Quảng Nam học thư Bác

 Đồng bào miền núi Quảng Nam vẫn giữ nét đẹp thờ cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ.  (Ảnh: ĐÌNH HIỆP)

1. Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công chưa lâu, đất nước ta lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trước nạn thù trong giặc ngoài. Trong khi đó, kẻ thù âm mưu chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, nhất là giữa đồng bào Kinh với đồng bào Thượng. Ngày 19.4.1946, tại Pleiku, Xứ ủy Trung Kỳ tổ chức Đại hội đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên và dân tộc miền núi các tỉnh Nam Trung bộ. Đại hội vinh dự được đón bức thư của Hồ Chủ tịch.

Trong thư Bác viết: “... Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Sau đại hội, bức thư của Bác Hồ được in để gửi cho đồng bào các dân tộc và được coi như một lời hịch thiêng liêng, khắc sâu vào trong lòng mọi người dân. Ở Bến Giằng, thư của Hồ Chủ tịch được Phòng Liên lạc thiểu số Quốc dân tỉnh in gửi mỗi làng một bản và được phiên âm ra tiếng dân tộc thiểu số. Đoàn cán bộ xuống từng xã, từng làng mở hội học tập thư Bác và trao tặng mỗi làng một ảnh chân dung Hồ Chủ tịch cùng lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho chính quyền cách mạng. Có những bức ảnh Bác Hồ được đồng bào cất giữ cẩn thận ở những nơi trang trọng nhất trong người.

2. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ngày càng quyết liệt, trong cán bộ, đảng viên xuất hiện biểu hiện bè phái, hẹp hòi. Ngày 1.3.1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho “các đồng chí Trung Bộ”. Người chỉ rõ trách nhiệm của mỗi đảng viên cộng sản là phải đem hết tinh thần và sức lực ra phụng sự Tổ quốc. Người khuyên mỗi đảng viên phải tẩy sạch những khuyết điểm: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, cô độc, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, ích kỷ, kiêu ngạo.

Người viết: “Vẫn biết các đồng chí Trung Bộ nói chung thì có nhiều ưu điểm như: nhẫn nại, chịu khó, kiên quyết, tháo vát, nhiều sáng kiến. Đó là những tính rất quý báu. Nó làm căn bản cho những tính tốt khác phát triển. Nhưng trong thời kỳ khó khăn nặng nề này, chỉ có những ưu điểm ấy thôi cũng chưa đủ. Các đồng chí cần đem căn bản tốt đó mà kiên quyết khắc phục cho những khuyết điểm vừa kể trên thì chúng ta mới chắc đi đến hoàn toàn thắng lợi...”.

Đảng bộ Quảng Nam  - Đà Nẵng đã tổ chức sinh hoạt, học tập thư Bác Hồ và tổ chức kiểm thảo đảng viên trong toàn đảng bộ để nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng dao động, sợ gian khổ hy sinh, tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng. Qua kiểm thảo, Đảng bộ xử lý 40 đảng viên không thi hành nghị quyết, bỏ nhiệm vụ và 150 đảng viên mắc những sai lầm khác. Đồng thời từ tháng 8 - 12.1947, Đảng bộ kết nạp 508 đảng viên, đưa tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ lên 2.598 đảng viên. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong các ngành, các cấp ngày càng được tăng cường.

3. Hưởng ứng phong trào bình dân học vụ của Chính phủ, cụ Nguyễn Ban, quê xã An Tường, huyện Thăng Bình (nay thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức), mặc dù đã 77 tuổi, nhưng chỉ trong 3 tháng học xong chữ Quốc ngữ. Cụ trở thành tấm gương tiêu biểu của phong trào. Biết tin, tháng 8.1949, từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng, trong thư có đoạn:

“Cụ gửi thư cho tôi biết rằng cụ đã học xong chữ Quốc ngữ. Đọc bức thư cụ, tôi rất lấy làm vui sướng, cụ đã 77 tuổi mà còn gắng học trong 3 tháng đã được thành công như vậy là cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Noi gương cụ, con cháu cụ, đồng bào Việt Nam từ 7 tuổi đến 70 tuổi ai mà nỡ lòng làm biếng, ai mà chẳng cố gắng học hành. Đời xưa bên Trung Quốc có ông Tô Lão Tuyền 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm còn để đến ngày nay.

Bây giờ ở nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ lan truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng bốn chữ “lão dương ích tráng”. Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà. Đó là một thành công to lớn và ý nghĩa sâu xa.

Các anh chị em bình dân học vụ có thể tự hào rằng mình đã có công với dân tộc.

Tôi cảm ơn cụ, tôi cũng cảm ơn anh chị em.

Kính chúc cụ luôn luôn mạnh khỏe”.

Bức thư của Bác Hồ là nguồn động viên rất lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, từ đó tiếp tục cổ vũ, động viên Đảng bộ, quân và dân xứ Quảng trong công cuộc “trường kỳ kháng chiến” chống thực dân Pháp xâm lược.

Tấm lòng luôn lo nghĩ cho dân

Ngày 12.2.1950, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh Tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn dân, phục vụ kháng chiến, chuẩn bị tổng phản công. Trong 6 tháng đầu năm 1950, nhân dân Đà Nẵng góp 4 triệu đồng. Đến tháng 10.1951 Quảng Nam đã góp 5.000 mẫu ruộng và tiền, lúa, gạo, kể cả trâu, bò (từ 1950 đến 3.1952, Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính - NV). Quỹ tổng động viên góp phần quan trọng vào việc giải quyết các nhu cầu chi tiêu to lớn của kháng chiến đặt ra lúc bấy giờ. Tuy nhiên, do nôn nóng, không giải thích đầy đủ cho nhân dân hiểu chủ trương của Đảng, nhiều nơi ở Trung Bộ huy động mức đóng góp của dân quá lớn, trong khi đó địch ngày càng đánh phá, ta không thực hiện được tổng phản công, gây nhiều thắc mắc trong tư tưởng cán bộ và nhân dân.

Biết tin, tháng 6.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ phê bình sai lầm về việc thực hiện tổng động viên. Trung ương chỉ thị cho các cấp ủy đảng tổ chức học thư Bác, tiến hành tự phê bình sửa chữa khuyết điểm. Căn cứ chủ trương của Trung ương và Liên Khu ủy 5, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng tổ chức học tập, sinh hoạt chính trị từ trong cấp ủy đến cán bộ, đảng viên các cấp, ngành, giải thích lại khẩu hiệu “Tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”, quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Qua học tập, cán bộ các cấp nhận thấy những sai lầm về nhận thức tổng phản công, nóng vội, không thấy khó khăn, không đánh giá đúng tình hình... Nhờ đó, tư tưởng nóng vội tổng phản công được khắc phục từng bước.

Sang các năm 1951 - 1952 hết hạn hán đến bão lũ gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhất là vùng dọc triền sông Thu Bồn của huyện Duy Xuyên và Đại Lộc. Thêm vào đó, thực dân Pháp ra sức bao vây, càn quét, cướp bóc lúa và hoa màu, đốt phá công cụ, phong tỏa nhiều tuyến đường khiến tình hình kinh tế càng khó khăn, dẫn đến nạn đói ở Quảng Nam vào đầu năm 1952. Nghe tin Quảng Nam bị đói, Bác Hồ đã chuyển vào hỗ trợ 500 tấn gạo, Liên Khu ủy 5 cấp 400 tấn lúa để cứu đói cho dân. Tiếp theo, tỉnh cấp thêm 270 tấn lúa và hơn 500 triệu đồng cho những vùng đói trầm trọng. Từ đó đã góp phần đẩy lùi nạn đói trên cả tỉnh, đồng bào các dân tộc Quảng Nam lại ra sức thi đua đóng góp sức người, sức của cho giai đoạn tổng phản công đánh bại thực dân Pháp xâm lược.

 


 LÊ NĂNG ĐÔNG (SƯU TẦM VÀ BIÊN SOẠN)

Theo http://baoquangnam.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website