Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới

Việt Nam là quốc gia ven biển, với bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển hơn 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền. Vùng biển, đảo nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ được phân bố theo chiều dài bờ biển và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có vị trí đặc biệt quan trọng, như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía đông đất nước; một số đảo ven bờ có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…, làm cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Biển, đảo Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế quan trọng, nằm án ngữ tuyến đường hảng hải và hàng không huyết mạch của thế giới và các nước trong khu vực. Biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải lớn của thế giới. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyên chở hàng hóa xuất, nhập khẩu một cách nhanh chóng, thuận lợi. Bên cạnh đó, biển, đảo Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và các nguồn tài nguyên khác. Dọc ven theo bờ biển nước ta có nhiều bãi triều, eo vịnh, đầm phá rất thuận lợi cho du lịch biển, đảo và nuôi, trồng hải sản có giá trị; thuận lợi cho xây dựng cảng biển, trong đó một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu quy mô lớn.

Bên cạnh vị trí quan trọng về địa kinh tế, biển, đảo Việt Nam có vị trí, vai trò trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Biển, đảo nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; các vùng biển và hải đảo cùng với đất liền hình thành phên giậu, pháo đài, chiến lũy nhiều tầng, lớp, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn vững chắc bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển, đảo Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ của đất nước ở hướng đông. Do đó, xây dựng tiềm lực, thế trận phòng thủ biển, đảo, tạo thành thế trận liên hoàn bờ - biển - đảo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa biển Việt Nam…

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Bác Hồ thăm đảo Cô Tô, ngày 9-5-1961. Ảnh: Tư liệu

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết đất nước. Người khẳng định:“Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”(1). Theo Người, “biển bạc” chính là của cải vật chất, là sự giàu có nếu khai thác tốt tiềm năng, đi liền với bảo vệ biển; biển, đảo chứa đựng tài nguyên có giá trị về kinh tế, nối liền không gian kinh tế đất nước với khu vực và thế giới. Khẳng định về vị trí, vai trò của biển, đảo, Người đã đưa ra hình ảnh gần gũi mà dễ hiểu với toàn dân: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”(2).

Theo Người, muốn khai thác tài nguyên biển phục vụ cho công cuộc kiến thiết nước nhà, trước hết cần phải giữ yên “cửa nhà”, nghĩa là giữ vững biển, đảo của Tổ quốc. Ngày 15-3-1961, nhân dịp đến thăm Bộ đội Hải quân lần thứ hai, Người chỉ rõ: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Đồng thời, Người căn dặn các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam: "Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên"(3).

Trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao và văn hóa của đất nước. Theo Người, sức mạnh bảo vệ biển, đảo là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Ngày 10-4-1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phát động miền biển, Người đã căn dặn: “Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh”(4). Đây là nguyên tắc chiến lược, bởi vì khi có nguy biến thì lực lượng và phương tiện tại chỗ của đồng bào sẽ ứng phó kịp thời, cản trở hữu hiệu mọi sự đe dọa, xâm lấn chủ quyền biển, đảo trước khi có sự phối hợp của các lực lượng khác. Trong sức mạnh đoàn kết toàn dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Người luôn nhấn mạnh đến lực lượng trực tiếp và nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam. Ngày 7-5-1955, Người chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (nay là Quân chủng Hải quân). Ngày 11-8-1965, nhân dịp hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ hải quân, vừa khen ngợi thành tích, vừa vạch rõ sự cần thiết xây dựng hải quân vững mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. "Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”(5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, bởi phạm vi chủ quyền biển, đảo của nước ta rộng lớn, trong khi thực lực của chúng ta còn hạn chế; nước ngoài có thể sử dụng nhiều thủ đoạn, kể cả vũ lực để xâm chiếm biển, đảo. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách đánh phù hợp với điều kiện, con người, địa hình bờ biển nước ta, cùng trang bị vũ khí hiện có, học tập cách đánh hiện đại kết hợp với truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên. Bên cạnh việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tập hợp lực lượng, phương thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thì việc mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo được Người đặc biệt quan tâm.

