Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). (Ảnh tư liệu)
Về tính tất yếu phải giáo dục thiếu niên, nhi đồng
Trước hết, tình yêu thương vô hạn của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng chính là điểm xuất phát, là điểm căn cốt và là lý do chính để Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra tính cấp thiết phải giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Không ai khác và hơn ai hết, trong hoàn cảnh nước nhà phải kháng chiến chống thực dân Pháp, Người rất mực lo lắng cho tương lai của các cháu. Trong Thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1-6-1950, Người viết: “Ở nước Việt Nam ta, thì vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”(1). “Các cháu đã xứng đáng là dòng dõi Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản. Thật xứng đáng là nhi đồng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bác rất bằng lòng các cháu”(2).
Lúc sinh thời, Người dành tất cả lòng hiền từ ấm áp cho đồng bào, con cháu, già, trẻ, gái, trai, miền Bắc, miền Nam, miền xuôi, miền ngược; trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”(3).
Thứ hai, từ vị trí, vai trò của thiếu niên, nhi đồng. Tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh ở chỗ, Người hiểu rằng thiếu niên, nhi đồng là chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, một mặt, Người khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà”(4). Mặt khác, Người yêu cầu toàn Đảng, toàn dân và tất cả mọi lực lượng quan tâm, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng: “Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”(5). Nhất quán tư tưởng ấy, trong Thư gửi các cháu thiếu niên Hợp tác xã Măng Non, thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), gửi ngày 19-5-1969, Bác tiếp tục khẳng định: “Các cháu tuy tuổi còn nhỏ, cũng có thể làm những việc ích nước lợi dân. Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà”(6). Với niềm tin yêu lớn, trong bài Em bé Triều Tiên, Người nhấn mạnh: “Em bé Việt Nam, các cháu Bác Hồ, cũng nhiều em anh hùng. Trẻ con anh hùng chứng tỏ cả dân tộc anh hùng. Với chí khí anh hùng do lòng yêu nước và tinh thần quốc tế hun đúc, nhất định đánh tan được bọn đế quốc tham tàn”(7).
Thứ ba, từ tầm quan trọng của công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong bài Nói chuyện tại hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc, Người căn dặn các cán bộ phụ trách thiếu nhi: “Công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng rất quan trọng, đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc”(8).
Về mục tiêu giáo dục thiếu niên, nhi đồng
Theo Hồ Chí Minh, nền giáo dục mới mà chúng ta xây dựng sẽ phải hướng đến mục tiêu đào tạo thiếu niên, nhi đồng thành những công dân có ích cho xã hội trên tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, hướng đến mục tiêu giáo dục các em trở thành những người:
“- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
- Học tập tốt, lao động tốt.
- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
- Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”
Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(9).
Về nội dung giáo dục thiếu niên, nhi đồng
Từ việc đánh giá cao vị trí, vai trò của thiếu niên, nhi đồng, đánh giá cao vai trò của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thiếu niên, nhi đồng, Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu phải giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thiếu niên, nhi đồng một cách toàn diện. Trong bài “1 - 6”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Yêu quý các em, chúng ta phải lấy tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em “5 điều yêu”: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quý của công. Chúng ta phải khéo nuôi dạy, giúp cho nhi đồng phát triển sức khoẻ và trí óc, thành những trẻ em có “4 tính tốt”: hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà”(10). Như vậy, nội dung giáo dục cho thiếu niên, nhi đồng theo Người rất toàn diện, cả đức và tài.
Thứ nhất, giáo dục đạo đức cho thiếu niên, nhi đồng. Trong nhiều bài nói, bài viết và chỉ dẫn của mình, Người cho rằng, giáo dục đạo đức cho thiếu niên, nhi đồng là giúp thanh niên trở thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ tương lai của đất nước. Vì vậy, từ rất sớm, trong Thơ tặng các cháu nhi đồng, ngày 10 tháng 4 năm 1946, Người mong mỏi:
“Bác mong các cháu “cho ngoan”,
Mai sau gìn giữ giang san Lạc - Hồng.
Sao cho nổi tiếng Tiên - Rồng,
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”(11).
Thứ hai, giáo dục những kỹ năng cơ bản cho thiếu niên, nhi đồng. Trong Thư gửi các cháu thiếu nhi, trên Báo Cứu quốc, số 385, ngày 24-10-1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp,Người viết:
“Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:
1. Phải siêng học,
2. Phải giữ sạch sẽ,
3. Phải giữ kỷ luật,
4. Phải làm theo đời sống mới,
5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em” (12).
Tóm lại, theo Người: “Đối với các em, việc giáo dục gồm có:
- Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.
- Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công (5 cái yêu)”(13).
