"Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam"
Tình cảm đặc biệt của Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực với V.I.Lênin - Lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Từ một người yêu nước, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tư tưởng cứu nước và giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự chuyển biến về chất. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có những đánh giá đầy đủ, đúng đắn về những cống hiến xuất sắc của Lênin đối với cách mạng thế giới và cách mạng thuộc địa. Người chỉ rõ, Lênin là người được kính trọng ở cả phương Đông và phương Tây: “Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một người con vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa”(1). Thiên tài và đạo đức cách mạng vĩ đại, cao đẹp của Lênin ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á, làm cho trái tim, khối óc của nhân dân châu Á hướng về Người không gì cưỡng lại nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng Việt Nam đi theo chỉ dẫn của Lênin; vì vậy, Người khẳngđịnh: “Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”(2).

Trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, mặc dù chưa có cơ hội trực tiếp gặp V.I.Lênin, nhưng khi được tiếp xúc với học thuyết của V.I.Lênin về vấn đề giải phóng thuộc địa từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã tuyệt đối tin tưởng và đi theo con đường cách mạng do V.I.Lênin lãnh đạo, Người đã ủng hộ Quốc tế Cộng sản do V.I.Lênin thành lập năm 1919. Ðồng thời, ca ngợi thiên tài, tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của V.I.Lênin và ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Tình cảm đặc biệt ấy, được Nguyễn Ái Quốc thể hiện sâu sắc trong bài viết “Lênin và các dân tộc thuộc địa” trên Báo Pravđa, tiếng Nga, ngày 27-1-1924: “"Lênin đã mất!". Tin này đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp các bình nguyên phì nhiêu ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu Á. Đúng, những người da đen và da vàng có thể chưa biết rõ Lênin là ai, nước Nga ở đâu. Bọn đế quốc thực dân cố ý bưng bít không cho họ biết…Nhưng tất cả họ, từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó gọi là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin. Chỉ như thế cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình đối với nước đó và lãnh tụ của nước đó. Nhưng không phải chỉ có thế. Họ còn được biết rằng người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa”(3).

Hồ Chí Minh ca ngợi phẩm chất sáng ngời của vị lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với những tình cảm sâu sắc nhất với niềm tiếc thương vô hạn khi V.I.Lênin từ trần: “Từ bao thế kỷ nay, bao nhiêu triệu con người đã bị xiềng xích như thế?... Trong lúc cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra ác liệt, trong lúc hàng triệu người không làm hại đến ai, đang muốn sống, nhưng lại bị đưa vào chỗ chết, Lênin đã đạp bằng gian khổ và khó khăn, đã thức tỉnh giai cấp vô sản Nga nổi dậy, đã tổ chức các xôviết. Lênin không những chỉ giải phóng nam giới và nữ giới trên đất nước Tiên sinh, mà còn chỉ đường cho tất cả những người nghèo khổ trên thế giới. Và bất chấp bọn bạch vệ tấn công ở bên trong, bọn tư bản bao vây ở bên ngoài, ý chí kiên cường của Lênin đã cứu đồng bào của Tiên sinh ra khỏi cảnh đau khổ và lầm than, và đã nêu cao ngọn cờ của Quốc tế cho tất cả những người bị áp bức. Điều đó há chẳng đáng để ta kính cẩn mặc niệm trước anh linh vĩ đại của Tiên sinh hay sao? Ngày 21 tháng 1 há chẳng mãi mãi là một ngày tang cho tất cả những nam nữ đang chịu khổ cực hay sao?”(4).

Với tình cảm cách mạng trong sáng, trong bài “Kỷ niệm Lênin” trên báo Nhân dân, số 91, từ ngày 15 đến ngày 21-1-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng chí Lênin ra đời ngày 22-4-1870, mất ngày 21-1-1924. Thọ 54 tuổi. Suốt 25 năm, đồng chí Lênin là người tổ chức và lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, đội tiên phong đã đưa giai cấp vô sản Nga đến cách mạng thắng lợi, đồng thời cũng là người lãnh đạo giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới. Đồng chí Lênin là người đã phát triển và đã thực hiện chủ nghĩa Mác và Ăngghen, là người đã dạy bảo chúng ta đường lối cách mạng chắc chắn thắng lợi. Trong bài vắn tắt này, không thể kể hết đạo đức và công ơn như trời như bể của đồng chí Lênin”(5).

