Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế trong đường lối đối ngoại của Việt Nam hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Thủ đô Vácxava (Ba Lan) đón chào khi Người sang thăm Ba Lan, tháng 7-1957. Ảnh: hochiminh.vn

Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết một triết lý sâu sắc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công(1). Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện cả về tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn; không chỉ trong nội bộ Đảng, trong bộ máy chính quyền, trong phạm vi dân tộc Việt Nam, mà còn được thể hiện trên bình diện rộng lớn hơn, đó là đoàn kết, hợp tác quốc tế.

Suốt 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó 30 năm hoạt động ở nước ngoài, liên tục tham gia phong trào cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp chung của cách mạng thế giới; thông điệp về tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác quốc tế luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một cách rõ ràng, sâu sắc. Tư tưởng đoàn kết của Người thể hiện nhãn quan chính trị của một vĩ nhân, sự tài tình của nhà tổ chức cách mạng luôn đặt yếu tố đoàn kết lên hàng đầu. Theo di huấn của Người, chỉ có “đoàn kết, đại đoàn kết” mới tập hợp được lực lượng, hình thành được tổ chức cách mạng, mới tạo được sức mạnh to lớn để biến lý luận khoa học, biến đường lối, quan điểm của Đảng thành hiện thực và mới đạt được “đại thành công”.

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại

Đánh giá về những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc chiến đấu chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”(2). Đoàn kết, hợp tác quốc tế không chỉ là nét đặc sắc trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, mà còn là phương châm hành động thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, nhân loại, đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ với phong trào cách mạng thế giới. Năm 1920, khi tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua với tư cách là đại biểu Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người đã đặt nền móng cho tình đoàn kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.

Trong giai đoạn hoạt động cách mạng ở Pháp và Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp, Hội liên hiệp thuộc địa, Quốc tế Cộng sản nhằm thiết lập mối quan hệ với các nhà lãnh đạo của các phong trào cách mạng thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc, với các hoạt động ngoại giao khôn khéo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kể cả Quốc dân Đảng, tổ chức một số hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động cách mạng của ta, như thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh hội Hải ngoại biện sự xứ” - cơ quan đại diện của Mặt trận Việt Minh ở nước ngoài  - nhằm duy trì quan hệ với Quốc dân Đảng Trung Quốc và làm nơi liên lạc quốc tế của cách mạng Việt Nam. Với cơ quan đại diện này, cách mạng Việt Nam đã có sự liên hệ với các lực lượng cách mạng ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. 

Như vậy, có thể thấy, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế được hình thành và phát triển trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người. Qua các bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các văn kiện về đường lối, chính sách đối ngoại, đoàn kết quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; từ những tác phẩm của các học trò xuất sắc của Người; từ các chiến sĩ cộng sản quốc tế, các chính khách, các nhân sĩ, tri thức và bạn bè quốc tế viết, nói về Bác... cho thấy nét đặc sắc, toàn diện về tư duy, phương pháp, phong cách đoàn kết và hợp tác quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, đoàn kết, hợp tác quốc tế có mối quan hệ biện chứng với độc lập, tự chủ.

Với tư duy nhất quán “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(3), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao “độc lập, tự chủ” trong hợp tác và đoàn kết quốc tế. Theo Người, giữ vững độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến để bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia,  dân tộc. “Đó chính là kết tinh của sự nghiệp đối ngoại thời đại Hồ Chí Minh”(4).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập là không phụ thuộc, không bắt chước, không giáo điều. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ, hành động của mình, tự chịu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước, biết làm chủ bản thân và công việc. Trong quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”(5). Người kiên quyết: “Độc lập mà không có quân đội riêng, ngoại giao riêng, kinh tế riêng. Nhân dân Việt Nam quyết không thèm thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy”(6). Như vậy, không chỉ dân tộc Việt Nam độc lập, tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, mà lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại cũng phải độc lập, không bị bất kỳ thế lực, lực lượng nào chi phối.

Với nhãn quan chiến lược sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sâu sắc, cụ thể mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ với đoàn kết, hợp tác quốc tế; giữa tự lực, tự cường với hợp tác và phát triển. Người không tuyệt đối hóa một nhân tố nào, mà đề cập rất rõ ràng, sinh động về vị trí, vai trò của từng nhân tố, sự liên kết của sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài. Trong mối quan hệ biện chứng đó, “độc lập, tự chủ” luôn giữ vai trò quyết định, là nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế; đồng thời, đoàn kết, hợp tác quốc tế chính là tạo môi trường quốc tế thuận lợi, sức mạnh tổng hợp để giữ vững độc lập, tự chủ. Mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ với đoàn kết, hợp tác quốc tế chính là biểu hiện cụ thể của mối quan hệ giữa đối nội và đối ngoại, sức mạnh bên trong và sức mạnh bên ngoài, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Thứ hai, đoàn kết, hợp tác quốc tế phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết, hợp tác quốc tế trong đường lối đối ngoại của Việt Nam là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; nói cách khác, muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc. Ngày 14-1-1950, trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(7).

