Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác kiểm tra của Đảng hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954). Ảnh: Tư liệu

1. Về mục địch, vị trí, vai trò của công tác kiểm tra

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có kiểm tra mới huy động tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(1). Theo Người, mục đích của công tác kiểm tra chính là phát hiện những hạn chế, bất cập, thiếu sót trên mọi phương diện trong quá trình tổ chức thực hiện để hoàn thành tốt nhất công việc đề ra. Thông qua kiểm soát, những hạn chế, khuyết điểm đều được phát hiện và khắc phục kịp thời; nhờ có kiểm tra mà biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu, mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan, của các mệnh lệnh và nghị quyết. Đồng thời, công tác kiểm tra còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong ba nhân tố quyết định đến sự thành công của mọi công việc, bên cạnh cách thức tổ chức thực hiện và công tác cán bộ. Theo Người, nếu thiếu một trong ba điều trên thì chính sách đúng đến mấy cũng không thể mang lại hiệu quả trong thực tiễn.

Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng (ngày 29-7-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”(2). Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mệnh lệnh hành động xuyên suốt trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, công tác kiểm tra đều được quan tâm và điều chỉnh phù hợp về chức năng, nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, cũng như trong hoạt động thi hành nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Kiểm tra là hoạt động tất yếu và có vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa lãnh đạo và kiểm tra có mối quan hệ biện chứng và là nguyên nhân - kết quả của nhau. Trong đó, kiểm tra được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng quyết định tính đúng đắn và đem lại hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo đúng nghĩa là: 1- Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng… 2- Phải tổ chức sự thi hành cho đúng… 3- Phải tổ chức sự kiểm soát”(3). Trong tổ chức thực hiện chính sách, người lãnh đạo cần phải xác định cụ thể các nguồn lực, có cách tổ chức, kết hợp hợp lý các nguồn lực đó với nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để biết được các nguồn lực đó đã được xác định đầy đủ, cụ thể? Ai là người phụ trách? Cách thức triển khai các nguồn lực đó như thế nào? Năng lực, khuyết điểm của cán bộ như thế nào, ai ra sức làm, ai làm qua chuyện? Chính sách đó đã được thực hiện đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì? Quần chúng nhân dân có nhiệt tình tham gia hay không?... chỉ có một cách là phải thực hiện kiểm tra trong công tác lãnh đạo. Do đó, trong lãnh đạo cần phải thực hiện kiểm tra, kiểm tra là để phục vụ lãnh đạo, có như vậy các nghị quyết, chính sách mới đi vào cuộc sống, mới được tổ chức thực hiện tốt và có kết quả. Kiểm tra là yếu tố cơ bản để người lãnh đạo bám sát thực tiễn hoạt động. Kết quả kiểm tra giúp cho người lãnh đạo có thông tin thực tiễn, từ đó ban hành, điều chỉnh các quyết định một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu định hướng quản lý, lãnh đạo.

2. Về cách thức kiểm tra

Là nhân tố quyết định sự thành bại của công việc, công tác kiểm tra cần phải được quan tâm và tổ chức thực hiện đúng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách thức kiểm tra nhấn mạnh một số nội dung sau:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc với
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Ảnh: TTXVN

Thứ nhất, cần phải vận động quần chúng nhân dân tham gia vào công tác kiểm tra, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy, sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại”(4). Theo Người, trong công tác kiểm tra nói riêng và trong mọi công tác nói chung cần phải xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi; trái lại, xa rời nhân dân, không xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, nhất định sẽ thất bại.

Thứ hai, công tác kiểm tra phải được thực hiện có hệ thống, phải làm thường xuyên. Nghĩa là khi đã có nghị quyết, chính sách thì phải lập tức đôn đốc, tổ chức thực hiện nghị quyết, chính sách ấy, “phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn”(5); đồng thời, kiểm tra có liên quan mật thiết đến sự thành bại của công việc, nên cần phải được thực hiện thường xuyên, bền bỉ và có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ, chi tiết.

