|
Bác Hồ nói chuyện với GS. Trần Hữu Tước và các đại biểu trí thức là đại biểu Quốc hội - 1964 |
1. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của trí thức với cách mạng và xã hội Việt Nam
Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt v.v…”(2) để lôi kéo tầng lớp trí thức đi theo cách mạng.
Người cho rằng trí thức Việt Nam khác với trí thức tư bản đế quốc. Trí thức Việt Nam có đầu óc dân tộc và cách mạng. Vì trí thức Việt Nam là người Việt nằm trong dân tộc Việt Nam cho nên họ cũng bị đế quốc câu kết với phong kiến áp bức. Vì vậy, lúc đã hiểu biết, trí thức ta dễ theo cách mạng, do đó Đảng cách mạng phải dìu dắt, giúp đỡ trí thức của ta dựa vào phe cách mạng, phe công nông. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, công nông là gốc cách mạng, còn trí thức là bầu bạn của cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta khẳng định trong xây dựng chính quyền, tiến hành vừa kháng chiến vừa kiến quốc, trong việc quân sự, cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, đều cần những người thông thạo về công nghệ, nông nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục.v.v… Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng sử dụng nhân tài từ các thành phần xã hội khác nhau, trong đó rất chú ý mời gọi sử dụng các trí thức yêu nước tham gia bộ máy chính quyền từ Trung ương tới cơ sở và đề cao vị trí, vai trò của trí thức trong xây dựng và triển khai đường lối, chính sách của Đảng.
Ngày 22/6/1947, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Người chỉ rõ: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”(3).
Tháng 02/1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng. Chính cương Đảng Lao động Việt Nam được thông qua tại Đại hội này khẳng định rõ chính quyền và Mặt trận Dân tộc thống nhất đều: “Lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí thức làm nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo”(4) . Như vậy, từ trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẳng định việc xây dựng liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là nguyên tắc chiến lược cách mạng. Liên minh công-nông-trí thức là nền tảng của Nhà nước Việt Nam và của Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Sau Đại hội lần thứ II, với tư cách Chủ tịch Đảng, Người chỉ rõ vai trò của trí thức đối với Đảng: “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất và “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ phát triển tài năng”(5).
“Lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội”(6).
Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng, Chính phủ phải rất chú ý đến việc giúp đỡ anh em trí thức cũ, sinh ra trưởng thành từ trong chế độ cũ, cải tạo tư tưởng để tiến bộ cùng cách mạng. Đồng thời, tiến hành đào tạo ở trong nước và gửi người đi học nước ngoài để tạo ra lớp trí thức mới từ trong các giai cấp công nhân, nông dân. Trong thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú ý lôi kéo những trí thức cao cấp, có tài đi theo cách mạng, giao cho họ những trọng trách và chức vụ, quyền hành trong bộ máy nhà nước để họ có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho cách mạng, cho Tổ quốc và nhân dân.
2. Trân trọng, yêu quý, trọng dụng đội ngũ trí thức
Ở cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, tin yêu, quý trọng trí thức Việt Nam và khẳng định: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn nhiều”(7). Bên cạnh đó, Người đã đề ra nhiều biện pháp và quyết tâm biến tư tưởng đó thành chính sách cụ thể, thành hiện thực trong cách mạng. Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng việc tìm kiếm, phát hiện người có tài, có đức, mạnh dạn sử dụng những trí thức do chế độ cũ đào tạo nhưng có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Có nhiều trí thức tự nguyện đi theo cách mạng và trở thành những nhà cách mạng lỗi lạc, giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng, Chính phủ như các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Tố Hữu.v.v...
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thành lập Chính phủ lâm thời (1945), Chính phủ Liên hiệp lâm thời (01/01/1946), Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (02/3/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đều mời những trí thức có tên tuổi trong chế độ cũ tham gia xây dựng chế độ mới và mạnh dạn giao cho họ những trọng trách lớn trong bộ máy nhà nước.
Trong Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình Quốc hội danh sách Chính phủ mới thay cho Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Trong Chính phủ mới thành lập ngày 3/11/1946 cũng có nhiều nhà trí thức tiêu biểu của đất nước.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ, học giả, từng làm Viện trưởng Viện dân biểu, Chủ bút báo Tiếng Dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần gửi điện mời tham gia Chính phủ. Cụ được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, thành lập tháng 3/1946. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị sang Pháp đàm phán với Chính phủ Pháp đã tin tưởng giao cho Cụ chức Quyền Chủ tịch nước.