Bác Hồ vui Tết Trung thu với các cháu thiếu nhi Hà Nội và Quốc tế, ngày 27.9.1958. (Ảnh tư liệu)
Về phương thức giáo dục thiếu niên, nhi đồng
Thứ nhất, phải kết hợp các hình thức giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó người lớn phải nêu gương sáng cho thiếu niên, nhi đồng noi theo.Người luôn nhắc nhủ người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên) nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng, và lưu ý người lớn phải là tấm gương cho trẻ em. Vì vậy, trong bài Gửi các em học sinh, trên Báo Nhân dân, số 600, ngày 24-10-1955, Người nhấn mạnh: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”(14). Người yêu cầu “đừng dạy các em thành những ông cụ non... Phải làm sao cho trẻ có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ hoạt bát chứ không phải khúm núm đặt đâu ngồi đấy”. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta học tập và làm theo.
Thứ hai, phát huy vai trò của cán bộ phụ trách thiếu nhi trong giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Về giải pháp này, trong Thư gửi hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1427, ngày 22-12-1949, Người định hướng một cách cụ thể: “Sau đây là vài ý kiến để giúp các bạn thảo luận: - Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hoá. - Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hoá ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm nên tránh)”(15). Điều quan trọng nhất của người phụ trách thiếu nhi theo Bác là phải truyền cảm hứng cho thiếu niên, nhi đồng, để các cháu vui tươi, vừa học, vừa chơi, nhưng hiệu quả: “Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trường học, ở xã hội, chúng đều vui đều học. Muốn vậy thì các ban phụ trách nhi đồng cần phải liên lạc mật thiết với cha mẹ và thầy giáo của nhi đồng”(16). Hơn thế, người phụ trách thiếu nhi cần phải liên lạc mật thiết với cha mẹ và thầy giáo của thiếu nhi. Người nói thật chí tình, chí lý: “Ngày nay chúng là nhi đồng, 11 năm sau chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể, và tất cả các đồng bào có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục nhi đồng. Công việc ấy phụ nữ và thanh niên phải là người phụ trách chính, nhất là thanh niên”(17). “Giáo dục thiếu nhi là một khoa học” nên người phụ trách phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc. Những định hướng đó của Người cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Thứ ba, phải tập hợp thiếu niên, nhi đồng trong các tổ chức và thông qua các tổ chức để giáo dục các cháu. Ý thức đầy đủ về vai trò của các đoàn thể trong tập hợp, giáo dục thế hệ trẻ, sau khi tìm được con đường cứu dân, cứu nước và nhận thức sâu sắc về vai trò của thế hệ trẻ, năm 1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Cùng với những công việc đại sự, Người còn chú ý ngay đến phong trào thiếu nhi, Bác vừa giáo dục các em theo tinh thần cách mạng, vừa coi các em là một lực lượng cách mạng. Ý Đảng - lòng Bác đã gặp nhau ở một điểm, đó chính là tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941): … tổ chức ra các đoàn thể cứu quốc như “Nhi đồng cứu vong Đoàn” là đoàn thể cứu quốc của trẻ em và giao cho Đoàn Thanh niên phụ trách. Trên quan điểm đó, ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Đội Thiếu niên tiền phong, Hội Nhi đồng cứu vong được thành lập với 5 đội viên, với đội trưởng đầu tiên là Nông Văn Dền với bí danh Kim Đồng; các thành viên của Đội đã làm lễ tuyên thệ suốt đời trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật cho dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân, phản bội lại cách mạng. Sau này, nhân Đại hội đại biểu toàn quốc Hội liên hiệp thế hệ trẻ Việt Nam (năm 1956), Người một lần nữa khẳng định vai trò của tổ chức trong việc tập hợp và giáo dục thế hệ trẻ: “Nhờ sự giáo dục, bồi dưỡng của Đảng và Đoàn, nhiều chiến sĩ, anh hùng thanh niên đã nảy nở trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc toàn dân kháng chiến và trong việc xây dựng nước nhà hiện nay”. Đến Di chúc, Người căn dặn và khẳng định tính cấp thiết phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau : “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất trọng và rất cần thiết”(18).
Hết lòng thương yêu và ân cần giáo dục thiếu niên, nhi đồng bằng chính tấm gương sáng ngời của mình, Bác Hồ rất tin tưởng vào lực lượng này đối với tương lai đất nước. Lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng mọi thời đại. Thấu triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thiếu niên, nhi đồng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương giáo dục thiếu niên, nhi đồng và ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với phương châm “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”! Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ”./.
-----------------------------------
Chú thích:
(1), (2), (15), (16), (17): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.388; tr.29; tr.250; tr.250; tr.250.
(3),(4), (5), (6), (18): Sđd, Tập 15, tr.624; tr.579; tr.579; tr.569; tr.622.
(7): Sđd, Tập 7, tr.97
(8): Tập 12, tr.76
(9): Tập 13, tr.131-132
(10): Sđd, Tập 9, tr.500
(11), (12): Sđd, Tập 4, tr.245; tr.472
(13), (14): Sđd, Tập 10, tr.175; tr.175
Nguyễn Bảo Minh