Việt Nam ngày càng thể hiện uy tín và vị thế trên trường quốc tế nhờ vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế. Trong ảnh: Ngày 7-6-2019, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ảnh: TTXVN
1. Sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam tiếp tục xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đây là sự lựa chọn đúng đắn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân", "chủ nghĩa xã hội là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ". Người nhấn mạnh xã hội xã hội chủ nghĩa là "một thế giới không có người bóc lột người, mọi người sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng...".
Tuy nhiên, điều kiện bảo đảm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, điều quan trọng nhất, theo Người trước hết phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; mỗi cán bộ, đảng viên phải "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng, Đảng thực sự vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được coi là một nhiệm vụ chiến lược, một công việc thường xuyên trong quá trình vận động phát triển của cách mạng.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Việc cần làm trước tiên là xây dựng, chỉnh đốn lại Đảng". Thực hiện tư tưởng ấy, bước vào thời kỳ mới, khi đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng được đặt ra trong nhiều nghị quyết của Đảng, từ Cương lĩnh đến văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Tiêu biểu như Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) (khóa VIII) về "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay"; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"... Nhờ đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố... Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin yêu. Đồng thời đã khắc phục bước đầu một số khuyết điểm, hạn chế trong công tác cán bộ và thực hiện các nguyên tắc của Đảng; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Cùng với chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta vận dụng và thực hiện triệt để tư tưởng "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi đây là nội dung cốt lõi, xuyên suốt tư tưởng của Người, thể hiện sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn. Hồ Chí Minh chỉ rõ các bài viết của Người chỉ có một "đề tài" là "chống thực dân đế quốc", "chống phong kiến địa chủ", "tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc".
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: "Trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quan điểm cơ bản nhất, là cốt lõi, là nguồn gốc, là hạt nhân chi phối hệ tư tưởng cũng như hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh".
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, từ năm 1975 đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội". Bài học đầu tiên được Đảng rút ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) là: "Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt trong quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc". Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), Đảng ta một lần nữa khẳng định phải "kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới". Đây là chủ trương đúng đắn và cũng là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cần phải có sức mạnh đoàn kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà". Đồng thời, Người luôn nhấn mạnh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công"; "đoàn kết toàn dân", "đoàn kết quốc tế". Thực hiện lời dạy ấy, trong quá trình xây dựng đất nước, chúng ta đã phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng làm nên nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chúng ta còn vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi, tận dụng tối đa sức mạnh của thời đại cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trên thế giới, trong đó xác lập nhiều quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực; tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, Việt Nam ngày càng thể hiện uy tín và vị thế cao trên trường quốc tế. Đặc biệt, năm 2019, Thủ đô Hà Nội được lựa chọn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục trong lịch sử (192/193 phiếu).
Chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Chỉ tính riêng năm 2019 vừa qua, trước nhiều biến động, rủi ro của kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,02%, cao hơn kế hoạch đề ra; quy mô nền kinh tế ước đạt trên 266 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD; lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 3%; kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt ngưỡng 500 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019. Mới đây, ngay trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nước ta giành được thắng lợi quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, trong quá trình lãnh đạo đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1975 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện ở việc kiên định con đường chủ nghĩa xã hội; quán triệt sâu sắc và thực hiện triệt để tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; luôn đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng và thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới; vận dụng sáng tạo tư tưởng đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế để tạo xung lực phát triển mới cho đất nước.
Ngày nay, tình hình quốc tế, khu vực luôn có diễn biến phức tạp, khó lường. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đi đôi với việc phát huy sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực, chúng ta cần tiếp tục quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là kim chỉ nam, là yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của dân tộc Việt Nam.
THƯỢNG TÁ - THẠC SĨ ĐỖ MẠNH CƯỜNG
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
Theo http://www.hanoimoi.com.vn