Học giả Nguyễn Văn Tố, làm việc tại Trường Viễn Đông bác cổ, từng là Hội trưởng Hội Trí tri, Hội trưởng Hội truyền bá chữ Quốc ngữ trước năm 1945, được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên làm việc tại Trường Viễn Đông bác cổ, nhà giáo, nhà nghiên cứu về lịch sử và dân tộc học được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Kỹ sư công chánh Trần Đăng Khoa, làm việc tại Đà Lạt, được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông.
Luật gia Vũ Đình Hòe, trước năm 1945 là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Thanh Nghị, được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Bác sĩ Y khoa Hoàng Tích Trí, Giáo sư của Trường Đại học Y khoa Hà Nội và làm việc tại các bệnh viện trước năm 1945, được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế…
Năm 1947, Chính phủ được cải tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời một số nhân sĩ, trí thức giữ các vị trí trong Chính phủ nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Luật sư Phan Anh, từng là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim, được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế.
Giáo sư Hoàng Minh Giám, vốn là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, năm 1946 là Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam; từ Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Giáo sư, nhà toán học Tạ Quang Bửu được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Sau khi Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng qua đời, tháng 11/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Phan Kế Toại nguyên là cựu Tổng đốc triều Nguyễn, Khâm sai đại thần trong chính phủ Trần Trọng Kim, làm Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, năm 1948, giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, từ năm 1955 - 1961 giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng trí thức, không chỉ ở chỗ giao cho họ những chức vụ cao, mà còn chú ý sắp xếp trí thức vào những vị trí phát huy được tài năng của họ và quan tâm chăm sóc, tôn vinh những trí thức có công phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Người chỉ rõ: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không phải là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(8).
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam, có người nổi tiếng trong chế độ cũ, có người đã thành danh ở nước ngoài đã đi theo cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân, trở thành những người có công với cách mạng.
3. Sáng suốt phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm của trí thức
Đánh giá con người là việc khó, đánh giá cán bộ, đánh giá trí thức càng khó hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta tấm gương mẫu mực về sự đánh giá thẳng thắn, khách quan, công bằng về những ưu điểm, hạn chế, yếu kém của trí thức. Người hết sức trọng dụng, tôn vinh, thương yêu trí thức, nhưng Người cũng chỉ rõ thương yêu giúp đỡ không phải là vỗ về, nuông chiều bỏ mặc họ.
Trong các buổi nói chuyện với trí thức, nhất là tại các lớp chỉnh huấn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức nghiêm khắc, công bằng, sáng suốt trong đánh giá trí thức.
Về ưu điểm, Người khẳng định: “Trí thức Việt Nam có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng. Vì cũng có đầu óc dân tộc và vì học thức nên xem được sách, biết được dân chủ, biết được lịch sử cách mạng, nhất là lịch sử cách mạng Pháp, nên dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng.
Trí thức Việt Nam khác với trí thức tư bản đế quốc như vậy. Cũng vì vậy lúc đã hiểu biết, trí thức ta sẽ theo cách mạng...
Trong mấy năm kháng chiến, một bộ phận lớn trí thức Việt Nam đã chịu khó chịu khổ đi với kháng chiến, phục vụ kháng chiến”(9).
“Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc ta. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài”(10).
“Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến”(11).
Về khuyết điểm, Người cho rằng do nền giáo dục nhồi sọ, chia rẽ, nô lệ của đế quốc phong kiến làm cho anh chị em trí thức do chế độ cũ tạo ra có khuyết điểm. Đó là những khuyết điểm mà anh chị em là đảng viên hay không đảng viên và các tầng lớp khác cũng đều có cả. Đó là các khuyết điểm:
- Cá nhân chủ nghĩa: Cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến gia đình lớn là dân tộc, cái mình lớn hơn là phải hòa với dân tộc.
