Xây dựng chính quyền liêm chính

Không phải đến khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Hồ Chí Minh mới bàn tới việc xây dựng một chính quyền liêm khiết. Ngay thời dựng Đảng, từ những bài học kinh nghiệm của chính quyền Xôviết, trong các bài giảng khai đức, khai tâm, khai trí đầu tiên, Hồ Chí Minh đã nêu lên những điều thuộc tư cách của người cách mạng. Với tầm nhìn xa trông rộng, đó là những thông điệp đầu tiên của Hồ Chí Minh về tư cách của một đảng chân chính cách mạng, của một chính quyền liêm khiết.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến bản chất của chính thể Dân chủ Cộng hòa, tức là một chính quyền của toàn dân và nhân dân là chủ và làm chủ. Chính quyền đó khác hẳn với chế độ quân chủ chuyên chế hàng ngàn năm và gần một trăm năm dưới chế độ thực dân cũng không kém chuyên chế.

Bằng lòng dân, trí dân, sức dân, giá trị lớn nhất của thắng lợi do Đảng lãnh đạo đem lại là biến người nô lệ thành người tự do; nhân dân từ thân phận nô lệ bước lên địa vị làm chủ - làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Còn cán bộ, đảng viên có hạnh phúc lớn nhất là được làm đày tớ của dân, phục vụ nhân dân. Chính phủ là công bộc của dân. Từ đó trở đi, Hồ Chí Minh nêu quan điểm xuyên suốt xây dựng chính quyền liêm khiết có thể tóm tắt trong mười chữ: MẠNH MẼ - SÁNG SUỐT - TRONG SẠCH - ĐÀY TỚ - NGAY THẲNG.

Những giá trị cốt lõi đó thấm sâu vào toàn bộ di sản Hồ Chí Minh với những bài viết, bài nói, tác phẩm nổi bật, đặc biệt trong thời kỳ xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Đó là Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945); Chính phủ là công bộc của dân (9/1945); Đời sống mới (3/1947); Sửa đổi lối làm việc (10/1947); Cần Kiệm, Liêm, Chính (6/1949); Dân vận (10/1949); Bài phát biểu trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về việc thành lập Chính phủ mới (10/1946); Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946; v.v. Trong các tác phẩm, bài viết đó, nhiều lần Hồ Chí Minh nhắc tới bốn chữ “Chính phủ liêm khiết” (phát biểu trước Quốc hội về việc thành lập Chính phủ mới), hoặc xây dựng chính quyền “mạnh mẽ, sáng suốt” (Lời nói đầu Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946).

Các tác phẩm của Hồ Chí Minh thể hiện những quan điểm nổi bật về xây dựng chính quyền liêm khiết. Người chỉ rõ Chính phủ mới, từ Chủ tịch đến nhân viên đều ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin. Muốn vậy, phải giữ đúng Cần Kiệm Liêm Chính. Có lúc Người nhấn mạnh, nước ta là nước dân chủ, nghĩa là dân là chủ, dân làm chủ, Chính phủ từ người cao nhất đến người quét dọn, phục vụ đều phải là đày tớ của dân. Tất cả đều phải đặt chữ Liêm lên hàng đầu. Tuyệt đối không được tham ô, nhũng lạm, hủ hóa, đục khoét dân. Người cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ mới phải giữ tính liêm sỉ, không làm những điều xấu hổ. Nước ta là nước dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Cốt lõi, tinh thần các bài viết của Hồ Chí Minh cho thấy tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Nghĩa là khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên ít nhiều, to nhỏ có quyền hành trong tay, nếu không giữ được Cần Kiệm Liêm Chính, không có lương tâm thì có dịp đục khoét, trở thành sâu mọt của dân, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Điều này cho thấy quyền lực có xu hướng tha hóa; quyền lực thuyệt đối, tha hóa tuyệt đối. Từ đó đặt ra vấn đề phải kiểm soát quyền lực. Mà quyền lực ở trong dân, do dân giao cho cán bộ, nên nhân dân là một lực lượng kiểm soát quyền lực.