Thứ ba, công tác kiểm tra phải được tiến hành tận nơi, sát người, sát việc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc kiểm tra không nên chỉ dựa vào hệ thống báo cáo, mà phải đi đến tận nơi, xem tận chỗ. Phương pháp trong kiểm tra, giám sát là phải đi cơ sở nắm thông tin, tình hình; thẩm tra, xác minh, phân tích, đánh giá để kết luận vụ, việc khách quan, chính xác. Chủ thể kiểm tra phải sử dụng các phương pháp cả kiểm tra trực tiếp và kiểm tra gián tiếp để bảo đảm tính tập trung, dân chủ, nhằm đưa ra những quyết định và các biện pháp xử lý đúng tính chất vụ, việc. Người từng thẳng thắn phê phán: “Nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”(6).

Thứ tư, sử dụng cách thức tự phê bình và phê bình trên tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí để kiểm tra. Quá trình kiểm tra phải gắn với tự phê bình và phê bình để giáo dục, thuyết phục, uốn nắn đảng viên, cán bộ và định hướng công tác lãnh đạo của các tổ chức, cơ sở, tạo điều kiện phát huy dân chủ trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và cơ quan quản lý của Nhà nước. Công tác kiểm tra gắn với tự phê bình và phê bình là một giải pháp khoa học nhằm làm cho mỗi tổ chức, cơ sở vững mạnh, cán bộ, đảng viên luôn giữ vững định hướng chính trị, nhận thức tư tưởng, trau dồi phẩm chất đạo đức trong sáng; đồng thời, chủ động cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên trong quá trình công tác. Do đó, đối với cán bộ làm công tác kiểm tra, Người đã lưu ý và nhấn mạnh: “Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng…. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”(7).

Thứ năm, trong quá trình kiểm tra cần phải thực hiện kiểm tra từ trên xuống và từ dưới lên. Kiểm tra từ trên xuống nghĩa là người lãnh đạo kiểm tra, giám sát kết quả công việc của cán bộ mình quản lý; còn kiểm tra từ dưới lên tức là quần chúng nhân dân và cán bộ cấp dưới kiểm soát công tác lãnh đạo, quản lý của cán bộ cấp trên, đề xuất giải pháp khắc phục, sửa chữa nếu phát hiện thấy hạn chế, sai lầm, khuyết điểm.

3. Về chủ thể thực hiện công tác kiểm tra

Thông qua công tác kiểm tra mà người lãnh đạo có được thông tin kịp thời, đa dạng trên nhiều mặt để từ đó đưa ra quyết định lãnh đạo đúng đắn của mình. Do đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảm nhiệm công tác kiểm tra trước hết phải là người lãnh đạo và “người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra”(8). Trong công tác kiểm tra, người lãnh đạo cần chú trọng xây dựng một đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và phải chịu trách nhiệm đối với công tác kiểm tra của mình. Với việc xác định rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn sẽ làm cho công tác kiểm tra đạt hiệu quả và người làm công tác kiểm tra cũng dễ bề hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
chủ trì kỳ họp 48 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTXVN

Cán bộ thực hiện công tác kiểm tra phải là những cán bộ gương mẫu, có năng lực, phẩm chất và uy tín. Phẩm chất đạo đức đối với người làm công tác kiểm tra là để bảo đảm khách quan, chí công vô tư trong công tác kiểm tra, phát huy tối đa hiệu quả, tính nhân văn của công tác kiểm tra, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị; năng lực của người cán bộ kiểm tra được thể hiện ở chỗ phát hiện, đánh giá được ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ, cơ quan, đơn vị, cũng như kết quả, hạn chế của mệnh lệnh, nghị quyết được cụ thể hóa trong thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng... Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”(9).

Cho đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra vẫn giữ nguyên tính thời sự và giá trị, là kim chỉ nam cho công tác kiểm tra của Đảng.