Rõ ràng, quan điểm đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, lấy mục tiêu độc lập dân tộc là hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn hợp quy luật và lô-gíc phát triển của hoạt động đối ngoại cũng như truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là khát khao cháy bỏng, nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cần hiểu đúng quan điểm “bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa biệt phái.

Để chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương tăng cường đoàn kết và tranh thủ sự hợp tác quốc tế, coi đây là vấn đề mang tầm chiến lược hàng đầu trong đường lối cách mạng Việt Nam. Mục tiêu của đoàn kết, hợp tác quốc tế là tập hợp lực lượng bên ngoài, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, thúc đẩy khả năng tự lực, tự cường, tạo điều kiện làm chuyển biến so sánh lực lượng thuận lợi cho cách mạng. Theo đó, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường phải gắn với đoàn kết, hợp tác quốc tế với mục tiêu mang lại thắng lợi cho cách mạng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong đoàn kết, hợp tác quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chủ trương đối thoại, hợp tác với bên ngoài, với các nước bằng mọi giá, mà phải dựa trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi. Theo Người, bất kỳ nước nào muốn hợp tác với Việt Nam, muốn đem tư bản đến kinh doanh ở Việt Nam với mục đích làm lợi cho cả hai bên thì sẽ được Việt Nam hoan nghênh. Ngược lại, bất kỳ nước nào mong muốn đưa tư bản đến để ràng buộc, áp đặt thì Việt Nam sẽ kiên quyết từ chối. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định độc lập, chủ quyền, bình đẳng là nền tảng trong mọi quan hệ hợp tác quốc tế. Người chỉ rõ: “Trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chúng tôi sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước”(8). Ngay khi mới giành được chính quyền, Người sẵn sàng mời những nhà chuyên môn đến từ Pháp, Mỹ, Nga,... qua Việt Nam giúp ta kiến thiết đất nước, nhưng với điều kiện họ phải thừa nhận quyền độc lập của nước ta. Theo Người, “Nếu không vậy, thì không thể nói chuyện gì được cả”(9). Đó là một nguyên lý cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ hoạt động ngoại giao Việt Nam.

Thứ ba, đoàn kết, hợp tác quốc tế để “thêm bạn, bớt thù”, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực góp phần tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc, xây dựng tình đoàn kết giữa các lực lượng cách mạng và dân chủ, thúc đẩy quan hệ quốc tế hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia nhằm củng cố, bảo vệ, giữ vững hòa bình và độc lập dân tộc. Người chủ trương tích cực, chủ động đoàn kết, hợp tác quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau; thực hiện phương châm “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(10), “thêm bạn, bớt thù” và “giúp bạn là tự giúp mình”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết, hợp tác quốc tế không những để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, mà còn là thể hiện trách nhiệm ủng hộ, giúp đỡ các nước khác, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Vì lẽ đó, Người chủ trương, một mặt, cần ra sức kháng chiến, tham gia các phong trào ủng hộ hòa bình trên thế giới; mặt khác, hợp tác phải đi đôi với đấu tranh. Người kiên quyết đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, cường quyền, áp đặt trong quan hệ quốc tế, cũng như mọi hành động can thiệp và xâm phạm lợi ích chính đáng của các dân tộc. “Những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”(11).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam_Ảnh: TTXVN

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế trong đường lối đối ngoại hiện nay

Qua hơn 35 năm đổi mới, kế thừa, vận dụng và sáng tạo truyền thống đối ngoại vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế, Đảng ta không ngừng bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(12). Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”,... thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”(13). Chính vì vậy, để vận dụng tư tưởng đoàn kết, hợp tác quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình hoạch định, thực hiện đường lối đối ngoại với nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh vận dụng, phát triển và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế trong quá trình hoạch định, thực hiện đường lối đối ngoại hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế là quá trình thực hành các quan điểm có chọn lọc và sáng tạo. Theo đó, công tác hoạch định, thực hiện đường lối đối ngoại hiện nay cần chọn lọc những nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn để thực hành một cách sáng tạo, trên cơ sở kết hợp những chỉ dẫn, nguyên tắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh với điều kiện, đặc điểm và môi trường vận dụng. Có như vậy mới mang lại hiệu quả thiết thực, tránh rơi vào vận dụng hình thức, máy móc, rập khuôn, thiếu hiệu quả.  

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế cùng các quan điểm về đối ngoại có giá trị lịch sử sâu sắc, mang ý nghĩa thời đại, nhưng không phải là bất biến, cố định, mà cần phải được bổ sung những yếu tố phù hợp với sự vận động, phát triển không ngừng của thực tiễn. Có như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh mới có sức sống mạnh mẽ, dẫn dắt, soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhất là khi “chúng ta phải nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương”(14).

