Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí và xây dựng, phát triển báo chí trong công cuộc đổi mới hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo vĩ đại, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo (L’humanite’) ngày 18-6-1919, đến ngày 21-6-1925, tờ báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra số đầu tiên là điểm mốc đáng nhớ, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tiền thân của dòng báo chí vô sản sau này. Tính từ ngày 18-6-1919, cho đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân Dân ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo gần như cả cuộc đời, để lại hơn 2.000 bài báo với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước và hòa bình thế giới.

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về báo chí có vai trò quan trọng đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Theo quan điểm của Người, báo chí là vũ khí đấu tranh nên báo chí cách mạng trước tiên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng nhằm tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, đưa họ đến mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc.

Tháng 6-1949, trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chí Minh nêu 6 điểm chính của báo chí cách mạng:

“1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung;

  2.  Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì;

  3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân thi đua ái quốc.

  4.  Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình, thì:

 5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát.

 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”(1).

Xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ to lớn của báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ, nghề báo là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt, vừa là hoạt động chính trị-xã hội, vừa là hoạt động sáng tạo trong đó dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng. Để làm được nghề báo, những người làm báo phải đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức, chính trị và kỹ năng nghề nghiệp nhất định.

Nói chuyện tại Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ hai (ngày 16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nói đến báo chí trước hết phải nói đến cán bộ báo chí. Người làm báo theo quan điểm của Hồ Chí Minh, trước hết là người cán bộ cách mạng, đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, sau đó mới là người làm nghề với những yêu cầu về nghiệp vụ. Do đó, Người nêu rõ: “ những người làm báo ( người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc.”(2)

Tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” [2]. Trong cách thể hiện, Người cho rằng “làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”([3]) và trước khi cầm bút viết, mỗi nhà báo phải tự đặt câu hỏi cho chính mình là “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”.(4)

Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Người đòi hỏi người làm báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp. Trước hết, người làm báo cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngại khó khăn, hy sinh, vì nhân dân phục vụ; cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động. Người nhấn mạnh vai trò “chiến sỹ” của người làm báo, đòi hỏi nhà báo phải kiên định lập trường, giữ vững quan điểm báo chí cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng; báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức, được đào tạo nghề nghiệp, biết ngoại ngữ…

Những người làm báo phải biết trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, vào đời sống nhân dân, gắn bó với nhân dân. Người nêu rõ “nhiệm vụ của người làm báo là rất quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình.” (5)

Người làm báo luôn phải tự rèn luyện, phải có ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn. Muốn rèn nghề tốt phải có tinh thần khiêm tốn, cầu thị, ham học hỏi, không ngừng vươn lên. Hồ Chí Minh nêu rõ thực trạng trình độ nghề nghiệp của các nhà báo:

“Ngoài những đồng chí đã làm báo trong những năm cách mạng và kháng chiến, số đông cán bộ báo chí ta đều mới vào nghề, vì thế mà kinh nghiệm còn ít, trình độ chưa cao. Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện”(6).

Từ yêu cầu về phẩm chất chính trị, Hồ Chí Minh nhấn mạnh một yêu cầu quan trọng của người làm báo là phải có đạo đức cách mạng. Người phê phán chủ nghĩa cá nhân, một biểu hiện đi ngược lại của đạo đức cách mạng:

“Có người chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra, họ không hiểu rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang”(7).

Muốn tu dưỡng đạo đức cách mạng, người làm báo cần phải phê bình và tự phê bình:

“Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phá triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy.

Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng “ trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”(8).

Coi báo chí là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tác dụng của bài viết làm sao đến được với người đọc, làm cho người đọc hiểu nội dung bài viết một cách nhanh nhất. Bởi vậy, đối với quần chúng lao động, Người luôn chọn cách viết đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn đầy đủ ý và Người cho rằng khi viết ra cốt để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Hồ Chí Minh không chỉ dạy các nhà báo về quan điểm viết báo là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, mà còn phải viết thế nào cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Dù các bài viết đó thuộc thể loại nào, phục vụ cho đối tượng người đọc nào, nói về những vấn đề cụ thể nào của cuộc sống chiến đấu, lao động hay những vấn đề lớn của đất nước, dân tộc, thời đại, theo Hồ Chí Minh, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu phải học cách nói của quần chúng. Có học cách nói của quần chúng thì mới được người đọc là quần chúng chấp nhận. Người dạy “Chớ ham dùng chữ”, “Viết phải thiết thực”. Mặc dù là người uyên bác, am hiểu văn hóa phương Đông, phương Tây, biết nhiều ngoại ngữ nhưng Người thường sử dụng từ ngữ đơn giản, thông dụng mà lại phản ánh đúng bản chất sự vật, có sức thuyết phục cao. Chính bởi vậy nhiều câu, nhiều ý trong các bài viết của Người đã đi vào đời sống và trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động như: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…” hay châm ngôn ngắn gọn, chặt chẽ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”…