Một số giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác kiểm tra của Đảng hiện nay

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra. Điều quan trọng trước hết là cần tuyên truyền, giáo dục cho các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấy rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; nắm vững quy chế, quy trình, chức năng, nội dung, nhiệm vụ của các tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho quần chúng nhân dân thấy và hiểu được vị trí, vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra để từ đó huy động được sức dân và sự ủng hộ của nhân dân vào công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra không phải là “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết”, làm giảm thành tích của đơn vị, địa phương mình”(10) mà cốt “trị bệnh cứu người”, lấy xây dựng và cải tạo để chủ động phòng ngừa, uốn nắn, giáo dục, khơi dậy sự tự giác là chính.

Hai là, công tác kiểm tra phải được tiến hành một cách có hệ thống và thực hiện thường xuyên. Kiểm phải có hệ thống nghĩa là khi đã có nghị quyết phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết đó, đồng thời với quá trình kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình, không buông lỏng ở khâu, giai đoạn nào. Đồng thời, công tác kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, coi công tác kiểm tra như một bộ phận cấu thành tất yếu trong quá trình lãnh đạo, quyết định sự thành bại trong công việc. Phải từng bước chuyển hóa công tác kiểm tra thành tự kiểm tra như một hoạt động tự thân đối với mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Ba là, cán bộ kiểm tra phải là những người có năng lực, phẩm chất và uy tín, vì vậy cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra vừa “hồng”, vừa “chuyên”, thật sự tiêu biểu về chuyên môn và đạo đức. Kiểm tra là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra không những tinh thông chuyên môn mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, lòng nhiệt tình, tâm trong sáng. Do đó, cần chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn; trung thành với lý tưởng của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên và trước lợi ích của cá nhân, hết lòng, hết sức, dốc tâm, tận tụy phục vụ Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Cấp ủy, chính quyền cần thực hiện đồng bộ việc quy hoạch cán bộ gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ; bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý; chú trọng công tác quản lý và đánh giá cán bộ; đặc biệt, cần thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ.

Bốn là, bảo đảm tính khách quan, quán triệt tinh thần tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra. Mục đích của công tác kiểm tra là nhằm đánh giá những kết quả, hạn chế, phân tích nguyên nhân, đưa ra kiến nghị để các đối tượng kiểm tra tìm biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Người cán bộ kiểm tra cần luôn tâm niệm những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đưa ra nhận xét, đánh giá những hạn chế, khuyết điểm, phải giải thích thật cụ thể, rõ ràng, mạch lạc, trên cơ sở những quy định hiện có của pháp luật, của ngành, để làm cho đối tượng kiểm tra tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ tự nguyện sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi. Để có được điều đó, người cán bộ kiểm tra phải thật sự có uy tín, trách nhiệm và thái độ làm việc chuyên nghiệp, có năng lực và trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm công tác; luôn bảo đảm tính thận trọng trong nhận xét, đánh giá, để thấu tình, đạt lý, không đao to, búa lớn. Về đạo đức, tác phong và lối sống, người cán bộ kiểm tra phải có thái độ chuẩn mực, từ lời ăn, tiếng nói, không sách nhiễu và gây khó khăn, phiền hà, không sống bê tha, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Năm là, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện kiểm tra sao cho thật sát và đúng, nội dung kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm. Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra là một trong những nghiệp vụ cơ bản nhưng lại quyết định đến tính chất, hiệu lực và hiệu quả của công tác kiểm tra. Do đó, cần phải tổ chức khoa học, lập kế hoạch cụ thể, chi tiết và tỉ mỉ công tác kiểm tra; chú trọng nội dung kiểm tra về việc khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và chất lượng thực hiện nhiệm vụ, về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, gắn với mở rộng công tác giám sát, thi hành nghiêm kỷ luật Đảng.

Sáu là, bảo đảm sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân trong công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra là nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo, đồng thời cần có sự phối hợp tổ chức thực hiện chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt trong quá trình kiểm tra, cần coi trọng việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện dân chủ các hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra,… nhằm bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đặc biệt thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, dựa vào “tai mắt” của nhân dân để thực hiện công tác kiểm tra./.

---------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 636

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 362

(3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 325-326, tr.637, tr. 636-637

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 363 - 364

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 637

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 363 - 364

TS. NGUYỄN HẢI HOÀNG - Đại học Công đoàn

Theo https://www.tapchicongsan.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website