Theo Người, “nước ta là một bộ phận của thế giới. Tình hình của nước ta có ảnh hưởng đến thế giới, mà tình hình thế giới cũng có quan hệ đến nước ta”(6), nên những hoạt động đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nước ta có mối quan hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ; nhưng phải “dĩ bất biến”, “ứng vạn biến” để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Vì vậy, phải có chính sách đối ngoại rộng mở, hội nhập quốc tế và hợp tác, hòa bình tốt; tránh đối đầu và không gây thù oán với ai. Trong quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, cần tìm ra những điểm tương đồng, khai thác mọi khả năng có thể, nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết ủng hộ Việt Nam. Theo Người, để tập hợp các lực lượng quốc tế đoàn kết ủng hộ Việt Nam, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về Việt Nam, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thị sát bên trong tàu ngầm HQ-184 Hải Phòng, trong chuyến thăm và làm việc với Vùng 4 Hải quân tại Căn cứ quân sự Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức to lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng các hoạt động, yêu sách chủ quyền, nhất là ở những vùng biển giáp ranh, nhạy cảm, chưa phân định. Vì vậy, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo càng trở nên quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Một là, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong hệ thống chính chính trị và toàn xã hội đối với trách nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bởi vì, chỉ trên cơ sở nhận thức đúng thì mới tạo được sự đồng thuận xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, như Bác Hồ đã căn dặn: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và bè lũ cướp nước”(7). Cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc ta; đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật, phương châm, tư tưởng chỉ đạo, đối sách giải quyết các vấn đề biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta; các tập quán, điều ước quốc tế về biển và Việt Nam là thành viên; bản chất âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá nước ta; tính chất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay...

Hai là, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Quán triệt và vận dụng phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người, cần thấm nhuần quan điểm có tính nguyên tắc: Chủ quyền biển, đảo là chủ quyền quốc gia trên biển, là lợi ích quốc gia thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là cái “bất biến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thay mặt đất nước và nhân dân Việt Nam, tuyên bố với thế giới rằng, nhân dân chúng tôi thành thực mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và độc lập cho đất nước; toàn thể nhân dân Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải”(8) để giữ vững chủ quyền quốc gia. Cái “vạn biến” là cách ứng xử của ta phải linh hoạt, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ theo đúng tinh thần: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”(9). Vận dụng tư tưởng này của Người trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc để đạt mục đích tối thượng là bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất, sải biển, song phương pháp, cách thức đấu tranh phải linh hoạt, mềm dẻo bằng mọi hình thức, biện pháp, trong đó lấy đối thoại, đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng; kiên quyết, kiên trì không mắc âm mưu khiêu khích, tạo cớ. Kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng giải pháp “hòa bình”, bằng sức mạnh tổng hợp: đấu tranh chính trị, ngoại giao, chứng cứ pháp lý, lịch sử. Chúng ta kiên trì, tránh xung đột nhưng khi chủ quyền bị xâm phạm, chúng ta sẵn sàng đáp trả bằng quyền tự vệ chính đáng. Xử lý thật tốt mối quan hệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền và duy trì hòa bình, ổn định. Đồng thời, cần cảnh giác trước những mưu toan hạ thấp giá trị chủ quyền biển, đảo hoặc làm suy giảm lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước…

Ba là, xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển là quá trình xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, ý chí, tâm lý và niềm tin của nhân dân trên vùng biển, đảo của Tổ quốc, mà cốt lõi là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu của nhân dân. Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển phải song hành với việc giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ pháp luật. Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt.

Tập trung xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng biển, kiểm ngư và dân quân tự vệ biển, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp cao; chú trọng xây dựng trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trình độ hợp đồng tác chiến quân binh chủng đi liền với trang thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại; kết hợp tốt phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh trên biển của các lực lượng chuyên trách. Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò tham mưu của lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; về xây dựng khu vực phòng thủ biển, đảo vững chắc; tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho ngư dân; bảo đảm hậu cần - kỹ thuật nghề cá; chú trọng công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường biển.

 

 Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ảnh: dantri.com.vn

Bốn là, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Xác lập và thực thi chiến lược phát triển đất nước thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát huy các nguồn lực bên trong, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài để phát triển các khu vực ven biển. Phát triển kinh tế biển là cơ sở quan trọng để củng cố quốc phòng - an ninh trên biển, đồng thời củng cố quốc phòng - an ninh trên biển là điều kiện, tiền đề để phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế biển phải tạo cơ sở cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và ngược lại. Sự gắn kết và mối quan hệ biện chứng này phải được xác định rõ từ quan điểm, chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh trên biển; gắn chặt và thống nhất chung trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta khẳng định: “Đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng”(10). Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân định cư lâu dài trên các đảo. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại, theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 374

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 311

(3) Truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2005), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 80

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 310

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 597

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 346

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 38

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 3

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 555

(10) Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr. 84

NGUYỄN HỮU CẦN

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Theo https://www.tapchicongsan.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website