|
Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang chụp cùng Bác Hồ tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962 |
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, các phương tiện thông tin đại chúng đang tuyên truyền phổ biến về Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (số 33-NQ/TW), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong Nghị quyết, vấn đề xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới là vấn đề cấp bách. Nhân sự kiện lớn này, xin được nhớ Bác bằng một kỷ niệm nhỏ, nhưng thật khó quên liên quan đến văn hóa, văn nghệ truyền thống và câu chuyện về Bác Hồ với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc - một chi tiết cũng được đề cập đến trong Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI.
Cách đây đã mấy năm, chúng tôi may mắn có dịp sang Cộng hòa Pháp tham gia tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Mấy ngày ngắn ngủi ở Pháp, ngoài thời gian làm việc, chúng tôi đã được tham quan một số Bảo tàng và danh thắng tại Pari. Thật ấn tượng về một Pari được mệnh danh là trung tâm văn hoá của nước Pháp, trung tâm văn hoá của Châu Âu. Song điều ấn tượng đặc biệt đối với chúng tôi không phải về nước Pháp, mà lại về một nét văn hoá Việt Nam tại Pháp. Ngay giữa Thủ đô Pari, chúng tôi được nghe hát tuồng. Ở Việt Nam, có lẽ trong rất nhiều năm, chúng tôi chưa được xem tuồng. Thật tự hào vì một môn nghệ thuật của đất nước mình lại được công chúng Pháp đón nhận nồng nhiệt như thế. Trong không gian Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, triển lãm về nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh được tổ chức, nghệ thuật tuồng của Việt Nam được giới thiệu, những hoạt động này khiến chúng tôi không thể không nhớ tới nhà văn hóa Hồ Chí Minh với những câu chuyện kể rằng Người rất thích nghe hát tuồng.
Sinh ra ở Nam Đàn, Nghệ An, mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nuôi dưỡng bằng kho tàng các câu chuyện kể, bằng những làn điệu dân ca, hát ru của bà, của mẹ. Sau đó, Người lại được theo cha mẹ đi đến nhiều vùng đất nước … tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, với những nền văn hoá văn nghệ khác, đó là Huế với những điệu hát cung đình, điệu hò trên sông Hương, là Bình Định với những điệu hát tuồng... Với tư chất của một cậu bé thông minh, ham học hỏi, nhận thức nhanh, nhớ lâu, những làn điệu dân ca, câu hát quê nhà đã ghi sâu trong tâm trí cậu bé Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, để rồi, khi xa quê hương đến 50 năm, Người vẫn không quên.
Sau này, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người không chỉ chăm lo đến sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn luôn chăm lo đến việc xây dựng và phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội; chăm lo đến việc giữ gìn, phát huy những loại hình nghệ thuật cổ, đặc trưng của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có nghệ thuật tuồng. Nhiều người trong chúng ta, nhất là giới văn nghệ sĩ đều nhớ câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuồng, chèo là những vốn quý, nhưng phải mạnh dạn cải tiến. Tuy nhiên, chớ có gieo vừng ra ngô”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với nghệ thuật tuồng từ khi nào mà Người am hiểu và yêu thích môn nghệ thuật này như thế. Trước hết, có lẽ vì gia đình Cụ Nguyễn Sinh Sắc có mối quan hệ rất thân thiết với Đào Tấn, ông tổ của hát Tuồng; sau nữa, chúng tôi nghĩ có thể từ khi Người theo cha vào Bình Định - nơi nghệ thuật tuồng phát triển. Trong hơn một năm học tập và sinh sống ở đây: Từ khoảng tháng 6-1909 đến đấu tháng 9-1910, ngoài việc học hành, Nguyễn Tất Thành được cha dẫn đi tham quan, khám phá các vùng đất Bình Định, thăm các sĩ phu trong vùng và thăm Di tích lịch sử vùng Tây Sơn, quê hương của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, có thể Nguyễn Tất Thành đã nghe cả hát tuồng.
