: “Khi nghe cô Huệ đề cập vấn đề hỗ trợ học sinh khó khăn, tôi nhận lời ngay vì quá xúc động trước tấm lòng của cô”.

Trong lĩnh vực chuyên môn, cô Huệ cũng rất được nể trọng khi tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý, ôn tập miễn phí cho học sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia. Sự nhiệt tâm của cô lan tỏa đến tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường. Nhờ đó, 2 năm gần đây, tỷ lệ học sinh của trường đậu tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 98%.

Nỗ lực đóng góp vì sự nghiệp giáo dục nhưng cô Huệ luôn khiêm tốn tự nhận mình còn nhiều khuyết điểm, hạn chế, rất cần được anh em đồng nghiệp góp ý để hoàn thành tốt hơn công tác lãnh đạo lẫn chuyên môn. Cô cười hiền lành bày tỏ: “Bác Hồ là tấm gương để cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó có nhà giáo học tập, noi theo. Với tôi, học làm theo Bác không bao giờ là muộn và cũng không bao giờ học và làm theo cho hết. Vì lời nói, tình cảm, việc làm của Bác đều để lại nhiều ý nghĩa, giá trị sâu sắc. Với tôi, học theo Bác là biết lắng nghe quần chúng, nhân dân, tập thể, đồng chí, đồng nghiệp góp ý xây dựng để tiến bộ, trưởng thành hơn. Đó là điều vô cùng đáng quý”.

Nguyễn Giang

Theo https://baogialai.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website