Chủ nghĩa Lênin - Cẩm nang “thần kỳ” của cách mạng Việt Nam

Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Lênin là một cuộc gặp lịch sử. Với quyết tâm tìm con đường cứu nước, sau bao năm bôn ba khắp các châu lục, vừa lao động kiếm sống, vừa hoạt động trong phong trào các dân tộc bị áp bức, phong trào công nhân, tháng 7 năm 1920, trên những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, đăng trên báo Nhân Ðạo (L’Humanité) của Ðảng Xã hội Pháp. Hồi tưởng giây phút trọng đại đó, trong tác phẩm “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Người viết: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(6).

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vui mừng như vậy vì đã tìm thấy con đường duy nhất để cứu nước, cứu dân, con đường giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản thực dân Pháp và chế độ phong kiến - đó là con đường cách mạng vô sản. Tại Ðại hội Tua của Ðảng Xã hội Pháp cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(7). Sau đó, khi “Trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô, phóng viên báo L'humanité (Pháp), ngày 15-7-1969, Người tiếp tục khẳng định lại: “Hỏi: Vậy nên gợi lại như thế nào vai trò của Lênin và chủ nghĩa Lênin đối với đồng chí? Trả lời: Đồng chí biết truyền thuyết của chúng tôi về cái “cẩm nang”. Khi gặp khó khăn, người ta giở cẩm nang ra và tìm thấy cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin cũng gần như cái cẩm nang thần kỳ đó. Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”(8).

Hướng về Lênin - lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga với chủ nghĩa Lênin mà theo Người đó là “chủ nghĩa Lênin là chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản”(9), từ cuối năm 1923, đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Liên Xô học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Lênin để tìm con đường giải phóng dân tộc. Kế tục truyền thống chí khí và tự tôn của ông cha, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết chí ra đi tìm đường giải phóng dân tộc. Trong những năm tháng học tập, hoạt động, nghiên cứu trên đất nước Xô-viết, Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm xuất sắc về Lênin và cuộc Cách mạng Tháng Mười. Ðặc biệt, vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã cho xuất bản cuốn sách “Ðường cách mệnh” làm tài liệu huấn luyện cán bộ để chuẩn bị cho việc thành lập Ðảng. Bằng những cứ liệu lịch sử và sự phân tích sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ cho nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước thuộc địa thấy rằng công cuộc đấu tranh giải phóng trong thời đại mới không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, vì đó là “cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(10). Người chỉ rõ, để làm cách mạng thắng lợi, điều kiện hàng đầu là phải có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công”. “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(11). Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(12).

Với tư duy sắc bén, vừa có tính biện chứng, vừa có tính thực tiễn sâu sắc, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và giành được những thắng lợi to lớn; vì vậy, Người khẳng định: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”(13). Trong tác phẩm “Chủ nghĩa Lênin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức”, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Từ trong học thuyết dạt dào sức sống của chủ nghĩa Lênin, chúng tôi khơi nguồn sức mạnh để giành thắng lợi cho sự nghiệp thiêng liêng là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, để giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội!”(14). 

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (12/1920)