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, báo chí cách mạng tiếp tục giữ vững vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, làm cho nhân dân trong và ngoài nước hiểu rõ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, một chiều, xuyên tạc, thù địch, chống phá chế độ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự ủng hộ, giúp đỡ thế giới, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo báo chí, do đó, báo chí đã phát triển khá nhanh về số lượng, đến nay cả nước có “844 cơ quan báo chí với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập…, hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ; số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 23.893 người đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp hội, trong đó có 63 hội nhà báo tỉnh, 19 liên chi hội và 215 chi hội trực thuộc Trung ương hội;…”(9).

Báo chí cũng góp phần không nhỏ phản ánh sinh động thực tiễn và quan điểm của các tầng lớp nhân dân, giúp Đảng và Nhà nước có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Học tập sáng tạo cách viết và phong cách báo chí Hồ Chí Minh, đội ngũ những người làm báo Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành qua năm tháng. Nhiều nhà báo không ngại khó khăn, thử thách, sẵn sàng xung kích đi đầu trong việc thông tin, cung cấp sự kiện cho công chúng, định hướng dư luận xã hội, vạch ra những hiện tượng, những vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả chức năng thông tin, phản biện xã hội của báo chí. Trước sự tác động của kinh tế thị trường, các nhà báo luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không vì danh lợi, cám dỗ để “bẻ cong” ngòi bút,…Báo chí ngày càng phát huy vai trò định hướng tư tưởng, dư luận, mỗi nhà báo là một chiến sỹ luôn ý thức cao nhiệm vụ đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo vệ chế độ và lợi ích của dân tộc, của quần chúng nhân dân.

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí của Hồ Chí Minh, mỗi nhà báo cần thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản sau đây:

- Lập trường chính trị vững vàng, có bản lĩnh kiên định, trung thành tuyệt đối với Đảng, với đất nước. Làm báo thực chất là làm chính trị, do đó ý thức nghề nghiệp của người làm báo trước hết là ý thức chính trị, ý thức về lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ chế độ, bảo vệ dân tộc, bảo vệ giai cấp, kiên quyết chống lại sự phá hoại của kẻ thù. Đó là cơ sở gốc rễ để mỗi nhà báo tự vượt lên trên những tính toán vụ lợi, cống hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp cách mạng. Người làm báo không dao động trước mọi cám dỗ, tiên phong trong chiến đấu chống các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa, sử dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền hòng làm thay đổi chế độ chính trị của nước ta. 

- Rèn luyện, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, vận dụng sáng tạo vào hoạt động tác nghiệp của mình, phấn đấu đưa nền báo chí của nước nhà theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, là “cầu nối” giữa Đảng với dân, vì nhân dân để phụng sự. Mỗi nhà báo phải sâu sát đến cơ sở, thực tiễn, nắm bắt được hơi thở của thời đại, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội.

- Công cuộc đổi mới của đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều thành tựu to lớn, báo chí cần phải phản ánh trung thực, nêu gương tốt, điển hình, tiêu biểu để cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân noi theo. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh, chỉ rõ những hành vi tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lộng quyền và các tệ nạn xã hội để từng bước góp phần giảm thiểu những điều xấu, tôn vinh những nhân tố mới, tốt đẹp trong đời sống xã hội.



[1] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 6 ( 1949-1950), Nxb CTQG, HN, 2011, tr  102.

[2] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 13 ( 1961-1962), Nxb CTQG, HN, 2011, tr 466.

[3] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 13 ( 1961-1962), Nxb CTQG, HN, 2011, tr 465.

[4] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 13 ( 1961-1962), Nxb CTQG, HN, 2011, tr 465.

[5] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 12 ( 1959-1960), Nxb CTQG, HN, 2011, tr 415.

[6] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 12 ( 1959-1960), Nxb CTQG, HN, 2011, tr 465.

[7] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 12 ( 1959-1960), Nxb CTQG, HN, 2011, tr 168.

[8] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 12 ( 1959-1960), Nxb CTQG, HN, 2011, tr  464.

[9] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 21/6/2019.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website