Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn, Nghệ An (năm 1957). Ảnh: TL.
Khắc ghi lời Bác dạy…
Bàn về vai trò của công tác tuyên giáo và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đội ngũ cán bộ tuyên giáo và công tác tuyên truyền được xem như là một mặt trận tư tưởng chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, lạc hậu và ủng hộ cái mới, cái tốt, cái tiến bộ, khơi dậy ý chí và động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân, làm cho “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”(1). Do vậy, ngay từ khi gia nhập và hoạt động tại Đảng Xã hội Pháp, Người đã tìm cách thông qua hoạt động báo chí để tố cáo tội ác của thực dân Pháp gây ra cho nhân dân Đông Dương, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thức tỉnh tinh thần yêu nước của bà con Việt kiều và cũng qua họ tìm cách đưa một số tài liệu báo chí về nước bằng nhiều con đường khác nhau để giác ngộ tinh thần độc lập dân tộc của nhân dân ta. Người đã lựa chọn một số thanh niên tiêu biểu đưa sang đào tạo tại Liên Xô, mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày cho một số thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị đội ngũ cán bộ trở về nước để tổ chức hoạt động, đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ban Tuyên giáo cũng được thành lập. Trải qua các chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng, Ban Tuyên giáo không ngừng lớn mạnh, trực tiếp đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã và đang góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phương pháp, tác phong của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo được Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm bồi dưỡng. Người căn dặn cán bộ tuyên giáo phải biết rõ mục đích tuyên truyền của mình, trước khi định công tác ở đâu phải đặt rõ kế hoạch, phải biết chịu kham khổ, biết nhẫn nại. Đồng thời, Người chỉ rõ công tác tuyên giáo phải xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng mà xác định nhiệm vụ, nội dung, phương pháp hoạt động; phải phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng ta, của dân tộc.
Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi (ngày 31-8-1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tính Đảng là nguyên tắc và nền tảng của công tác tuyên giáo, nó bảo đảm cho các hoạt động tuyên giáo của Đảng giữ vững lập trường giai cấp công nhân, phục vụ nhân dân; tính khoa học của công tác tuyên giáo phải luôn luôn xuất phát từ thực tế khách quan, từ quy luật phát triển của xã hội, lấy đó làm cơ sở giải thích cho nhân dân hiểu một cách có căn cứ khoa học những vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra, để từ đó, họ hành động tự giác, có hiệu quả. Người yêu cầu cán bộ tuyên giáo phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, nơi có phong trào khá và cả những nơi có phong trào kém, phát hiện và giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Vì theo Người, chỉ có đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội thì mới tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình công tác tuyên giáo của địa phương, đơn vị, mới phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình tốt, người tốt việc tốt để cổ vũ, biểu dương, nhân rộng, đồng thời vạch ra những hiện tượng, những biểu hiện sai trái để phê phán, uốn nắn nhằm đẩy mạnh việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo vừa hồng, vừa chuyên
Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên giáo, trong suốt chặng đường cách mạng kháng chiến kiến quốc, Đảng ta luôn khẳng định công tác tuyên giáo có vai trò đặc biệt, là một lĩnh vực trọng yếu trong công tác lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân và tổ chức nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở mọi thời kỳ, mọi chặng đường phát triển. Công tác tuyên giáo đã có nhiều tiến bộ, từng bước vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy phong trào cách mạng của nhân dân, tạo ra những nhân tố cơ bản để cả nước phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; thực sự giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó kiên định và nỗ lực phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta bên cạnh thành tựu lớn cũng xuất hiện những khó khăn và thách thức mới. Bốn nguy cơ mà Đảng ta nêu ra từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khoá VII vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Bên cạnh đó, bốn vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay là an toàn an ninh mạng, an toàn môi trường, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, chất lượng cuộc sống và sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Các tệ nạn xã hội còn nảy sinh phức tạp, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Lợi dụng những khó khăn này, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, hòng gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” mưu đồ làm thay đổi chế độ chính trị nước ta, đã tác động đến tư tưởng trong Đảng và trong xã hội.
Trước tình hình đó, công tác tuyên truyền giáo dục càng phải được đẩy mạnh để làm cho toàn Đảng, toàn Dân nắm vững, nhất trí với các mục tiêu, quan điểm, định hướng, nhiệm vụ lớn về xây dựng và phát triển đất nước; kiên trì đấu tranh bảo vệ tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, khả năng sáng tạo, tạo ra phong trào hành động cách mạng của toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học… xứng đáng là “người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tuyên giáo của Đảng” có vai trò vô cùng quan trọng trong tình hình hiện nay.
Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp của Đảng ta hiện nay cần phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất, năng lực trên các tiêu chí cụ thể như:
Thứ nhất, cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh, phải có “tâm” và “tầm”. Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu của người cán bộ tuyên giáo. Là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, là người gieo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, vì vậy bản thân các cán bộ làm công tác tuyên giáo phải thực sự là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, sự kiên định vững vàng và đạo đức, lối sống để nâng cao tính đảng, tính chiến đấu và tính thuyết phục của công tác tuyên giáo. Cán bộ làm công tác tuyên giáo không được xa rời quan điểm của Đảng, luôn thấm nhuần quan điểm của Đảng, lập trường giai cấp để giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu biết đúng đắn những hiện tượng và sự kiện của đời sống xã hội; đứng trước khó khăn của cách mạng không bị tác động, ảnh hưởng của những cám dỗ từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường; không bị tác động bởi các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; dù ở đâu, làm gì, mỗi bài viết, bài nói đều phải theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng để tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; làm tăng niềm tin, thúc đẩy hành động để tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách.