- Tính không kiên quyết: Làm việc gì cũng thiếu kiên quyết. Lúc vui, lúc hứng lên thì làm. Nếu gặp trở ngại hay thất bại là thụt lùi. Vì không kiên quyết nên dễ lung lay.
- Thái độ bàng quan: Một thái độ gọi là ngoài giai cấp. Tức là cho mình là trí thức thì không đứng về phe nào. Cho rằng phe nào cũng có cái hay cái dở. Cách mạng cũng có cái hay, đế quốc cũng có cái hay. Công nhân thì mộc mạc nhưng thô tục, đế quốc có cái “lịch sự, văn minh”…
- Óc làm thuê: Đầu óc: “ăn cơm chúa múa tối ngày”.
- Địa vị: Không căn cứ vào công việc của mình, vào năng lực của mình mà cứ so sánh anh này là trưởng phòng, chủ nhiệm, anh kia phó phòng, phó chủ nhiệm(12).
Từ đánh giá đó, Người chỉ ra rằng: “Đảng và Chính phủ rất chú ý đến việc giúp đỡ anh em trí thức cũ tiến bộ, cải tạo tư tưởng, đồng thời đào tạo ra trí thức mới từ lớp công nhân, nông dân ra”(13).
Bên cạnh việc đánh giá đúng đội ngũ trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện trí thức. Người trí thức cần tự nguyện, tự giác cải tạo bản thân mình. Muốn làm cách mạng xã hội, trước hết mỗi người phải làm cuộc cách mạng về tư tưởng, tình cảm, tâm lý, tính cách của mình, tu sửa bản thân mình theo những mục tiêu cách mạng xã hội. Bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh thắng tư tưởng cũ, đoạn tuyệt với con người cũ để trở thành con người mới. Có vậy mới xứng đáng là những bậc trí thức có trách nhiệm nặng nề, và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Song, việc tự cải tạo đó không dễ. Đó là một cuộc cách mạng trong người, nó lâu dài và gian khổ.
4. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam
Từ năm 1926, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là cán bộ Quốc tế cộng sản đã dày công tổ chức đưa nhiều thế hệ thanh niên yêu nước ra nước ngoài học tập rồi trở về nước tham gia hoạt động cách mạng. Trong đó, có nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo của Đảng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 01/11/1945 với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ đề nghị gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Vì theo Người “những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”(17). Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, hàng nghìn thanh niên Việt Nam đã được chọn cử sang Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác trong hệ thống xã hội chủ nghĩa để học tập khoa học, kỹ thuật, chuẩn bị đội ngũ trí thức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lâu dài.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta có điều kiện hơn để chú trọng xây dựng hệ thống giáo dục chính quy từ cấp phổ thông đến đại học. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc xây dựng hệ thống các trường đại học và trường trung học chuyên nghiệp có sự “phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức”(15). Đồng thời, gửi học sinh đi học ở gần 20 nước trên thế giới. Kết hợp đào tạo ở trong nước với đào tạo ở nước ngoài và mời các trí thức Việt Nam có tài ở nước ngoài về giúp đất nước như các ông: Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của, Phạm Huy Thông.v.v...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam là tổng hòa các quan điểm về trí thức của chủ nghĩa Mác-Lênin, tinh hoa tư tưởng văn hóa của nhân loại và dân tộc. Người luôn coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là đại đoàn kết với giới trí thức là một trong những nguyên nhân tạo nên đồng thuận lớn trong xã hội Việt Nam, một động lực thúc đẩy cách mạng Việt Nam vượt qua những thử thách hiểm nghèo: “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ trí thức không chỉ căn cứ trên các câu nói, nhận định của Người “bàn về” trí thức, mà một phần rất quan trọng là nghiên cứu cách ứng xử cụ thể, cách dùng người trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta.
-------------------
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2011, tr. 423.
(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 3, Sđd, tr. 3.
(3),(7),(10) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Sđd, tr.184; tr.275; tr.184.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2001, tr.437.
(5),(6),(11) Hồ Chí Minh,toàn tập, tập 7, Sđd, tr.71; tr.72.
(8),(14) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Sđd, tr.43; tr.91-92.
(9),(12),(13) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 8, Sđd, tr.54; tr.55, tr.56.
(15) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Sđd, tr.506.
PGS.TS. Nguyễn Thế Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khu vực I
Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước