Bắc Ninh: Chiến công giữa thời bình của những thương binh

Những ngày tháng 7, căn nhà nhỏ tại thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm (huyện Tiên Du) của thương binh ¼ Ngô Tiến Trạc rộn ràng hơn thường lệ bởi những cuộc điện thoại không ngớt của thành viên trong Hội Thương binh nặng huyện Tiên Du. Bên cạnh thăm hỏi sức khỏe, ai cũng mong chờ đến cuộc hội ngộ nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh -liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023). Ông Trạc phấn khởi cho biết: “Cuộc gặp mặt thường niên vào tháng 7 có lẽ là dịp Hội tề tựu đông vui, đầy đủ nhất. Bản thân tôi và các hội viên tuổi đều đã cao, sức khỏe ngày một kém do thương tật chiến tranh và muôn vàn căn bệnh tuổi già. Dù vậy, dịp 27-7, ai cũng cố gắng thu xếp góp mặt để ôn lại những năm tháng chiến đấu, tri ân những đồng đội cũ, động viên nhau phấn đấu vươn lên”.

Nhớ lại thời điểm cách đây 28 năm, Hội Thương binh nặng được huyện Tiên Du cho phép thành lập là một trong những Hội thương binh nặng đầu tiên của tỉnh. Hội hoạt động theo mô hình đơn vị tự nguyện với tôn chỉ mục đích là giúp đỡ nhau trong lúc thường cũng như lúc ốm đau, động viên nhau chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, giữ gìn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phấn đấu là những công dân tốt, gương mẫu cho con cháu và nhân dân ở khu dân cư noi theo.

 

 Thành viên CLB thương binh nặng huyện Lương Tài tham quan, trao đổi kinh nghiệm nuôi cá tại trang trại của thương binh Đỗ Huy Bình (xã Trung Chính).

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, trở về lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, Hội trở thành mái nhà chung để các thương binh chia sẻ, trợ giúp lẫn nhau. Người nào có kinh nghiệm sản xuất, làm kinh tế chia sẻ lại cho các thành viên, đồng đội cùng nhau vượt qua khó khăn. Nhiều hợp tác xã, mô hình sản xuất được thành lập không chỉ giúp các thương binh trong hội tự tạo lập cuộc sống, mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng, phát triển quê hương.

Thương binh Ngô Tiến Trạc chia sẻ: “Điều đáng mừng nhất từ khi thành lập Hội đến nay là các thành viên đều có cuộc sống ổn định, nuôi dạy con cháu trưởng thành, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”. Điển hình như các thương binh: Ngô Tiến Thu (xã Nội Duệ), Lê Văn Cương (xã Hoàn Sơn), Nguyễn Hữu Thuần (thị trấn Lim)… đã vươn lên trở thành những doanh nhân, hộ kinh doanh giỏi của địa phương. Nhiều thương binh có con học giỏi, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình đóng góp xây dựng quê hương, đất nước”. Cũng từ khi thành lập đến nay, ông Ngô Tiến Trạc được các thành viên tín nhiệm bầu làm Hội trưởng. Suốt ngần ấy năm, ông nỗ lực vượt  lên nỗi đau thương tật để động viên, khích lệ các thương binh nặng đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Song điều khiến ông phấn khởi, tự hào nhất là 5 người con đều trưởng thành, tốt nghiệp Đại học, người làm giáo viên, bác sĩ, người trở thành hộ kinh doanh giỏi có những đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.

Không chỉ tại huyện Tiên Du, ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, các CLB, Hội nhóm thương binh nặng được thành lập, hoạt động hiệu quả, tích cực. Tiêu biểu như CLB Thương binh nặng huyện Lương Tài suốt 17 năm qua trở thành nơi gặp gỡ, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn để mỗi thương binh, mỗi gia đình thực sự là những tấm gương sáng trên các lĩnh vực.

Thương binh Ngô Tiến Trạc (phải), Chủ nhiệm Hội Thương binh nặng huyện Tiên Du chia sẻ với cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện về kế hoạch tổ chức gặp mặt hội viên nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ.

 Thương binh ¼ Vũ Hoài Ninh (thôn Giàng, thị trấn Thứa, Lương Tài), thân thể không còn vẹn nguyên, lại bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin nhưng vẫn hàng ngày cần mẫn với công tác xã hội. Ông từng nhiều năm làm Phó Bí thư Chi bộ thôn Giàng. Hiện nay, ông là Chủ nhiệm CLB Thương binh nặng huyện Lương Tài, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin huyện Lương Tài, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin thị trấn Thứa. Là Chủ nhiệm CLB thương binh nặng Lương Tài, ông dành nhiều tâm huyết vận động, hỗ trợ các hội viên vượt qua thương tật chiến tranh.

Vùng quê Lương Tài xưa nay chủ yếu phát triển nhờ nông nghiệp, nếu trông chờ vào chế độ trợ cấp của Nhà nước thì đời sống sẽ khó khăn. Sinh kế thoát nghèo là điều ông Ninh cũng như các thành viên trong Câu lạc bộ trăn trở. Không để thương tật làm cùn đi ý chí phấn đấu, ông Ninh động viên các thương binh khác đi tham quan, học tập những mô hình phát triển trang trại trong và ngoài tỉnh, mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các chủ trương cải tạo đất nông nghiệp tại địa phương, chủ động đổi mới tư duy để tạo cơ hội cho mình…

Từ đôi bàn tay và nghị lực phi thường của những thương binh nặng, nhiều vùng ruộng đồng chiêm trũng trồng lúa không hiệu quả trở thành những trang trại trù phú, tốt tươi, những ao cá giống, ao cá thương phẩm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều thương binh nặng trong CLB trở thành những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, điển hình như các thương binh: Nguyễn Văn Lưu (thị trấn Thứa), Đỗ Huy Bình (xã Trung Chính), Nguyễn Văn Cẩn (xã Phú Hòa), Phạm Thường (xã Phú Lương), Nguyễn Đình Đại (xã An Thịnh)… 

Từ khi thành lập đến nay, các gia đình thành viên trong CLB Thương binh nặng huyện Lương Tài luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương. Mặc dù thường xuyên phải đối diện với bao cơn đau do vết thương cũ gây ra, song mỗi người vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên tự tạo lập cuộc sống ổn định, phát triển, tích cực tham gia công tác xã hội, xây dựng nông thôn mới; chia sẻ, giúp đỡ bà con địa phương về vốn, kinh nghiệm sản xuất... Nhiều cá nhân thương binh trong Hội vinh dự được biểu dương, khen thưởng ở các cấp. Riêng thương binh Vũ Hoài Ninh nhiều lần được các cấp, các ngành tặng Bằng khen, năm 2019, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Sắp đến ngày kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, ông Vũ Hoài Ninh lại tất bật với kế hoạch họp mặt câu lạc bộ. Điểm lại các thành viên, ông thấy mừng vì đến nay mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.“Mỗi khi có dịp gặp mặt, kỷ niệm về chiến trường năm xưa vẫn luôn được chúng tôi ôn lại. Nhiều đồng đội nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. So với họ chúng tôi may mắn vì còn được sống để chứng kiến ngày đất nước hòa bình, phát triển. Vì thế chúng tôi luôn tự nhủ phải tiếp tục phấn đấu vươn lên, đóng góp sức lực dựng xây quê hương phát triển. Dù bình dị nhưng đó là những chiến công giữa thời bình mà chúng tôi dành để tri ân sự hy sinh của đồng đội, tri ân những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng trong quá khứ” - Thương binh Vũ Hoài Ninh chia sẻ.

Trở lại đời thường dù mang trong mình những vết thương chiến tranh, song những thương binh nặng ấy vẫn không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu. Họ thực sự là những tấm gương sáng cho con cháu, người dân học tập.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website