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. (Ảnh tư liệu) 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết nhiều tác phẩm về Lênin để giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân ta luôn ghi nhớ công ơn và học tập, vận dụng học thuyết cách mạng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, học tập kinh nghiệm của nhân dân các dân tộc Xô-viết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Vấn đề cốt tử nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục Ðảng và toàn dân ta là chăm lo xây dựng Ðảng thật sự là một đảng Mác - Lê-nin chân chính. Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phấn đấu hy sinh vì lợi ích của nhân dân, mà V.I.Lênin là tấm gương tiêu biểu để Ðảng xứng đáng là “trí tuệ, lương tâm, danh dự” của dân tộc và thời đại, được nhân dân tin yêu… Tinh thần đó được Người chỉ rõ khi dẫn lại Xtalin trong tác phẩm “Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng  của người cách mạng”, đó là: “Diễn thuyết trong cuộc tuyển cử Xô-viết Tối cao, đồng chí Xtalin nói: “Các cử tri và nhân dân cần yêu cầu những đại biểu của mình trước sau họ phải làm tròn nhiệm vụ của họ; trong công tác họ không được thoái hoá thành người chính trị xoàng; yêu cầu họ trước sau xứng đáng là nhà chính trị theo kiểu Lênin. Yêu cầu họ thành những người rành rõ và đứng đắn như Lênin.

“Yêu cầu họ cũng như Lênin gan góc chiến đấu và đối phó với kẻ địch của nhân dân không nể nang. Yêu cầu họ khi gặp bước gian nan, thấy sự nguy hiểm, như Lênin không sợ sệt hoặc có tâm lý sợ sệt”.

“Yêu cầu họ, như Lênin, sáng suốt, bình tĩnh; khi giải quyết những vấn đề phức tạp, xem xét mọi mặt, cân nhắc cẩn thận. Yêu cầu họ trung thành, trong sạch như Lênin. Yêu cầu họ thương mến nhân dân, như Lênin”.

Học tập Lênin nói một cách giản đơn là như thế. Tu dưỡng, tức là học Lênin như thế”(15).

Người còn chỉ rõ thêm:

“Đảng viên ta tuy không có tài cao học rộng như Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin. Nhưng chúng ta chỉ cốt có quyết tâm, trước sau quyết giữ vững địa vị chiến sĩ tiên phong của vô sản, xem xét nhân sinh và thế giới theo đúng chủ nghĩa cách mạng, trước sau không rời công tác cách mạng của giai cấp vô sản, ra sức rèn luyện và tu dưỡng - như vậy thì nhất định có thể nâng cao tư cách của mình đến chỗ:

Sáng suốt và bình tĩnh,

Gan góc đấu tranh, không nể nang đối với kẻ địch của dân,

Gặp lúc khó khăn, không sợ sệt hoặc có tâm lý sợ sệt,

Trung thành, trong sạch,

Yêu mến nhân dân, như Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin vậy.

Đồng thời, áp dụng phương pháp và thái độ Mác - Lênin mà giải quyết các vấn đề phức tạp, xem xét cân nhắc kỹ càng các vấn đề.

Nói tóm lại: Chỉ cốt chúng ta quyết tâm ra sức học tập, rèn luyện và tu dưỡng, không rời xa công tác cách mạng thiết thực của quần chúng, thì chúng ta nhất định nâng cao tư cách của mình đến trình độ những nhà chính trị theo kiểu Mác - Lênin”(16).

Ðảng ta, nhân dân tự hào khẳng định rằng, trong gần 9 thập kỷ qua, đi theo con đường cách mạng của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã phát triển và làm phong phú lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin bằng thực tiễn lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó chính là giá trị vĩnh hằng của Chủ nghĩa Lênin không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà còn là của cách mạng thế giới và loài người tiến bộ, đúng như kết luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong tác phẩm “Chủ nghĩa Lênin vĩ đại muôn năm!”: “Kết luận: Chủ nghĩa Lênin vĩ đại đã đưa lịch sử loài người lên giai đoạn mới - giai đoạn chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(17)./.

----------------------------

(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.317; tr.257; tr.256; tr.289

(5) Sđd, tập 8, tr.12

(6), (7)Sđd, tập 12, tr.562; tr.563

(8), (13) Sđd, tập 15, tr.588; tr.589-590

(9) Sđd, tập 7, tr.581

(10), (11), (12) Sđd, tập 2, tr.296; tr.289; tr.304

(14) Sđd, tập 9, tr.415

(15), (16) Sđd, tập 6, tr.296-297; tr.297

(17) Sđd, tập 13, tr.384.

Nguyễn Bảo Minh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website