Chủ tịch Hồ Chí Minh - sự mẫu mực về nêu gương, nói đi đôi với làm

 Học và làm theo Bác, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Bản Bó,
xã Thái Học (Bảo Lâm) thực hiện đóng góp “Hũ gạo tình thương”.

Theo Người, nguyên tắc nêu gương, nói đi đôi với làm là phương pháp hàng đầu của người cách mạng để tập hợp, lãnh đạo quần chúng Nhân dân làm cách mạng. Do đó, những ngày này khi đảng bộ các cấp đang náo nức bước vào đại hội nhiệm kỳ để bầu ra ban chấp hành mới, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì tư tưởng chỉ đạo đó càng có ý nghĩa thiết thực.

Sinh thời, Người truyền dạy: "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới". Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con; anh chị là tấm gương cho các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, đơn vị, xí nghiệp... thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới; người này có thể nêu gương cho người khác.

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, người cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự tu dưỡng để trở thành con người có đời tư trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, gần gũi để quần chúng Nhân dân nhìn vào đó mà làm điều tốt, điều hay và chống lại những thói hư, tật xấu cũng như các tệ nạn xã hội.

Đối với Hồ Chí Minh, "nói đi đôi với làm" có nghĩa là nói để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói; Người thường nói ít, làm nhiều; có những vấn đề Người không nói mà chỉ làm. Chính vì vậy mà tạo nên một phong cách rất riêng, rất Hồ Chí Minh mà hiếm có nhà chính khách nào trên thế giới có được.

Người còn dạy: "Cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... phải thật thà nhúng tay vào việc''. "Nói đi đôi với làm" thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Nói đi đôi với làm thể hiện bằng kết quả công việc cụ thể. Nói đi đôi với làm đối lập với nói mà không làm của những người nói suông hoặc "nói một đằng, làm một nẻo" của những phần tử cơ hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng để chống việc ''nói một đằng làm một nẻo'', mỗi cán bộ, đảng viên cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ cụ thể. Khi nói phải gắn với những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung, đại khái, dẫn đến ai nói cũng được, nghe thì hay nhưng không biết thực hiện thế nào.

Mà làm ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống và chỉ có nhất quán giữa nói với làm thì người cán bộ, đảng viên mới giành được lòng tin của quần chúng. Ngược lại nếu thiếu rèn luyện, tu dưỡng, đặc biệt là sự thoái hóa, biến chất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, đạo đức, ý thức kỷ luật cũng như chấp hành pháp luật của quần chúng.

Hiện nay, đất nước ta đang xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những yếu tố tích cực cũng có nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến các giá trị văn hóa, xã hội nói chung và giá trị đạo đức nói riêng. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần học tập và làm theo phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta hiện nay.

Chu Hà

Theo http://baocaobang.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website