Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng nam nữ

Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng

được gặp Bác Hồ, ngày 25/11/1965 (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Vì sao phải thực hiện bình đẳng giới? 

Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề bình đẳng nam nữ thông qua việc kiên quyết phản đối “đa thê” của chế độ cũ; vì vậy, trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ viết cuối năm 1924 gửi Quốc tế Cộng sản, Người khẳng định: “Sở dĩ tôi phản đối đa thê vì nó cản trở giải phóng phụ nữ An Nam” (2). Tiếp đó, trong Báo cáo gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, Người đã đặt vấn đề và mong muốn được thành lập tổ chức riêng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sự tiến bộ của phụ nữ: “Chúng tôi có thể tổ chức Hội phụ nữ được không, như Hiệp hội giải phóng phụ nữ (cho phụ nữ tiểu tư sản và tiểu thương, những người buôn bán nhỏ trong làng? Công nhân trong nhà máy xe lửa)” (3).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính tất yếu phải thực hiện bình đẳng nam nữ là xuất phát từ mục tiêu và tính chất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; đó là cuộc cách mạng toàn diện, triệt để nhằm thực hiện mục đích giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng loài người, trong đó có phụ nữ; đồng thời cũng là giải quyết vấn đề lực lượng (động lực) cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Người cho rằng: “Bây giờ toàn dân ta ai cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì?  Nhất định phải tăng gia sản xuất cho thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” (4).

Thế nào là nam nữ bình quyền?

Tiếp thu những giá trị từ Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, trong Thư từ Trung Quốc, số 1 viết ngày 12-11-1924 đề tên LOO SHING YAN - nữ đảng viên Quốc dân Đảng nhân kỷ niệm 7 năm Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Người đáng giá cao những tác động tích cực của cuộc Cách mạng này đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “Hôm nay, chúng tôi ở đây để làm lễ kỷ niệm cuộc Cách mạng vĩ đại nhất mà lịch sử đã chứng kiến: Cuộc Cách mạng Nga. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà cơ sở của quyền tự do chân chính và quyền bình đẳng thực sự đã được đặt ra cho loài người. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà sự giải phóng phụ nữ sẽ có giá trị và có những ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn” (5).

Theo Người, nội hàm của nam nữ bình quyền rất cụ thể; đó là những quyền cơ bản mà họ phải được hưởng như đàn ông. Trong bài viết, Nam nữ bình quyền, trên Báo Nhân dân, số 408, ngày 14/4/1955 Người giải thích: “Một nhóm nữ học sinh hỏi: Địa vị của phụ nữ Liên Xô thế nào? Trước hết, hoan hô các em đặt câu hỏi thiết thực. Đây là câu trả lời: Phụ nữ Liên Xô hưởng tất cả mọi quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội như đàn ông…” (6). Về phụ nữ Việt Nam, chưa thể thực hiện ngay những quyền cơ bản này và kêu gọi phụ nữ ta phải nỗ lực rất nhiều để vươn tới sự bình đẳng như phụ nữ Liên Xô: “Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chúng ta, nam nữ cũng bình quyền. Phụ nữ ta cũng có tài có sức, nhưng vì bị bọn thực dân áp bức 80 năm qua, cho nên phụ nữ ta còn ít người tham gia các ngành hoạt động. Các em chăm lo học hành, rèn luyện tài đức, thì mai sau các em nhất định theo kịp chị em phụ nữ Liên Xô” (7).

Phương thức để thực hiện nam nữ bình quyền

Thứ nhất, Đảng Cộng sản phải sớm đưa nội dung nam nữ bình quyền vào Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết của mình. Theo Người, đây là nguyên tắc và điều kiện tiên quyết để xây dựng cơ sở xã hội của Đảng; vì vậy, ngay sau khi Đảng ta được thành lập, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Đảng ta đã chủ trương: “Nam nữ bình quyền” (8). Nhất quán quan điểm này, trong Lời kêu gọi, thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam, Người kêu gọi: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để: … 10) Thực hiện nam nữ bình quyền” (9). Tư tưởng này cũng được xác định là chương trình thứ 6 của Việt Nam độc lập đồng minh, Mục A - CHÍNH TRỊ của Chương trình Việt Minh có viết: “6. Nam nữ bình quyền” (10).

Thứ hai, Nhà nước phải thể chế hóa chủ trương nam nữ bình quyền của Đảng thành Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, trong Diễn văn khai mạc phiên họp đầu tiên của Ban sửa đổi Hiến pháp đọc ngày 27/2/1957 và được đăng trên Báo Nhân dân, số 1089, ngày 1-3-1957 Người đưa ra yêu cầu rất cao đó là: “Bản Hiến pháp chúng ta sẽ thảo ra phải là một bản Hiến pháp phát huy cái tinh thần tiến bộ của Hiến pháp năm 1946, đồng thời phải phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi đã mang lại; phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc ta... Nó phải thật sự bảo đảm nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng, v.v..” (11).