Cái “tâm” của cán bộ tuyên giáo thể hiện rõ trong sự kiên định với lý tưởng, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng. Đó thực chất là bản lĩnh vững vàng trước cám dỗ của cơ chế thị trường, dũng cảm trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống quan điểm sai trái, thù địch; trong sáng, lành mạnh trong lối sống. Còn cái “tầm” của cán bộ tuyên giáo lại thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc, ở trình độ chuyên môn khoa học, được đào tạo cơ bản trên một nền tảng văn hóa vững chắc. Cái tầm của người cán bộ tuyên giáo ngày nay thể hiện sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh; dám nghĩ, dám làm trong đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; sự thông thạo trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào công việc một cách hiệu quả; có nhãn quan dự báo tình hình và nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội.
Thứ hai, cán bộ tuyên giáo phải là người biết nêu gương, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, kịp thời tham mưu làm tốt công tác tư tưởng tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Trong khi các thế lực thù địch đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, kích động, gây bất ổn an ninh chính trị, điều này đặt ra cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải am hiểu cả về lý luận và thực tiễn để vận dụng vào công tác của mình một cách có hiệu quả. Nâng cao năng lực dự báo, định hướng tuyên truyền kịp thời. Chủ động nghiên cứu, tham mưu có hiệu quả việc tổng kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết; phân tích, lý giải về những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới từ thực tiễn cuộc sống ở cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của Nhân dân. Tích cực, chủ động đổi mới phương thức hoạt động; vận dụng sáng tạo phương thức hoạt động theo nhóm để có nhiều sáng kiến dự báo, giải pháp xử lý các tình huống tư tưởng; sử dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện đại để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đi sâu, sát thực tiễn, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận và tâm trạng xã hội để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc nổi lên trên địa bàn mà dư luận xã hội quan tâm.
Thứ ba, cán bộ tuyên giáo phải là người say mê, tâm huyết và luôn trao dồi kiến thức, kỹ năng nói, viết để nâng cao năng lực công tác. Công tác tuyên giáo hiện nay có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, phức tạp. Trong điều kiện đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ cần có lòng say mê, tận tụy và tâm huyết nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm, tinh thần vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tuyên giáo là tuyên truyền thông qua nói, viết để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, quan trọng hơn là thông qua đó làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu đúng và thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách đó. Theo đó, cần thực hiện đúng chỉ dẫn của Người là: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”(2).
Thứ tư, cán bộ tuyên giáo phải luôn hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phương pháp lãnh đạo, phong cách quản lý, cách tổ chức, cách đặt kế hoạch phải phù hợp với quần chúng; phải luôn hướng về cơ sở, sâu sát cơ sở, luôn gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Có như vậy, cán bộ tuyên giáo mới nắm bắt được tình hình, những diễn biến tư tưởng, những “điểm nóng”, tình huống tư tưởng nảy sinh, mới có thể dự báo, kịp thời tham mưu được các giải pháp đúng đắn. Đồng thời, việc gắn bó mật thiết với nhân dân sẽ giúp người cán bộ tuyên giáo đúc rút được nhiều kinh nghiệm hay; đồng thời gắn với thực tiễn cũng chính là để phát hiện, đánh giá hiệu quả các nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống như thế nào, có gì cần tham mưu, đề xuất khắc phục, sửa chữa những chỗ chưa hợp lý. Đồng thời cổ vũ nhân tố mới, những kinh nghiệm hay để tổng kết, đánh giá và phổ biến, nhân rộng.
Thứ năm, phải có phong cách làm việc dân chủ, khoa học, hiệu quả. Phương pháp, tác phong làm việc của người cán bộ giữ vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Người cán bộ có tri thức, nhiệt tình, nhưng nếu thiếu phương pháp, tác phong làm việc tốt cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao. Đồng thời, để cán bộ yên tâm công tác, không vì chủ quan nóng vội mà làm ẩu cho xong việc, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Theo Bác, mọi cán bộ, đảng viên phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, từ đó mới đảm bảo tính nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phát huy tinh thần sáng tạo của mọi người trong thực hiện công việc. Đối với công tác tuyên giáo, người cán bộ cần có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, tư duy, độc lập, sáng tạo; tránh xa lối giáo điều, vay mượn, mà tự mình tìm tòi, suy nghĩ để tìm ra cái đúng, phù hợp thực tiễn.
Những tư tưởng và chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta đã chỉ rõ: “Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trưng bày triển lãm, tuyên truyền cổ động được tổ chức sôi nổi, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao và du lịch trọng đại của đất nước, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân”(3). Đảng ta cũng khẳng định các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở đã: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động định hướng thông tin tuyên truyền của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Triển khai mạnh mẽ, rộng rãi thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, nhất là thông qua Giải báo chí về xây dựng Đảng (mang tên “Búa liềm vàng”) và Giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(4). Do vậy, hoạt động này cần được đặc biệt coi trọng và tiến hành thường xuyên, liên tục theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra là: “Hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa, thông tin lành mạnh góp phần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xu hướng phát triển xã hội, đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, dân chủ, tiến bộ”(5). Đồng thời, thực hiện chủ trương: “Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin”(6).
Trong bối cảnh hiện nay, để chủ trương, đường lối của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, đạt được thành quả, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân tất yếu cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo vững mạnh, nhất là về năng lực, trình độ, phẩm chất, bản lĩnh chính trị ngang tầm nhiệm vụ là nội dung vô cùng quan trọng, vừa cấp bách, vừa cơ bản, thường xuyên, lâu dài.
----------------------------------------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 7, tr.415.
(2). Sách đã dẫn, tập 14, tr.159.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.4.
(4). Sách đã dẫn, tập II, tr.216.
(5). Sách đã dẫn, tập II, tr.263.
(6). Sách đã dẫn, tập I, tr.272.
ThS. Nguyễn Hồng Chinh
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
Theo http://www.xaydungdang.org.vn