Để vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế đạt kết quả, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân cần nhận thức rõ thế nào là “vận dụng”, thế nào là “phát triển”; đồng thời, cần nắm vững đối tượng để “vận dụng” và “phát triển”. Vấn đề đặt ra đối với sự “vận dụng” là phải đúng đắn, sáng tạo; “phát triển” cần bảo đảm tính kế thừa, đúng hướng. Phát triển là cập nhật nội dung mới, nâng tầm nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao giá trị của tư tưởng, lý luận.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về nội dung, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền và làm phong phú các nội dung nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trên không gian rộng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, cần chú ý đến hiệu quả, tránh chạy theo số lượng, hình thức; nội dung tuyên truyền cần phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến thế hệ trẻ, như thanh, thiếu niên, sinh viên.

Hai là, quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế ở nước ta hiện nay phải thống nhất hai mặt của mối quan hệ biện chứng: vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, để ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc. Trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của đất nước phù hợp với luật pháp quốc tế. Một trong những yêu cầu then chốt nhằm bảo đảm môi trường hòa bình là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là “nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành ngoại giao là những người đi đầu”(15).

Như một tất yếu khách quan, để tranh thủ và tận dụng tối đa cơ hội, kiểm soát và hóa giải các thách thức, ứng phó tốt với những chuyển biến bên ngoài, cần ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng. Theo đó, cần chú trọng đề cao việc xây dựng và giữ gìn đoàn kết và đồng thuận trong nước. Với mục tiêu lớn nhất, cao nhất là phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, “tất cả mọi người đều phải vì nước, vì dân”(16). Có như vậy, trong triển khai công tác đối ngoại mới có thể vận dụng và sáng tạo một cách hiệu quả nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế, “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”; thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Điểm mấu chốt là giữ “trái tim nóng, cái đầu lạnh” và “kiên quyết, kiên trì” để xử trí các thách thức đối ngoại, tranh thủ điểm “tương đồng” về lợi ích để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ba là, mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác về kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh với các nước trên thế giới.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, từ một nền kinh tế lạc hậu, xếp hạng cuối trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức hơn 340 tỷ USD (năm 2020). Giá trị thương hiệu quốc gia hiện đứng ở vị trí thứ 33 trong tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, chỉ số ảnh hưởng ngoại giao đứng thứ 9/26 ở khu vực châu Á và đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á(17). Nhằm tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cần mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác trên các lĩnh vực, như kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh với các nướcTrong đó, cần tập trung kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh; giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, để tạo thế chân kiềng vững chắc; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; chủ động phòng ngừa và hóa giải các nguy cơ an ninh thông qua thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và thượng tôn pháp luật. Tiếp tục duy trì các mối quan hệ với các đối tác, “trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực”(18).

Thực tiễn minh chứng, hợp tác kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh là một thể thống nhất, không tách rời nhau, không thể hợp tác thành công nếu chỉ hợp tác trên một mặt, một lĩnh vực. Đoàn kết, hợp tác quốc tế trên một lĩnh vực tạo ra các nhu cầu hợp tác và tác động mạnh mẽ đến kết quả hợp tác trên các lĩnh vực khác, cũng như kết quả chung của quá trình hợp tác quốc tế. Trong đó, hợp tác về kinh tế giữ vị trí trung tâm, có vai trò tiên phong thúc đẩy các mặt hợp tác khác phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Hợp tác về quốc phòng, an ninh phải dựa trên nền tảng hợp tác về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Quá trình hợp tác quốc phòng, an ninh là nhằm tạo môi trường hòa bình cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và hợp tác quốc tế ngày càng toàn diện hơn. Hợp tác về quốc phòng, an ninh càng gắn bó chặt chẽ, càng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Di sản đường lối đối ngoại, trong đó có tư tưởng về đoàn kết, hợp tác quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là một kho tàng vô cùng quý giá. Vận dụng sáng tạo và hiệu quả tư tưởng của Người trong công tác đối ngoại hiện nay góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

-----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. XV
(2) Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam: Hồ Chí Minh  - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 5 
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 2, tr. 320
(4) Trần Vi Dân: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự chủ trong đối ngoại, đoàn kết quốc tế và việc vận dụng trong tình hình hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 6-7-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/823631/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-doc-lap%2C-tu-chu-trong-doi-ngoai%2C-doan-ket-quoc-te-va-viec-van-dung-trong-tinh-hinh-hien-nay.aspx
(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr. 162, 602
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 6, tr. 311
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 10, tr. 317
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 4, tr. 86
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr. 256
(11) Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Về Nghị quyết của UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 2-12-2019, https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/ve-nghi-quyet-cua-unesco-vinh-danh-chu-tich-ho-chi-minh-543986.html
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021,
t. I, tr. 161  - 162

(13) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.183 – 184
(14), (15), (16) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt NamSđd, tr. 193, 193, 194
(17) Xem: “Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 tiếp tục gia tăng về giá trị và thứ hạng trong tốp 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh nhất trên thế giới”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 21-9-2022,  https://moit.gov.vn/tin-tuc/thong-bao/thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-nam-2022-tiep-tuc-gia-tang-ve-gia-tri-va-thu-hang-trong-top-100-gia-tri-thuong-hieu-quoc-g.html
(18) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt NamSđd, tr. 195

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website