Cụ thể hóa bộ luật gốc là Hiến pháp về bình đẳng nam nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta nhanh chóng soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình. Một yêu cầu có tính nguyên tắc mà Người đưa ra khi xây dựng Luật là phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, để Luật không chỉ mang tính chất pháp lý mà còn mang tính Đảng, tính nhân văn cao cả. Vì vậy, trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, một mặt, Người khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành luật: “Luật lấy vợ lấy chồng sắp đưa ra Quốc hội là một cuộc cách mạng, là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy phải đứng trên lập trường vô sản mà hiểu nó. Nếu đứng trên lập trường phong kiến hay là tư sản, tiểu tư sản mà hiểu luật ấy thì không đúng. Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phân nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông” (12). Mặt khác, Người yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuẩn bị, ban hành và thực thi Luật Hôn nhân và Gia đình; đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng khi thực hiện luật này: “Đối với luật lấy vợ lấy chồng từ lúc chuẩn bị đến lúc đưa ra và thi hành, Đảng phải lãnh đạo vì đó là một cuộc cách mạng. Đảng lãnh đạo nghĩa là cán bộ và đảng viên phải làm cho đúng và lãnh đạo các đoàn thể thanh niên và phụ nữ kiên quyết làm cho đúng” (13).

Thứ ba, phải tôn trọng những quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Vì vậy, trong bài viết Phải thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ trên Báo Nhân dân, số 2409, ngày 23/10/1960, Người giải thích: Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã quy định rõ điều đó. Ví dụ: Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình, điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo... nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ... Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt” (14). Hơn thế nữa, Người chỉ ra trách nhiệm và cách thức các đoàn thể và bản thân người phụ nữ trong bảo vệ quyền lợi của phụ nữ: “Để thật sự bảo vệ quyền lợi của phụ nữ thì: 

- Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phải phụ trách tuyên truyền và giáo dục một cách rộng khắp và bền bỉ cho mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật Nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa về vấn đề ấy” (15). 

- “Bà con trong làng xóm và trong hàng phố cần phải có trách nhiệm ngăn ngừa, không để những việc phạm pháp như vậy xảy ra. 

- Bản thân chị em phụ nữ phải có chí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. 

- Đối với những người đã được giáo dục khuyên răn mà vẫn không sửa đổi, thì chính quyền cần phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm chỉnh”(16). 

Thứ tư, phát huy vai trò chủ quan của chính phụ nữ trong thực hiện bình đẳng nam nữ. Đây chính là khả năng tự bảo đảm quyền bình đẳng của chính mình; bởi suy đến cùng, mọi chủ trương, đường lối Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và sự giáo dục, thuyết phục các đoàn thể chính trị xã hội chỉ có hiệu quả khi từng chị em và tất cả phụ nữ tiếp nhận và chuyển hóa thành ý thức tự giác; phải biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, không bị động, trông chờ, ỷ lại để vươn lên địa vị bình đẳng với nam giới. Vì vậy, Người căn dặn: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh” (17). Về vấn đề này, trong Bài nói chuyện tại đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III ngày 9/3/1961 Người tiếp tục khẳng định: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” (18).

Nam nữ phải bình quyền

Bình đẳng giới là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng ta từ khi ra đời đến nay, gần đây trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ” (19). Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một bộ luật riêng - Luật Bình đẳng Giới - Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 nhằm luật hóa các quan điểm của Đảng ta về bình đẳng giới trong thời kỳ mới. Trong đó, tại Điều 4. Mục tiêu bình đẳng giới, Luật đã xác định: “Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Ngay từ năm 1946, trong Hiến pháp đầu tiên của chế độ mới, mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi nhận. Tiếp đó, trong các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, việc bảo đảm bình đẳng giới đều được quy định rõ ràng. Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Khoản 1 và Khoản 3 Điều 26).

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, chính sách và bộ máy, Việt Nam đạt được những thành quả hết sức cơ bản về bình đẳng giới. Về chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tăng lên trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, hiện có 2 phụ nữ được bầu vào Bộ Chính trị và 1 phụ nữ được bầu vào Ban Bí thư, nhiều phụ nữ được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhiều địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội có tỷ lệ nữ lãnh đạo cao, góp phần tham gia vào bộ máy lãnh đạo, đây chính là tư duy chiến lược để khơi dậy và phát huy nguồn lực con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Tuy nhiên, khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Trước hết là sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo (tham chính) còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung và so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa đạt chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Phấn đấu để khắc phục những khoảng cách giới là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm lợi ích của từng giới trong việc thực thi quyền con người ở Việt Nam như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi vấn đề bình đẳng nam - nữ là “một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội... Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”(20).

Theo đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực chính trị hiện nay cần quán triệt và thực hiện các giải pháp mang tính đột phá đó là: Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu toàn diện và vận dụng sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng nam nữ trong điều kiện mới. Thứ hai, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc cụ thể các chủ trương và định hướng về sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thứ ba, xây dựng chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ, trong đó chú trọng đến công tác quy hoạch nguồn lãnh đạo nữ các cấp, các ngành “vừa hồng, vừa chuyên”. Thứ tư, phát huy vai trò của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp và nâng cao năng lực của cán bộ nữ trong lĩnh vực chính trị.

--------------
Chú thích:
(1) (4) (12) (13) (14) (16) (17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.507; tr.300; tr.300; tr.300; tr.705; tr.706; tr.707; tr.301
(2) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, tr.507
(3) (8) (9) (10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.61; tập 3, tr.1; tr.22; tr.630
(5) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, tr.7
(6) (7) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.406; tr.406
(11) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.510
(18) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.60
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011,tr.304.
(20) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.342

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website