Cảnh báo của Hồ Chí Minh về tha hóa quyền lực ngay từ sau cách mạng thành công. Điều này cho thấy biệt tài xuất chúng của người sáng lập Đảng và chính thể Dân chủ Cộng hòa. Người nhìn thấu suốt những bệnh tật, hủ hóa, hủ bại của những cán bộ, đảng viên khi có quyền trong tay mà không chịu tu dưỡng, rèn luyện, không tu thân chính tâm. Người cảnh báo những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của ngày hôm nay ngay từ năm 1945, cách ngày nay gần tám mươi năm.

Tầm nhìn và cách nhìn của Hồ Chí Minh về quan hệ giữa quyền lực và đạo đức xuyên suốt, nhất quán đến tận Di chúc. Trong những lời dặn dò cuối cùng, lần đầu tiên Hồ Chí Minh viết cụm từ “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, đặt trước những lời dặn về đạo đức. Người nhấn mạnh “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức là nỗi bận tâm lớn, xuyên suốt của Hồ Chí Minh. Bởi vì có quyền mà không rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, hoặc rèn luyện mà không thật, thật sự, chỉ nói mà không làm; làm hình thức, qua loa, đại khái, thậm chí giả dối, lừa gạt thì vô cùng nguy hiểm, nguy hiểm nhất là làm giảm, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong đổi mới, Đảng ta kiên trì, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh toàn diện, trong đó có vấn đề xây dựng chính quyền liêm khiết; kiên trì, kiên quyết, không ngừng không nghỉ chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Sau Đại hội XIII, Đảng có Hội nghị lần thứ tư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ra Kết luận 21-KL/TW khẳng định kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Gắn với đó, Đảng ra Quyết định 37-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm, thay cho Quyết định 47. Gần đây nhất, ngày 01/8/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành Hướng dẫn số 25 một số nội dung về phòng, chống tiêu cực, trong đó nêu 19 nhóm hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống.

Từ Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đến Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từ những quy định về phòng, chống tham nhũng, nay có hướng dẫn về phòng, chống tiêu cực - đó là những bước tiến dài, thể hiện nỗ lực, cố gằng, quyết tâm cao của Đảng ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để xây dựng một Đảng chân chính cách mạng, đạo đức văn minh; một chính quyền liêm khiết, liêm chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nếu phòng, chống tham nhũng chủ yếu về kinh tế, thì phòng, chống tiêu cực lại chủ yếu tập trung vào chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cái này là gốc, đẻ ra tham nhũng về kinh tế. Nguy hại về tham nhũng kinh tế không nguy hại bằng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu phòng, chống tham nhũng về kinh tế, đi liền với đó là thu hồi được một phần tài sản vật chất tiền của, thì phòng, chống tiêu cực, ta “thu hồi” được một khối tài sản lớn gấp nhiều lần, đó là niềm tin của nhân dân. Mà có được niềm tin của nhân dân là có tất cả.

Để Hướng dẫn 25-HD/TW có hiệu lực, hiệu quả, cần tập trung xây “kiềng ba chân”. Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên, nghiêm túc tự tu dưỡng, rèn luyện, tự soi tự sửa. Phải “tu thân chính tâm” thì mới có thể làm được các việc ích quốc, lợi dân. Mọi việc đều do người làm ra, đó là quy luật từ xưa đến nay, từ to đến nhỏ, từ gần đến xa, đều thế cả. Hai là phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thế chế, cơ chế, bộ máy. Con người tốt mà bộ máy, thế chế, cơ chế chưa hoàn thiện, còn những “lỗ hổng, kẽ hở” thì rất khó tiến bộ. Trong cơ chế, thể chế, bộ máy cần tập trung cao nhất vào xây dựng nền dân chủ, thật sự phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, coi đây là cái “lồng thép” để chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng chính quyền liêm chính. Cơ chế, thể chế, bộ máy phải trị được tận gốc tham nhũng, tiêu cực. Ba là, kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước phải nghiêm. Bác Hồ dạy rằng pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì”.

Có được “kiềng ba chân” đó, ta tin tưởng việc xây dựng Đảng chân chính cách mạng và chính quyền liêm khiết, liêm chính sẽ có bước tiến mới, đạt được nhiều thành tựu mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website