Loại hình nghệ thuật đặc sắc này đã thấm sâu vào trí nhớ của Người. Nhật ký của ông Lê Văn Hiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính trong kháng chiến chống thực dân Pháp ghi lại, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị ông hát Bộ trong các buổi liên hoan văn nghệ: Ngày 12-4-1948: Hội đồng Liên bộ họp riêng dưới sự chủ toạ của Hồ Chủ tịch, đến 9 giờ đêm mới xong. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức một buổi liên hoan văn nghệ. Các ông Bộ trưởng ngâm thơ. Riêng ông Lê Văn Hiến biết hát Bộ, liền được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu lên hát. Đêm văn nghệ chỉ có ngâm thơ kể chuyện mà kéo dài đến một hai giờ đêm; ngày 12-8-1948: Hội nghị cán bộ. Sau đó là buổi liên hoan văn nghệ kỷ niệm ngày Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Một lần nữa, ông Hiến lại được giới thiệu hát Bộ. Sau lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh… mọi người hát bài Quốc tế ca. Sau đó, nào là ngâm thơ, hát dặm, nào đàn, nào hát Bộ. Ông Lê Văn Hiến viết “nhân có hội vui chung, mà cũng để gởi lại một vài âm thanh của thời cổ cho Hồ Chủ tịch thưởng thức, mình đứng lên trình bày những lối hát Bộ với tất cả âm điệu du dương. Hồ Chủ tịch và tất cả anh em đều tỏ vẻ hoan nghênh lắm. Cuộc dạ hội kéo dài đến nửa đêm”. Ngày 15-8-1948, ông Lê Văn Hiến ghi tiếp: “Đêm nay đáng lẽ họp Hội đồng Quốc phòng tối cao, nhưng vì Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) chưa đến, vả lại các vị Bộ trưởng còn mệt nên Hồ Chủ tịch tạm để sáng mai họp trước Hội đồng Chính phủ vài giờ. Chung quanh đám lửa hồng. Hồ Chủ tịch và các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng ngồi bàn chuyện vui và ca hát đủ giọng Trung, Nam, Bắc. Một lần nữa mình bị đưa ra để hát Bộ. Hình như Hồ Chủ tịch thích thưởng thức lắm”. Nhật ký công tác của một vị Bộ trưởng, không chỉ ghi về công việc, về các hoạt động của Chính phủ trong kháng chiến, mà còn những dòng riêng tư, về cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ cách mạng. Đêm ở chiến khu, rừng núi tĩnh lặng, các thành viên Chính phủ liên hoan văn nghệ vui vẻ, xen giữa bài hát cách mạng như Quốc tế ca, họ ngâm thơ, hát các làn điệu dân ca, trong đó có hát Bộ, một điệu hát không phải là dễ.
Sau Hiệp định Giơnevơ, nhiều nghệ nhân tuồng Liên Khu 5 tập kết ra Bắc đã được gặp Bác Hồ, diễn tuồng cho Bác xem. Bác không chỉ động viên mà còn có những góp ý rất bổ ích cho các nghệ nhân. Nghệ sĩ tuồng Ngô Thị Liễu, nghệ sĩ tuồng Nguyễn Nho Tuý thuộc Đoàn tuồng Khu 5 được vào Phủ Chủ tịch, diễn tuồng Chị Ngộ cho Bác và các đồng chí Trung ương xem. Khi diễn lớp chị Ngộ bị giặc bắt buộc phải ôm đầu anh Tài quăng xuống cống, chị nhìn thấy Bác chống tay lên cằm nghiêng đầu cúi xuống. Khi diễn xong, Bác bắt tay các diễn viên động viên. Nhưng chi tiết Bác cúi đầu xuống, được đồng chí Trường Chinh cho biết, Bác đau lòng không chịu được khi thấy giặc quăng đầu đồng chí mình như vậy. Sau này, các nghệ sĩ đã nghiên cứu, bỏ trường đoạn đó đi. Bác đã thức dậy trong họ, đã dạy họ một cảm xúc thẩm mỹ mới. Năm 1959, Bác lại cho gọi đoàn tuồng Liên khu 5 lại vào diễn cho Người xem. Lần này, nghệ sĩ Ngô Thị Liễu cùng ông Tảo diễn vở Trại ba níu chống là Địch Thanh. Bác thích lớp tuồng này lắm. Người khen: “Hay lắm! nghệ thuật của cha ông ta để lại hay lắm. Phải giữ cho được, nhưng chớ gieo vừng ra ngô”.
Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam là một dân tộc rất quý trọng văn nghệ. Văn nghệ đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được của dân tộc ta. Văn nghệ là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hoá, là đỉnh cao của đời sống tinh thần, là hình ảnh của tâm hồn dân tộc. Tiếp nối truyền thống của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến tất cả các lĩnh vực văn hoá: văn hoá giáo dục, văn hoá đời sống, văn hoá văn nghệ và đặc biệt yêu mến, coi trọng văn nghệ truyền thống. Người khuyên văn nghệ sĩ chú ý giữ gìn vốn cũ dân tộc. Người nói với đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa: “Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu” .
Năm 1946, chuẩn bị cho Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói :“Phát triển hết cái hay, cái đẹp của dân tộc, tức là ta cùng đi tới chỗ nhân loại” . Một nét văn hoá của Bình Định - nghệ thuật tuồng, đã đến tận Thủ đô Pari.Vậy là cái hay, cái đẹp của văn hoá Việt Nam đã đến với bạn bè quốc tế.
Trở lại với Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong nội dung của Nghị quyết, phần nhiệm vụ của văn hóa mục 4, 6, viết: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các Di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam…”; “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam...”.
Câu chuyện chúng tôi chia sẻ trên liên quan đến một trong những nhiệm vụ của ngành Văn hóa mà Nghị quyết đề cập đến. Công việc khai thác, tôn vinh và phát huy, quảng bá những giá trị văn hoá nghệ thuật đặc trưng của dân tộc đã đang được ngành văn hóa tiến hành, nhưng tin rằng trong tương lai những hoạt động này sẽ có nhiều thuận lợi và đạt kết quả tốt khi đã có Nghị quyết của Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - một nghị quyết thấm đẫm tư tưởng, tinh thần văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh làm điểm tựa./.
Theo http://www.baotanghochiminh.vn/