Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19/12/1963). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), tạp chí Moderndiplomacy ngày 19/5 đã đăng bài viết của giáo sư người Ấn Độ Pankaj Jha về nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam cùng tư tưởng của Người về nền hòa bình thế giới.

Mở đầu bài viết, tác giả đã dành sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh Người luôn thể hiện niềm khát khao tư tưởng vì lợi ích chung và sự trung thành với dân tộc.

Tác giả bài viết nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ cho sự đoàn kết ở châu Á. Điều này được thể hiện rõ trong thông điệp gửi tới Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru nhân một hội nghị về các mối quan hệ tại châu Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng đoàn kết sẽ đưa các nước châu Á trở thành những người bảo vệ mạnh mẽ nhất đối với dân chủ thế giới.

Người cho rằng gia đình châu Á đóng vai trò quan trọng đối với sự thống nhất và độc lập, các nước anh em ở châu Á sẽ ủng hộ Việt Nam để có thể hiện thực hóa mục tiêu thống nhất hai miền Nam-Bắc.

Giáo sư Pankaj Jha nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến hòa bình ở châu Á và trên thế giới.

Trong bài diễn văn chào mừng Thủ tướng Nehru tại Hà Nội năm 1954, Người nói rằng để duy trì hòa bình và sự hiểu biết lẫn nhau, nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết tâm thực hiện đúng Hiệp định hòa bình ký tại Geneva.

Người cũng cảm ơn Ủy ban kiểm soát quốc tế, được các đại biểu Ấn Độ, Ba Lan và Canada điều phối, vì đã làm việc không mệt mỏi và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đạt được các kết quả tốt đẹp.

Trong hầu hết các bức thư của Người liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn giữa Pháp với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng các cường quốc đế quốc cần phải thể hiện quyết tâm để duy trì hòa bình.

  

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Liên Xô và quốc tế tham dự Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô, diễn ra tại Moskva, tháng 10/1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ấn Độ vào năm 1954 về vấn đề chấm dứt chiến tranh với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng mục tiêu của Người là “thúc đẩy hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trên toàn đất nước.”

Người nhắc lại, để thực hiện những nhiệm vụ này, “chúng tôi sẵn sàng hợp tác một cách chân thành với các tổ chức, cá nhân người Việt, những người ủng hộ các chính sách nói trên, bất kể niềm tin chính trị và tôn giáo của họ như thế nào.”

Giáo sư người Ấn Độ Pankaj Jhar nhắc lại trong các cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ, và Myanmar thời điểm tháng 6/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì sự hiểu biết lẫn nhau và hòa bình ở châu Á.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo New Age của Ấn Độ về vấn đề xây dựng các căn cứ và liên minh quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, các căn cứ và các khối quân sự là mối đe dọa với hòa bình ở châu Á và trên thế giới.

Trong một tuyên bố chung nhân chuyến thăm tới Ấn Độ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru đã chỉ rõ: “sự phát triển trong các lĩnh vực chiến tranh hạt nhân, bom hạt nhân... đặt ra nhu cầu cấp bách đối với nền hòa bình hơn bao giờ hết.”

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng cần phải tổ chức một hội nghị cấp cao để tìm ra những giải pháp chấm dứt các vụ thử hạt nhân và bom hạt nhân, cũng như phải tiến hành từng bước giải giáp vũ khí và hạ nhiệt tình hình thế giới.

Hai bên nhấn mạnh rằng, các khối quân sự đã làm cho tình hình thế giới trở nên bấp bênh và xác định rằng cần phải duy trì hòa bình thế giới và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Theo tác giả bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các giáo lý đạo Phật về hòa bình, lòng khoan dung... như những nhân tố quan trọng của sự sống nhân loại và hòa bình thế giới. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thúc đẩy tình cảm giữa con người, tự hoàn thiện, tu dưỡng đạo đức cá nhân, tăng cường tình đoàn kết giữa mọi người...

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhìn vào các tư tưởng đạo Phật, bao gồm các triết lý, để phát triển thế giới quan về hòa bình, sự chân thành, lòng tốt, vẻ đẹp, tình thương.

Thậm chí, trong các chuyến thăm tới các nước khác nhau và các bức thư chính thức gửi các nhà lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên đề cập đến sự hòa nhập về tinh thần, tình thương yêu, lòng vị tha, đạo đức, phẩm chất con người và sự đồng cảm với đồng loại. Thực tế, một trong những tư tưởng về hòa bình thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ bản chất nhân văn hòa bình của đạo Phật.

Giáo sư Pankaj Jha nhận định sự cộng hưởng trong các tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu là nhằm mục đích đem lại hòa bình thế giới thông qua việc chống lại chủ nghĩa thực dân và giảm dần ảnh hưởng của các cường quốc đế quốc, để tạo điều kiện cho sự phát triển của các dân tộc độc lập vẫn còn non trẻ.

Trong các bức thư của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến Hiệp định Geneva, và nhấn mạnh đến các nguyên tắc dân chủ và tôn trọng ý chí người dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ý thức được một thực tế là các cường quốc đế quốc sẽ không dễ dàng trao lại tự do các nước thuộc địa. Chính vì vậy, Người kêu gọi các nước mới giành được độc lập phải tránh các khối liên minh chính trị và phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp của người dân.

Tác giả bài viết kết luận nếu xem xét các bức thư mà Người gửi tới các nhà lãnh đạo trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn muốn phấn đấu vì sự phát triển và hòa bình thế giới./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website